Loại quả này là sầu riêng. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng sầu riêng trong 6 tháng đầu năm đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng của nước ta đang tăng rất mạnh, nhất là trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Cụ thể, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 450 triệu USD, tăng 107% so với tháng 4, tăng 34% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 6 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta ước đạt 600 triệu USD. Điều này có nghĩa là chỉ trong 2 tháng, nước ta đã thu về hơn 1 tỷ USD từ việc xuất khẩu sầu riêng.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta đạt 1,5 tỷ USD. Sầu riêng vẫn là loại quả dẫn đầu về kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng hiện nay đang gấp 4 lần so với thanh long, loại quả từng ở vị trí đứng đầu trong nhóm rau quả xuất khẩu.
Chỉ trong 2 tháng, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Ảnh minh họa
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc hiện vẫn tăng mua sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải cẩn trọng hơn về mã số vùng trồng và chất lượng sầu riêng để xuất khẩu loại quả này sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ Thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp cần phải giám sát chặt về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ các nơi không được cấp phép, dẫn tới ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp khác.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam ước đạt 3 tỷ USD. Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu loại quả này có thể lên tới 3,5 tỷ USD, nếu như nước ta ký được nghị định thư về xuất khẩu sầu đông lạnh.
Theo một số nhà vườn ở miền Tây, năng suất sầu riêng trong năm nay trung bình chỉ đạt khoảng 15 tấn/ha, giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, người nông dân vẫn lãi từ 700 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha (tùy năng suất và giá bán sau khi trừ đi phần chi phí sản xuất), vì giá sầu hiện nay khá cao, dao động từ 60.000 – 100.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sầu riêng của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh cũng là sản phẩm đang được các doanh nghiệp xuất khẩu đi nhiều thị trường.
Chưa đầy 10 năm, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đã tăng lên gần 5 lần. Đến nay, diện tích sầu riêng của cả nước tăng từ 32.000 ha (năm 2015) lên tới hơn 150.000 ha (năm 2023), tương ứng với sản lượng loại quả này tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.
Vì sao sầu riêng của Việt Nam "thắng lớn"?
Sầu riêng của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: PN
Sầu riêng của Việt Nam hiện nay chủ yếu được xuất khẩu với số lượng lớn sang Trung Quốc. Đây vẫn được coi là thị trường lớn nhất của "vua quả" Việt Nam. Trong quý I/2024, giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu loại quả này của Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam thậm chí còn vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí đứng đầu về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về về lượng so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài Thái Lan, ở trị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn có một đối thử nữa là Malaysia. Theo đó, quốc gia này chính thức được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc kể từ ngày 19/6. Điều này khiến cuộc đua về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc càng trở nên khốc liệt.
Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong hai tháng 5 và 6, sầu riêng Việt Nam có thể lạc quan tin tưởng hoàn thành được mục tiêu đề ra và cạnh tranh được ở Trung Quốc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng của Việt Nam có lợi thế là sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm và đặc biệt nhiều thời điểm lại không bị cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Thái Lan. Hơn nữa, sầu riêng Việt Nam có thời gian vận chuyển nhanh nên đảm bảo tươi ngon, giá thành hợp lý. Sầu riêng đông lạnh cũng được kiểm soát chất lượng tốt hơn.
Thách thức lớn nhất đối với sầu riêng của Việt Nam ở Trung Quốc chính là kiểm soát chất lượng và bảo vệ thương hiệu. Do đó, theo ông Đặng Phúc Nguyên, cần phải cải thiện về khâu giống, trồng trọt, thu hoạch cũng như đóng gói, tránh chạy đua theo lợi nhuận khiến chất lượng sầu riêng bị giảm.
Trong khi đó, sầu riêng của Malaysia nhắm vào phân khúc cao cấp khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn sầu riêng Việt Nam thường hướng tới phân khúc bình dân nên sẽ phục vụ được đông đảo người tiêu dùng ở quốc gia tỷ dân.
Mặt khác, tiềm năng xuất khẩu trái sầu riêng của Việt Nam rất lớn. Bởi theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị này đã và đang xúc tiến đàm phán với Ấn Độ nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng Việt Nam. Do đó, sau Trung Quốc, Ấn Độ được kỳ vọng là thị trường tỷ dân tiềm năng với sầu riêng của nước ta.
Việc mở rộng thị trường sang tới Ấn Độ mang lại cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam, đồng thời giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, từ đó mở ra triển vọng phát triển bền vững cũng như đa dạng hóa nguồn tiêu thụ cho loại quả này.
Bài tham khảo nguồn: GSO, Customs, Mard