Giải đáp về điều này, GS Hồ Ngọc Đại chỉ cười lớn. Ông nói: “Việc sách chưa được đưa vào sử dụng đại trà có nhiều lý do lắm, một phần thuộc về vấn đề xã hội”.
Chương trình Công nghệ giáo dục đã trải qua 40 năm thăng trầm, hết thí điểm, đại trà rồi lại thử nghiệm. Theo Giáo sư, nguyên nhân là gì?
Có người nói rằng tôi muốn duy trì công nghệ giáo dục để hưởng lợi từ bản quyền bán sách giáo khoa. Nhưng trong xã hội hiện nay, tôi thuộc vào loại thiểu số (cười). Tôi hoàn toàn không có xu nào để làm việc gì khác ngoài việc để sống.
Việc sách chưa được đưa vào sử dụng đại trà có nhiều lý do lắm, một phần thuộc về vấn đề xã hội.
Tư duy hiện nay của giáo dục nói chung là thấp. Bây giờ nó còn có thêm vụ lợi nữa. Tư duy thấp mà vụ lợi là không hy vọng gì cả. Nhưng cái đó, trước đây hoặc hiện giờ, cuộc sống còn chấp nhận, rồi có lúc cuộc sống sẽ tự đào thải, chứ không phải tôi.
Trong những ngày gần đây, dư luận có nhiều ý kiến, thậm chí xuyên tạc về cách dạy học tiếng Việt trong sách “Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục”, GS Nguyễn Minh Thuyết có nói là cách đánh vần này không có trong chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trước tình thế này, ông nghĩ tương lai của “Công nghệ giáo dục” sẽ ra sao?
Nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Vì nó là một công trình của lịch sử, chứ không phải là của cá nhân.
Đừng nghĩ nó là của Hồ Ngọc Đại, nó là một tiến trình phát triển đích thực của lịch sử.
GS Hồ Ngọc Đại
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến phản biện về cuốn sách “Tiếng Việt lớp -Công nghệ giáo dục” bên cạnh việc đánh giá hiệu quả mà nó mang lại. Các nhà ngôn ngữ học, giáo dục học chỉ ra những chi tiết cho rằng cuốn sách đã có những lạc hậu về mặt khoa học, ví dụ dạy “ngôn ngữ chân không” mà thế giới đã bỏ từ lâu rồi. Liệu GS có tiếp nhận hết các ý kiến về mặt khoa học đó không, để hoàn thiện công trình của mình?
Họ không hiểu được rằng ngữ âm là khác, tiếng nói là khác. Học sinh của tôi khi phân tích ngữ âm là trong một chân không về nghĩa, tức là không để ý đến nghĩa mà chỉ có âm thôi.
Ví dụ, tiếng 'Ba' chỉ là âm thôi, nếu thay âm đầu bằng 'Cờ' thành 'Ca', thay âm đầu bằng 'Hờ' thì thành 'Ha'… Tức là thuần túy cấu trúc ngữ âm và khi nó chứa nghĩa thì nó thành từ, không chứa nghĩa nó là một tiếng. Tiếng ấy bây giờ chưa có nghĩa, nhưng có thể ngày mai có nghĩa.
Đối với những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học về chương trình Công nghệ giáo dục, tôi chỉ lắng nghe những gì có ích và đúng cho việc của tôi. Từ đó, tôi có thể điều chỉnh sao cho phù hợp mà thôi, còn lại thì không.
Có hay không lợi ích nhóm trong việc triển khai tài liệu "Công nghệ giáo dục"?
Về điều này, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT khẳng định:
"Ở đây không có lợi ích nhóm. Tất cả vì lợi ích của học sinh. Nếu chúng ta không đổi mới thì chấp nhận sự phẳng lặng, nhưng khi chúng ta đổi mới thì cũng có những cái gợn lên. Trong quá trình đổi mới tất nhiên sẽ có các ý kiến trái chiều, chúng ta phải chấp nhận dư luận xã hội.
Với góc độ quản lý chỉ đạo chuyên môn, tôi thấy rằng, cần phải thực hiện tốt công tác truyền thông và đặc biệt là với phụ huynh học sinh, các thầy giáo cô giáo, khi nào họ đã sẵn sàng thì đổi mới ấy mới thành công được.
Tài liệu "Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục" đã triển khai gần 40 năm nay và phải nói rằng có những ưu điểm nhất định mới có thể tồn tại và được giáo viên, học sinh đón nhận như thế.
Tuy nhiên trước thực trạng có dư luận trái chiều, vì có những cái không như truyền thống nên họ thấy lạ, nhưng chúng tôi thấy rằng đây là những bài học để có thể làm tốt công tác truyền thông tới đây, tránh những dư luận như vừa rồi".