Đến hẹn lại lên, nhảy việc sau Tết đang là đề tài được nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng thảo luận rôm rả. Trong các hội nhóm “tám” chuyện đi làm, những bài đăng xin nghỉ việc thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thậm chí có người còn đùa rằng đã khai bút năm mới bằng cách viết đơn xin nghỉ việc.
Ở các công ty, trưởng bộ phận và phòng nhân sự cũng trở nên bận rộn hơn bình thường. Người muốn nhảy việc thì đôn đáo nộp đơn xin việc, bộ phận nhân sự thì ráo riết tuyển dụng còn trưởng bộ phận phải dành thời gian phỏng vấn nhân sự mới. Tất cả tạo nên khung cảnh sống động trên thị trường việc làm.
Tại sao cứ đến sau Tết Nguyên đán là lại xuất hiện "làn sóng" nghỉ việc? Dưới đây là một số lý do cho hiện tượng này:
1. Tiền lương và thưởng cuối năm
Đây có lẽ là lý do lớn nhất khiến mọi người chọn thay đổi công việc sau Tết Nguyên đán. Không hài lòng với đãi ngộ ở công ty nhưng đã làm việc chăm chỉ cả năm rồi nên nhiều người chấp nhận làm đến hết năm để nhận tiền thưởng Tết.
Khi đã nhận đủ các khoản thưởng, họ sẽ không còn lưu luyến gì với công ty và công việc cũ, đi tìm công việc mới với chế độ đãi ngộ tốt hơn. Cũng chính vì vậy mà những đề tài như “Nhảy việc sau khi nhận thưởng Tết/sau Tết có phải là vô ơn?” chẳng còn xa lạ nhưng vẫn luôn gây tranh cãi.
Lương thưởng không thỏa đáng là lý do khiến nhiều người nhảy việc sau Tết - Ảnh minh họa
2. Sau Tết là mùa tuyển dụng
Theo quy định ở nhiều công ty, đơn xin nghỉ việc phải nộp trước 1 tháng nên một bộ phận nhân sự đã làm các thủ tục nghỉ việc từ trước Tết. Đến khi nghỉ Tết xong, họ chỉ đi làm một thời gian ngắn rồi chính thức nghỉ việc.
Vì vậy bộ phận nhân sự cũng phải rục rịch tuyển dụng trong và sau Tết để kịp thời có người thay thế. Thị trường lao động trở nên nhộn nhịp hơn, sau Tết trở thành mùa tuyển dụng, đem đến nhiều cơ hội việc làm mới.
3. Tâm lý ăn Tết xong tính tiếp
Khi Tết Nguyên đán cận kề, ai cũng mong muốn sự an toàn trong công việc để có một khoản tiền an tâm đón Tết. Ở thời điểm này, xin việc hay tuyển dụng đều được xem là không thích hợp. Bởi lẽ việc này không thể hoàn thành được trong ngày 1 ngày 2 mà là quá trình lâu dài.
Riêng với người đi xin việc, ít ai sẵn sàng chạy vòng quanh rải hồ sơ hay đi phỏng vấn trong những ngày cuối năm. Thay vào đó mọi người thường có tâm lý ăn Tết xong rồi tính tiếp, bắt đầu đi tìm việc mới trong năm mới.
4. Năm mới nên muốn có khởi đầu mới
Cư dân mạng có một câu thường dành cho dịp năm mới là “New year - New me” (Tạm dịch: Năm mới - Mình cũng mới”. Và một trong những cách nhanh chóng để làm mới bản thân là thay đổi môi trường công việc. Mong muốn về những điều tốt đẹp trong năm mới cũng là động lực để mọi người tìm đến thử thách mới trong công việc.
Với người ưa thử thách, nhảy việc đem lại những điều mới mẻ
5. Muốn giải quyết dứt điểm các mối quan hệ cá nhân ở công ty cũ
Mối quan hệ cá nhân với đồng nghiệp cũ, sếp cũ luôn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều người chọn cách rời đi. Nếu tình đồng nghiệp sứt mẻ trong năm cũ thì năm mới là lúc phù hợp nhất để kết thúc những mối quan hệ này, tìm đến một môi trường làm việc thích hợp hơn.
6. Xu hướng tìm đến sự tự do trong công việc
Không khó để nhận thấy sự biến động về xu hướng việc làm trong vài năm trở lại đây. Nhiều người quyết định rời chốn văn phòng để có những công việc tự do hơn như freelancer, khởi nghiệp, bỏ phố về quê,... Điều này cũng góp phần ít nhiều vào tình trạng nghỉ việc sau Tết, tìm đến hướng đi mới.
Về cơ bản, có thể xem những điều kể trên là nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng nghỉ việc sau Tết. Tuy nhiên mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và lý do nghỉ việc khác nhau nên khó mà kể hết được. Nếu bạn thực sự có kế hoạch thay đổi công việc thì bất kể là vì điều gì, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vẫn được xem là thời điểm hợp lý.
Nguồn: Sohu