Chai Fengning, chàng trai 23 tuổi sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã trở thành shipper giao đồ ăn toàn thời gian vào tháng trước sau khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành khách sạn khiến anh mất công việc lễ tân.
Như mọi năm, vào ngày Lễ Quốc Khánh hay Tết Trung Thu, Chai sẽ trở về quê để đoàn tụ cùng gia đình ở Cam Túc, nhưng năm nay anh lại chọn ở lại thủ đô để làm việc.
Chai nằm trong “đội quân” giao hàng đang phát triển ở Trung Quốc với hình ảnh được nhìn thấy len lỏi khắp con phố trên những chiếc xe tay ga.
Đầu năm nay, khi Trung Quốc lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa, ngành shipper đã bùng nổ và giúp thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò nguồn lực quan trọng trong việc giữ “miệng ăn” cho 1,4 tỷ người và cung cấp các mặt hàng thiết yếu, cũng như một nơi trú ẩn an toàn khi đón nhận những người lao động bị sa thải từ các ngành khác.
Tuy nhiên, hàng triệu shipper bao gồm cả Chai vẫn đang thiếu sự bảo đảm về lao động và tài chính. Theo một báo cáo gần đây của China Post và Express News, có hơn 75% trong số 65.000 nhân viên giao hàng được khảo sát có thu nhập dưới 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) một tháng.
Hầu hết những người này không được tiếp cận với bảo hiểm xã hội, và phải làm việc ít nhất 10 tiếng mỗi ngày. Có khoảng 60% người cho biết mỗi tháng họ chỉ được nghỉ 2 ngày hoặc ít hơn.
Zhao Xiaomin, một nhà đầu tư và nhà nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực hậu cần của Trung Quốc cho biết, các shipper đã tạo ra khối tài sản khổng lồ cho ngành nhưng họ không có lợi ích về lâu dài. Cũng vì thiếu phúc lợi nên đó là lý do tại sao mọi người cho đây là công việc tạm thời.
Một báo cáo khác của China Labour Bulletin cho hay, có nhiều trường hợp tài xế giao hàng không được trả lương trong thời gian đại dịch. Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hong Kong, tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người lao động đã ghi nhận 25 cuộc biểu tình do người lái xe không được nhận lương tổ chức.
Huang Lihui, người làm việc cho Yunda Express ở Thượng Hải cho biết, anh không bao giờ mong đợi công ty sẽ trả khoản bảo hiểm gì cho mình, thậm chí anh còn không chắc về tình trạng công việc của mình. “Tôi không quan tâm. Đó là công việc để kiếm tiền. Gia đình không có ở đây, tôi cũng không định đưa họ đến đây sống nên cũng không nghĩ đến lợi ích xã hội nhiều”, anh nói.
Nhìn bề ngoài, Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng vọt về chi tiêu cho du lịch và tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày trong đầu tháng 10 vừa qua. Đây được coi là bằng chứng về sự phục hồi nền kinh tế trên diện rộng trong nửa cuối năm.
Dù vậy nhưng các nhân viên giao hàng, những người đến từ các khu vực nghèo của Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thiệt hại kéo dài từ đại dịch, từ mất việc cho đến việc không đủ tiền để chi tiêu.
Vào hai tuần trước, Cục Bưu điện Nhà nước đã thông báo, từ tháng 1 đến tháng 9 có hơn 56 tỷ bưu kiện được chuyển, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Các con số này được đưa ra khi Trung Quốc đang chuẩn bị cho lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất diễn ra vào ngày 11 tháng 11 tới đây.
Giống như nhiều người khác, Zhao Yinzhou, đến từ thành phố Hình Đài, Hà Bắc cũng tận dụng cơ hội này để kiếm sống trong thời điểm khó khăn.
Zhao có bằng cử nhân về quản trị nhân sự và từng làm việc ở công ty tuyển dụng ở Hàng Châu. Do gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ việc vào đầu năm nay, sau đó chuyển đến Bắc Kinh để tìm cơ hội mới ngay trước khi dịch bùng phát. “Nghĩ lại tôi vô cùng hối hận khi bỏ việc, nhưng đã quá muộn màng”, anh nói.
Trong năm nay, Trung Quốc tiếp nhận một kỷ lục, đó là có khoảng 8,74 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước, nhưng triển vọng tìm được việc làm của họ rất mờ mịt do tác động của đại dịch.
Theo báo cáo của Meituan vào tháng 7 vừa qua, vào khoảng nửa đầu năm 2020, có ít nhất 60.000 sinh viên tốt nghiệp có bằng thạc sĩ và hơn 170.000 người có bằng Đại học đã trở thành shipper, một trong những công việc có yêu cầu thấp về trình độ và kỹ năng.
Một tài xế giao hàng họ Cai, 44 tuổi cho biết, anh từng quản lý một quán cà phê ở trung tâm Bắc Kinh, nhưng 4 năm trước anh phải đóng cửa vì cửa hàng thuộc vào diện mặt tiền trái phép và sau đó chuyển sang làm shipper đến hôm nay.
Mặc dù ngành công nghiệp này đang rất phát triển nhưng cũng rất khắc nghiệt. Vào tháng 2 năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã xác định ngành shipper là một nghề chính thức trong danh mục phân loại nghề nghiệp của Trung Quốc, nhưng các công ty vẫn không hỗ trợ đủ phúc lợi xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, sức khỏe, lương hưu… cho các tài xế mà chỉ có bảo hiểm tai nạn.
Ngoài ra, các công ty cũng áp đặt nhiều yêu cầu khắt khe với shipper như rút ngắn thời gian hoàn thành giao hàng đồng thời áp dụng các hình phạt nếu như shipper vi phạm quy định. Nhìn chung, dù nghề này vẫn kiếm được nhiều tiền nhưng mức phạt và cạnh tranh vẫn khiến nhiều shipper lao vào cảnh khó khăn.