"Năm nay tôi nhất định sẽ đưa được cha mẹ đi du lịch". "Năm mới mình sẽ bớt lười và sẽ đi tập gym mỗi ngày." "Mình nhất định sẽ giảm được 10kg vào cuối năm nay"….
Năm mới là dịp mà chúng ta thường dùng để đặt ra những mục tiêu (hình như là có từ năm trước đó nữa) để làm động lực cố gắng cho cả năm. Tuy nhiên, mấy ai giữ được lời hứa đó trong suốt 365 ngày cơ chứ?
Hầu hết mọi người bỏ cuộc ở tháng đầu tiên, thậm chí có người đã ngán ngẩm lắc đầu ngay trong tuần đầu tiên. Còn bạn thì sao? Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao những lời quyết tâm đầu năm của mình thường "đổ sông đổ bể" hay không?
Thấu hiểu cảm giác thất bại
Một cuộc nghiên cứu của ĐH Scranton cho thấy chỉ có 8% số người đặt ra quyết tâm đầu năm có thể giữ nó cho đến cuối năm.
Lợi ích của việc đặt ra mục tiêu vào thời điểm này chính là bạn có thể chia sẻ chúng với bạn bè (và nhờ sự chia sẻ đó mà bạn cố gắng hoàn thành không thì mất mặt). Tuy nhiên, trên thực tế, lời hứa đầu năm rất khó để thực hiện.
Bạn nghĩ bạn sẽ làm được, sẽ thay đổi...
Một phần của vấn đề là chúng ta thường chọn những mục tiêu không mang tính thực tế để trở thành "một con người hoàn toàn khác" – theo nhà tâm lý học trị liệu Rachel Weinstein. Vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn khi chúng ta nghe những mục tiêu cũng "lớn lao" không kém của bạn bè và đồng nghiệp đặt ra, cùng với những thông điệp quảng bá về truyền thống này.
Trên thực tế, "Thay đổi đến từ những điều nhỏ nhặt theo thời gian" – Weinstein giải thích.
Đối với phần lớn mọi người, những lời hứa năm mới phản tác dụng bằng những cách mà chúng ta không nhận ra – theo Joseph Luciani, một nhà tâm lý học tại New Jersey, Hoa Kỳ.
...nhưng đời không như mơ
"Dự định là những việc kinh khủng. Chúng ta từ những người đầy nhiệt huyết trở thành những người than vãn rằng: Việc này sao khó thế!".
Sau một vài thất bại, tất cả những gì còn lại là một cảm giác thất bại tràn trề khó chấp nhận được khi chúng ta đang sống hoàn toàn khác với những gì mình muốn trở thành.
Chìa khóa của sự thành công
Lần lượt lùi ngày thực hiện là một dạng của "văn hóa trì hoãn", nghĩa là chúng ta cảm thấy thoải mái khi trình bày mục tiêu với bất cứ ai đang hỏi, nhưng lại cảm thấy khó khăn để bắt đầu thực hiện nó. Nếu bạn rất nghiêm túc về việc đặt ra và cố gắng thực hiện lời hứa đầu năm, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, đừng chờ đến ngày 1/1.
Ví dụ như bạn có thể mua một đôi giày thể thao và tập chạy những đoạn ngắn trước khi đặt ra mục tiêu tham gia một cuộc chạy marathon.
Trì hoãn là nguồn gốc của mọi thất bại
Và hãy cẩn thận, đừng kể với bạn bè cho đến khi bạn thành công. Theo một nghiên cứu, việc khoe khoang với mọi người về tham vọng của mình cũng có thể tạo những cảm giác đắc thắng trong khi bạn chưa hề động tay động chân làm gì cả.
Và chỉ như vậy thôi mà bạn đã cảm thấy thỏa mãn rồi, thì làm sao bắt tay vào làm việc thực sự được chứ.
Nói ít thôi, làm đi
Đặt ra những mục tiêu đơn giản
Nếu bạn thực sự nghiêm túc và mong muốn hoàn thành quyết tâm của mình, hãy đặt ra những mục tiêu đơn giản ngay từ ngày đầu tiên. Sau khi đã hoàn thành chúng, hãy nâng độ khó lên dần dần.
Hãy lên kế hoạch cho từng giai đoạn ngắn và hoàn thành chúng
Ví dụ, hãy đặt ra mục tiêu là đến phòng gym 3 ngày 1 tuần khi bạn đã tập luyện đều đặn 2 ngày 1 tuần trước đó rồi. Bạn sẽ dễ đạt được thành công hơn và có những động lực dẫn dắt bạn hoàn thành những mục tiêu khó nhằn hơn.
Nếu mục tiêu tháng 1 quá dễ dàng để đạt được, thì tội tình gì không thêm vài gạch đầu dòng vào danh sách việc cần làm vào tháng 2?
Hãy biến điều không thể thành có thể
Và đừng buồn nếu bạn đã từng thất bại (nhiều lần) trong quá khứ. Hãy tự tha thứ bản thân và trở lại với những mục tiêu dễ đạt được hơn, thay vì cứ bám lấy mãi cái quyết tâm lớn lao đặt ra mà chẳng bao giờ hoàn thành được.
Hoàn thành những việc dù là nhỏ nhất cũng sẽ cho bạn động lực để dần dần trở thành một con người mà bạn mong muốn.
Nguồn: BBC