Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực

Thạch Anh, Theo Phụ nữ Việt Nam 17:20 24/10/2022

Ruth Bader Ginsburg chính là tấm gương sáng về sức mạnh của người phụ nữ trong thời hiện đại.

Từ cô bé Do Thái là con của một gia đình di dân đến Hoa Kỳ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đến tượng đài "uy quyền" suốt 27 năm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ và "tấm khiên" vững chãi cho bình đẳng giới và dân quyền - cuộc đời của Ruth Bader Ginsburg không trải đầy hoa hồng nhưng bà đã vững chân bước qua mọi chông gai để chứng minh mình là một hình mẫu đầy cảm hứng cho phụ nữ.

"R.B.G." một đời đáng kính

Được gọi một cách trìu mến là "R.B.G." bởi những người ủng hộ, Ruth Bader Ginsburg đã truyền ngọn lửa cho nhiều thế hệ phụ nữ phá bỏ rào cản giới tính. Ngay cả khi phải đối mặt với sự phân biệt giới tính khi theo đuổi mục tiêu học tập của mình, Ginsburg đã vươn lên dẫn trước và trở thành người phụ nữ thứ hai - và là phụ nữ Do Thái đầu tiên - phục vụ trong cơ quan quyền lực cao nhất của nền Tư pháp Hoa Kỳ.

Ruth Bader Ginsburg sinh ngày 15/3/1933 tại Brooklyn, New York, Mỹ.

Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực - Ảnh 1.

Ruth Bader Ginsburg năm 2 tuổi

Sinh ra trong một gia đình Do Thái, cha bà là Nathan Bader, một người nhập cư từ Nga vào Hoa Kỳ năm 13 tuổi. Trong khi đó, mẹ bà, Celia, là con của một cặp vợ chồng nhập cư từ Áo. Ruth có một chị gái đã qua đời khi bà mới 2 tuổi.

Mặc dù Nathan Bader chưa bao giờ học đến trung học nhưng ông đã đạt được một số thành công trong công việc kinh doanh lông thú, trong khi Celia làm việc tại nhà và phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình. Dù bà Bader không bao giờ theo đuổi sự nghiệp của riêng mình, song bà khuyến khích tham vọng học tập và nghề nghiệp của Ruth, đưa con đến thư viện mỗi tuần để truyền tình yêu với sách.

Celia Bader bị suy giảm sức khỏe trong suốt những năm tháng thiếu niên của Ruth, cuối cùng bà qua đời vì bệnh ung thư đúng 1 ngày trước khi Ruth tốt nghiệp trường trung học James Madison.

Tốt nghiệp phổ thông, Ruth tiếp tục theo học ở Đại học Cornell (một trường thuộc Ivy League) tới năm 1954.

Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực - Ảnh 2.

Ruth năm 15 tuổi khi đang học trung học.

Tại Đại học Cornell, Ruth Bader lấy bằng cử nhân năm 1954 với danh hiệu cao trong ngành quản lý nhà nước và xuất sắc trong tất cả các môn học, sớm thể hiện năng lực xuất chúng của mình.

Cũng chính tại Cornell, bà đã gặp người chồng tương lai, Martin Ginsburg, trong một buổi hẹn hò giấu mặt. Họ kết hôn ngay sau khi Ruth Bader tốt nghiệp và sống ở Fort Sill, Oklahoma, nơi người chồng hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Sau khi giải ngũ, ông bắt đầu học luật tại Harvard, và 14 tháng sau khi sinh con gái đầu lòng là Jane, Ruth cũng vào Trường Luật Harvard.

Trường Luật Harvard là bước chân tiếp theo của Ginsburg trong sự nghiệp luật gia

Khi ở Harvard, Ruth là 1 trong 9 nữ sinh của lớp 500 sinh viên. Bà thường xuyên phải đối mặt với sự phân biệt đối xử về giới tính và được yêu cầu chứng minh cho vị trí của mình - thứ mà nhiều giáo sư thủ cựu cho rằng đáng ra nên dành cho đàn ông.

Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực - Ảnh 3.

Ruth bên chồng và con gái cả Jane năm 1958. Sau này, Jane nối nghiệp mẹ mình làm giáo sư tại Trường Luật Columbia.

Sự phân biệt tệ đến mức Ruth và các bạn học nữ đôi khi bị đem ra chế giễu trong lớp và họ thậm chí còn bị loại khỏi việc sử dụng một số phần của thư viện. Bất chấp những phân biệt đó, gia đình Ruth còn phải đối mặt với một biến cố lớn khi ông Martin bị chẩn đoán ung thư tinh hoàn. Để hỗ trợ chồng, Ruth tham dự lớp của cả 2 người và ghi chép mọi bài vở giúp ông, trong khi vẫn cố gắng chăm sóc con gái.

Trái ngọt đến khi thành quả của bà được chứng minh bằng một vị trí đáng tự hào trên tạp chí danh giá Harvard Law Review - tạp chí mà sau này ông Barack Obama cũng vinh dự được đăng bài.

Martin may mắn chiến thắng bệnh tật, giành được tấm bằng tại Harvard và sớm trở thành một luật sư có tiếng.

Để cả gia đình nhỏ được gần nhau, thời gian sau, Ruth chuyển đến Trường Luật Columbia vào 1958 để học năm cuối.

Trong quá trình học của mình, bà trở thành người chưa từng có tiền lệ được đăng bài trên cả tạp chí luật Harvard và Columbia. Ruth tốt nghiệp ngành luật tại Columbia năm 1959 với vị trí thủ khoa.

Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực - Ảnh 4.

Ruth và con gái

Bất chấp thành tích học tập xuất chúng, bà vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi xin việc với vai trò là người phụ nữ và người mẹ, khi trượt phỏng vấn ở 12 công ty luật. Thậm chí, dù được giáo sư cũ ở Harvard tiến cử cho vị trí tại văn phòng của thẩm phán Tối cao Pháp viện Felix Frankfurter, một người Mỹ gốc Áo, bà cũng bị từ chối vì giới tính của mình.

Bà giải thích: "Vào những năm 1950, các công ty luật truyền thống mới bắt đầu quay lại việc thuê người Do Thái… Nhưng vừa là một phụ nữ, một người Do Thái và một người mẹ, sự kết hợp đó hơi khó". Cuối cùng, bà giành được vị trí thư ký luật cho Edmund L. Palmieri, Thẩm phán danh dự ở Tòa án Địa hạt Hoa Kỳ cho Quận phía Nam của New York vào năm 1959. Bà phục vụ tại văn phòng đó cho đến năm 1961.

Sau vai trò thư ký của mình, Ruth bắt đầu làm cộng tác nghiên cứu cho Dự án Trường Luật Columbia về Thủ tục Quốc tế. Sau 1 năm làm cộng tác viên nghiên cứu, bà trở thành phó giám đốc và tiếp tục ở vị trí đó trong 1 năm.

Năm 1963, Ginsburg bắt đầu làm Giáo sư Luật tại Trường Luật Đại học Rutgers và giảng dạy đến năm 1972.

Bà cũng tham gia Hiệp hội Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) và là trung tâm trong việc thành lập Dự án Quyền Phụ nữ của họ vào năm 1971. Ginsburg trở lại Trường Luật Columbia vào năm 1972, tiếp tục vai trò giáo sư nữ đầu tiên tại đây. Trong thời gian giảng dạy tại Columbia, bà cũng là cố vấn chung cho ACLU từ năm 1973-1980 và trong Hội đồng quản trị quốc gia từ năm 1974-1980.

Ngoài vai trò giảng dạy, Ginsburg tiếp tục xuất hiện thường xuyên trước Tòa án Tối cao, đặc biệt tranh luận trong các vụ án phân biệt giới tính.

Một trong những điều quan trọng nhất trong số này là vụ Weinberger kiện Wiesenfeld (1975). Stephen Wiesenfeld là một người góa vợ đã bị từ chối quyền lợi cấp dưỡng con cái của Sở An sinh Xã hội mà một phụ nữ có thể nhận được trong hoàn cảnh tương tự.

3 năm sau, bà tiếp tục chiến thắng một vụ khác: Duren kiện Missouri. Luật tiểu bang ở Missouri đã quy định nghĩa vụ bồi thẩm đoàn bắt buộc đối với nam giới nhưng không bắt buộc đối với phụ nữ.

Ruth cho rằng điều này làm giảm giá trị đóng góp của phụ nữ với tư cách là công dân, và một lần nữa vị thế của bà lại chiếm ưu thế. Vào thời điểm này, bà đã nổi tiếng trên toàn quốc với tư cách là người ủng hộ hàng đầu cho quy chế công dân bình đẳng của nam giới và phụ nữ.

Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực - Ảnh 5.

Ruth Ginsburg tuyên thệ trở thành Thẩm phán.

Những chiến thắng của bà đã góp phần định nghĩa lại khái niệm về bình đẳng giới. Trang web của ACLU nhận định rằng quan điểm của bà về giới hướng đến lợi ích công bằng của cả đàn ông và phụ nữ. Ruth biết rằng, để phụ nữ bước ra khỏi vai trò chăm sóc truyền thống, đàn ông sẽ phải bước vào vai trò đó. Điều đó không có nghĩa là bà ưu tiên công việc bên ngoài hơn công việc nội trợ. Ngược lại, bà còn hy vọng nhiệt thành rằng mọi người có thể chia sẻ bình đẳng về niềm vui và trách nhiệm của cuộc sống gia đình.

Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm Ruth Bader Ginsburg vào Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ cho Khu vực Quận Columbia.

13 năm sau, Tổng thống Bill Clinton đã bổ nhiệm bà vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, thay thế cựu thẩm phán Byron White, người đã phục vụ từ chính quyền Kennedy. Ruth là người phụ nữ thứ hai được bổ nhiệm vào cơ quan này, sau Sandra Day O'Connor và là người phụ nữ Do Thái đầu tiên.

Suốt sự nghiệp tại Tối cao Pháp viện, bà nổi tiếng là người công tâm, khách quan và chính trực.

Trong các phiên điều trần phê chuẩn trước Thượng viện, Ruth từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến quan điểm cá nhân của bà về một số vấn đề gây tranh cãi hoặc thảo luận về cách phán quyết trong các giả định.

Bà khẳng định sự thận trọng này là điều cần thiết để duy trì tư tưởng cởi mở và tính chính trực của mình với tư cách là một luật gia. Phần lớn những người được đề cử vào Tối cao Pháp viện đã tiếp tục noi gương bà. Thời điểm đó, Thượng viện đã xác nhận việc bổ nhiệm bà bằng số phiếu 96-3.

Tại Tối cao Pháp viện, Thẩm phán Ruth Ginsburg thường được kêu gọi đưa ra phán quyết trong các vụ án liên quan đến quyền của phụ nữ và các vấn đề bình đẳng giới.

Năm 1996, bà tham gia phe đa số ở vụ United States v. Virginia (giữa Liên bang và Bang Virginia), ra phán quyết rằng bang không thể tiếp tục vận hành một cơ sở giáo dục toàn nam giới (Học viện Quân sự Virginia) bằng tiền đóng thuế.

Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực - Ảnh 6.

Ruth chụp ảnh tại văn phòng của mình tại Tối cao Pháp viện trước một buổi phỏng vấn với hãng tin AP.

Bà cũng tham gia vào ý kiến đa số trong vụ Stenberg kiện Carhart (2000), phản đối luật cấm phá thai của bang Nebraska. Bà đã phản đối kịch liệt trong vụ Ledbetter kiện Goodyear Tire (2007), trong đó một phụ nữ Alabama kiện không thành công về việc hoàn lương để bù đắp cho những năm cô được trả lương thấp hơn đáng kể so với các đồng nghiệp nam cấp dưới làm cùng công việc.

Quốc hội Hoa Kỳ sau đó giải quyết vấn đề công bằng trong thu nhập thông qua đạo luật được gọi là Đạo luật Trả lương Công bằng Lily Ledbetter năm 2009.

Trong những năm phục vụ, Ruth Ginsburg đã phải đối mặt với những thách thức cá nhân khó khăn.

Năm 1999, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết. Bà đã trải qua phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, tất cả đều không thiếu một ngày phục vụ trong vai trò Thẩm phán. 10 năm sau, bà tiếp tục được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu và vội vã trở lại tòa án trong vòng 12 ngày sau khi phẫu thuật thành công.

Ruth đã bình phục sau tất cả các biến cố sức khỏe trên, nhưng vào năm 2010, chồng bà, ông Martin, đã qua đời vì ung thư 4 ngày sau lễ kỷ niệm 56 năm ngày cưới của họ.

Trong những năm phục vụ và cả sau này, Ruth được nhiều người Mỹ coi là biểu tượng nữ quyền và là tấm gương về lòng dũng cảm, đạo đức trong việc theo đuổi công bằng xã hội. Cuộc đời và cống hiến của bà đã được tôn vinh trong những cuốn sách như cuốn tiểu sử vui tươi The Notorious RBG năm 2015 và trong bộ phim điện ảnh năm 2018, On The Basis Of Sex, miêu tả bước đường đầu tiên trong sự nghiệp của bà và vụ án phân biệt giới tính mang tính bước ngoặt Moritz kiện Ủy viên doanh thu nội bộ.

Ginsburg kiên trì phục vụ tại tòa án kể cả khi tiếp tục tái phát ung thư và hứa tiếp tục cống hiến khi vẫn còn có thể. Bà qua đời tại nhà riêng ở Thủ đô Washington, thọ 87 tuổi.

Ngày 25/9/2020: Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Ginsburg đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ và người Do Thái đầu tiên được quàn linh cữu để tưởng niệm công khai tại Hoa Kỳ.

Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực - Ảnh 7.

Tang lễ của Ruth Ginsburg

Thông báo về sự ra đi của bà đã làm dấy lên một làn sóng xúc động trong công chúng Hoa Kỳ. Tối hôm đó, một đám đông những người ngưỡng mộ đã tập trung trên các bậc thang của Tối cao Pháp viện để bày tỏ lòng thành kính đối với một nhà đấu tranh cho công lý bình đẳng và cả đời cống hiến cho luật pháp.

"Bạn không thể có tất cả cùng lúc được nhưng trong suốt đời tôi, tôi nghĩ tôi đã có tất cả".

Sự nghiệp lừng lẫy không phải lúc nào cũng song hành cùng vai trò trọn vẹn của người vợ, người mẹ, nhưng có lẽ Ruth là một ngoại lệ xuất sắc, đặc biệt vào bối cảnh lịch sử khi nạn phân biệt giới vẫn tồn tại trong cuộc đời bà.

Người mẹ "toàn năng"

Như biên tập viên của tờ Wall Street Journal Amy Joyce kể lại ấn tượng về Ruth sau khi bà qua đời, người phụ nữ với đôi mắt sắc sảo sau cặp kính dày và mái tóc luôn búi gọn nghiêm trang không coi việc làm mẹ là trở lực cho sự nghiệp; trái lại, đó còn là niềm an ủi và cảm hứng của bà.

Đằng sau những thành công về đấu tranh trong vai trò bình đẳng của đàn ông và phụ nữ khắp Hoa Kỳ, Ruth Ginsburg thực sự đã sống như những gì bà tin vào. Những năm 1950, người phụ nữ ấy đã chấp nhận vừa tiếp tục sự nghiệp học tập không ngừng, vừa chăm con, vừa chăm chồng bệnh tật mà chưa từng kêu than.

Năm 2001, phát biểu trước Hiệp hội Luật sư của Thành phố New York, bà nói: "Phụ nữ sẽ đạt được bình đẳng thực sự khi nam giới chia sẻ với họ trách nhiệm nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo". Trước khi những thuật ngữ như "gánh nặng tinh thần" và "công việc vô hình" trở nên nổi tiếng, Ginsburg và chồng đã minh họa cho mối quan hệ đối tác bình đẳng và nuôi dạy con cái bình đẳng, không tuân theo định kiến giới, trông như thế nào.

Ginsburg nổi tiếng không tin rằng nấu ăn là "điểm mạnh" của bà. "Trước sự đánh giá cao vĩnh viễn của những đứa con mê đồ ăn (cả nhà đón thành viên thứ tư vào năm 1965, khi con trai của chúng tôi, James, chào đời), Martin đã biến nhà bếp thành lãnh địa của anh ấy và trở thành đầu bếp tối cao trong nhà của chúng tôi", bà viết trên New York Times. Một thẩm phán tối cao, và một "đầu bếp tối cao", còn một sự kết hợp nào tuyệt vời hơn?

Bà tiếp tục nhấn mạnh vai trò hậu phương của chồng, "Martin đã huấn luyện tôi suốt khoảng thời gian con trai chúng tôi ra đời, anh ấy là người đọc và phê bình đầu tiên về các bài báo, bài phát biểu và bản tóm tắt mà tôi soạn thảo và anh ấy đã ở bên cạnh tôi liên tục, trong và ngoài bệnh viện, trong suốt 2 cuộc đọ sức dài với ung thư. Tôi không giấu giếm khi thừa nhận rằng, nếu không có anh ấy, tôi đã không thể giành được một ghế trong Tối cao Pháp viện".

Nhưng người mẹ ấy tất nhiên không để chồng xắn tay làm tất. Trong bài đăng trên tờ New York Times năm 2016, Ginsburg cho rằng thành tích học tập của bà là do trở thành một bà mẹ trẻ. "Tôi không nghi ngờ gì về sự thành công của tôi trong trường luật, phần lớn là nhờ có bé Jane", bà viết.

"Tôi tham gia lớp học và chăm chỉ học đến 4 giờ chiều; những giờ tiếp theo là thời gian của Jane, ở công viên, chơi những trò ngớ ngẩn hoặc hát những bài hát vui nhộn, đọc sách tranh và thơ A. A. Milne, tắm và cho con be ăn.

Sau giờ đi ngủ của Jane, tôi quay trở lại với những cuốn sách luật với một ý chí mới. Mỗi phần trong cuộc sống của tôi mang lại thời gian nghỉ ngơi khỏi phần còn lại và cho tôi cảm giác về phần mà những người bạn cùng lớp chỉ được đào tạo về luật học còn thiếu".

Bắt các con... tập làm văn để phạt, cho con bú tại công sở

Điều đáng ngạc nhiên nhất mà những người viết tiểu sử về Ruth Bader Ginsburg biết được tới Thẩm phán Tối cao Pháp viện không liên quan gì đến luật pháp, tòa án.

Jane Sherron De Hart, tác giả của một cuốn sách về Ginsburg mang tên Ruth Bader Ginsburg: A Life, nói với tờ Kveller rằng điều bất ngờ nhất mà bà biết được về vị thẩm phán là phong cách nuôi dạy con độc đáo.

De Hart kể: "Một hình thức kỷ luật mà bà ấy sử dụng khi các con có hành vi sai trái là bắt họ phải viết một bài luận. Và sau đó bà ấy sẽ bắt họ viết đi viết lại".

Cũng theo nhà văn, đây là cách để bà giúp các con tập thói quen viết rành mạch. Một điều lý thú là sau này Jane cũng học theo phương pháp của mẹ cho các con bà ấy.

Nhưng phong cách làm mẹ của Ruth không chỉ được thể hiện ở nhà.

Ví dụ, khi Ginsburg thành lập Dự án Quyền Phụ nữ của ACLU vào năm 1972, đó là trong "thời kỳ mà bạn không nói về việc đưa con mình đi làm", De Hart nói. Tuy nhiên, Ginsburg đã tạo ra một bầu không khí mà trẻ em được chào đón tại công sở.

De Hart nhớ lại một trong những giai thoại về Ruth yêu thích của bà: "Một trong những người sáng lập ACLU, lúc đó chắc đã ngoài 80 tuổi đang đi lại trong khu vực Dự án Quyền Phụ nữ để trò chuyện với một luật sư trẻ thì bắt gặp Ginsburg đang cho con bú".

Kỷ niệm đó có lẽ là dấu mốc đáng nhớ cho việc "làm gương" của nữ thẩm phán trong việc cân bằng việc làm mẹ và công sở.

Cũng trong những năm vất vả "vừa khéo chăm chồng lại khéo nuôi con", De Hart cho biết Martin đã nảy ra vài ý tưởng để làm vợ bớt căng thẳng.

"Công việc của Jane là đếm số lần cô hoặc bố có thể thành công khi nói điều gì đó hoặc kể một câu chuyện khiến mẹ mỉm cười. Jane bị cuốn vào trò chơi đến nỗi sau này cô ấy cho ra đời một tập sách có tựa đề 'Mommy Laughed'" (tạm dịch: "Mẹ đã cười")".

"Đứa nhóc có 2 phụ huynh. Gọi luân phiên đi. Đến lượt bố thằng bé rồi".

Một kỷ niệm đáng nhớ khác đại diện cho cả triết lý giới và nuôi con mà Ginsburg tự hào bộc lộ được tờ Boston Globe kể lại.

Câu nói trên là của Ruth dành cho một giáo viên liên tục gọi cho bà - chứ không phải người cha - khi con trai bà phạm lỗi ở trường.

Câu nói ấy là đại diện hoàn hảo cho chủ nghĩa bình đẳng giới kiểu Ruth. Từ khi nào giới tính hay quy ước xã hội có ảnh hưởng đến sự bình đẳng trong vai trò nuôi con? Phải nói rằng, bản thân việc đấu tranh này cũng chính là vì lợi ích của cả phái mạnh, khi những người bố cũng có quyền lợi và nghĩa vụ được quan tâm sát sao tới con mình.

Vị thẩm phán Mỹ trọn đời vì công lý, rực rỡ tại chính trường và tròn vai người mẹ mẫu mực - Ảnh 8.

Ruth Ginsburg bên chồng và các con

Càng đáng nhắc lại khi đó là tuyên bố của một phụ huynh những năm 60-70 của thế kỷ trước. Đến nay, liệu có bao nhiêu phụ huynh sẽ sẵn sàng nói vậy với giáo viên của con mình hay sẽ chỉ nhún vai tự giải quyết vì "Như thế đơn giản hơn", "Anh ấy nhiều việc rồi", hay "Tôi giỏi chuyện con cái hơn"?

Với những người mẹ, chuyện của Ruth Bader Ginsburg có lẽ sẽ truyền cảm hứng cho bạn thay vì đặt những câu hỏi trên, thì hãy bắt đầu hỏi "Mình đang phải làm gì một mình?" và "Phải chăng đã đến lúc tin tưởng chồng mình hơn?".

Và đối với những người cha, điều đó có thể đồng nghĩa với việc gánh vác nhiều hơn gánh nặng tinh thần khi nuôi dạy con cái, yêu cầu giám sát con cái và tự tin vào vai trò của mình.

Nhà tâm lý xã hội học Francine M. Deutsch nói trên tờ Boston Globe: "Ngay cả với những người cha tham gia rất nhiều - vẫn có niềm tin ẩn rằng cô ấy giỏi hơn. Đừng đánh giá thấp bản thân. Bạn có thể là một trong hai phụ huynh. Bạn không bắt buộc chỉ là một người trợ giúp".

Nguồn: Tổng hợp