Vì sao số bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng?

Minh Khánh, Theo VOV 15:55 24/08/2022
Chia sẻ

Theo Bộ Y tế, tại một số cơ sở điều trị, bệnh nhân Covid-19 nặng đang có dấu hiệu tăng lên, trong đó nhiều trường hợp chưa tiêm vaccine.

Bệnh nhân N.T.A (75 tuổi) ở Bắc Ninh mắc Covid-19 và đang được điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Người nhà bệnh nhân cho biết, cụ có tiền sử bệnh lao phổi. Trước đó cụ có các triệu chứng ho nhiều, khó thở, mê mệt, gia đình đưa cụ vào điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh. Sau 10 ngày, tình trạng bệnh không đỡ, cụ được chuyển sang Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tại đây, bệnh nhân được làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được chuyển tới Bệnh viện điều trị Covid-19. Được biết, bệnh nhân mới được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19.

Đây là lần đầu tiên bà P.K.A (53 tuổi, ở Phương Mai, Hà Nội) mắc Covid-19. Bà có tiền sử tiểu đường, tuy nhiên thời gian dịch Covid-19, bà ngại đến cơ sở y tế khám định kỳ nên tự bỏ thuốc và không ăn kiêng theo chế độ của bác sĩ. Người nhà bệnh nhân chia sẻ, thấy bà có dấu hiệu mệt, khó thở, gia đình đưa bà vào viện, kết quả test PCR dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển xuống Bệnh viện điều trị bệnh Covid-19.

Vì sao số bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng? - Ảnh 1.

Bệnh nhân Covid-19 nặng điều trị tại Bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

“Trước đó, bà không có biểu hiện sốt, chỉ kêu khó thở. Hiện tình trạng của bà cũng còn nặng vì có bệnh lý nền” - người nhà cho hay.

Tại đây, các bác sĩ cho biết, dù tổn thương phổi do Covid-19 chưa quá nặng nhưng bệnh nhân này mắc bệnh lý nền tiểu đường nhiễm toan ceton nên vẫn được phân loại vào trường hợp Covid-19 nguy kịch và phải thở máy. Các bác sĩ cũng hy vọng bệnh nhân sẽ có đáp ứng trong thời gian tới.

BS Đặng Trung Anh, Bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Covid-19 cho biết, thời gian gần đây số bệnh nhân F0 tại bệnh viện có tăng. Trong số gần 40 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, có khoảng 10 bệnh nhân nặng, nguy kịch phải can thiệp thở máy và thở oxy dòng cao.

Theo BS Đặng Trung Anh, khi tình trạng miễn dịch Covid-19 do tiêm vaccine thời gian kéo dài thì khả năng miễn dịch Covid-19 sẽ giảm sút, các bệnh nhân dễ nhiễm virus. Đặc biệt, hiện nay một số biến thể phụ của chủng Omicron dễ dàng lây nhiễm hơn. Đặc biệt, đối với những người có tiền sử bệnh lý nền, khi mắc Covid-19, tình trạng bệnh sẽ nặng lên.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị 135 F0, trong đó có 32 ca phải thở máy, 2 trường hợp thở HFNC, 29 bệnh nhân thở oxy mask/gọng kính. ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại Khoa có 49 ca F0, đa số là các bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên và có bệnh lý nền. Trong số các ca nặng, nguy kịch, có khoảng 20% bệnh nhân chưa tiêm vaccine.

Bộ Y tế cho biết, ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại. Tại một số cơ sở điều trị, bệnh nhân Covid-19 nặng đang có dấu hiệu tăng lên. Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phối hợp các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ nhóm bệnh nhân nặng, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen, theo dõi biến thể mới.

Một số địa phương không đạt tiến độ tiêm

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, trong công tác tiêm vaccine Covid-19, bên cạnh các địa phương tiêm nhanh, vẫn có một số địa phương không đạt tiến độ tiêm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.

Vì sao số bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng? - Ảnh 2.

Vẫn có một số địa phương không đạt tiến độ tiêm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, về tiêm mũi 3, đến nay cả nước đạt tỉ lệ 75,2%, tuy nhiên có nhiều địa phương tiêm rất thấp, chưa đạt 50%.

Về tiêm mũi 4, đến hết ngày 20/8 đạt 68,3%, nhưng có nhiều địa phương mới tiêm đạt 2/3 tỉ lệ chung của cả nước.

Về tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, sau hơn 4 tháng triển khai tiêm, đến nay tỉ lệ mũi 1 trung bình cả nước là 80,3%; mũi 2 là 50,8%.

Bộ Y tế nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19, do đó các địa phương cần bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch Covid-19.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày