"Anh ấy rất thương con, thương em, rất tuyệt vời, nhưng mãi vẫn chần chừ không đến hỏi chuyện gia đình và làm đám cưới với em" - đó có thể là một câu chuyện khá quen thuộc trong thời đại ngày nay, khi nhiều người không cần phải theo đúng quy trình kết hôn trước rồi mới sinh con sau nữa.
Có những cặp đôi, nhất là ở phương Tây đã lựa chọn tổ chức hôn lễ tối giản hoặc thậm chí không cần đám cưới. Tất cả những gì hai người cần làm chỉ là đăng ký kết hôn (hoặc đôi khi cũng không có) và dọn về sống chung một nhà.
Ở thời đại này, chúng ta không còn cần bám chấp vào các quan niệm và tiêu chuẩn truyền thống nữa. Mỗi người có quyền lựa chọn cuộc sống của mình, miễn là không vi phạm pháp luật và đạo đức.
Nhưng ngay cả với những cô gái được coi là hiện đại nhất, cởi mở nhất, họ vẫn có thể nghẹn ngào, cảm thấy tủi thân vì muốn nói: Em mong một hôn lễ. Đó là điều duy nhất em mong chờ.
Thực chất, không thể nói 100% chị em phụ nữ đều có chấp niệm và lễ cưới vì ở đâu cũng có ngoại lệ.
Nhưng sự thật là hầu hết mọi cô gái đều coi trọng lễ cưới của mình hơn cánh mày râu. Có nhiều lý do cho chuyện này, nhưng với bản tính lý trí và ít cảm xúc hơn, người đàn ông của họ đôi khi không đủ tinh tế để hiểu thấu.
Em cần một hôn lễ không phải để được mặc váy cưới lộng lẫy, không phải để chụp những bức ảnh lung linh, càng không phải để sĩ diện với bạn bè người thân, khoe khoang hạnh phúc. Đám cưới chỉ là một nghi thức, không có nó chúng ta vẫn là bạn đời, vẫn có thể vô cùng hạnh phúc.
Ảnh minh hoạ
Nhưng giá trị của nghi thức này là bao nhiêu? Có người cho rằng đám cưới chỉ là bề nổi, là "làm cho người khác" chứ không phải vì cô dâu chú rể. Có người cực đoan hơn thì nói đây là buổi lễ cho bố mẹ dòng họ hai bên là chính, với hai nhân vật chính thì là sự hành xác, hay phải tổ chức vì tất cả mọi người thiên hạ đều làm mà thôi.
Mọi cô gái, dù không biết cô ấy theo phong cách bánh bèo hay tomboy, nhẹ nhàng hay cá tính, thực ra đều có ước mơ công chúa. Tất nhiên, không phải ai cũng sinh ra có mệnh công chúa. Chúng ta hầu hết là người thường. Và ngày cưới, là cơ hội duy nhất để cô gái đó được làm công chúa.
Khoác lên mình bộ váy bồng bềnh, tiến vào nơi có người cô ấy yêu nhất, phía dưới là sự ủng hộ và dõi theo của những người yêu thương cô. Đấy chẳng phải là khung cảnh tốt đẹp và lãng mạn nhất trong đời sao?
Thời đại này nam nữ bình đẳng, đôi bên như nhau, nhưng anh vẫn phải hỏi cưới em trước, tại sao lại thế? Vì dù quan điểm của chúng ta có như thế nào, phụ nữ vẫn là phụ nữ, đàn ông vẫn là đàn ông. Và khi quan điểm ngoài xã hội, nhất là khi người thuộc thế hệ trước trong gia đình chưa thể hoàn toàn vứt bỏ tiêu chuẩn truyền thống, tại sao không thể chỉ nhún nhường một đôi chút?
Hôn lễ không phải là buổi tiệc 100 mâm, nơi người ta ăn đủ 10 món cầu kỳ trong thực đơn, cụng ly 2 cái với cô dâu chú rể rồi đi về sau 2 tiếng đồng hồ. Hôn lễ không phải ngày "hành xác" với 1000 thủ tục từ truyền thống đến hiện đại. Hôn lễ không phải thứ ai ai cũng làm nên không còn đặc biệt nữa. Hôn lễ giữa anh và em, là lời thề nguyện quan trọng nhất, là nghi thức, khoảnh khắc đánh dấu chúng ta quyết định ở bên nhau cả đời.
Ở bên nhau cả đời là một chuyện thiêng liêng đến thế, tại sao không đánh dấu nó, tại sao không ăn mừng? Câu nói "Anh đồng ý" và "Em đồng ý" không phải là để trói buộc, mà để kết nối 2 cuộc đời lại với nhau, là lời hứa hẹn lãng mạn, ngọt ngào của chúng ta, là sự an tâm mà đôi bên cùng trao nhau. Hay gói gọn lại, đó là mấy chữ: danh chính ngôn thuận. Điều mà người con gái nào cũng cảm thấy hãnh diện khi bước đi bênh cạnh người dàn ông cho họ điều đó.
Ảnh minh hoạ
Nếu cô gái đó là người bạn muốn ở bên cạnh cả đời, tôi tin rằng không người đàn ông nào ngại đến hỏi cưới cô ấy, cùng cô ấy tổ chức một lễ cưới vui vẻ, trao nhẫn cho nhau và nói rằng "Anh đồng ý" trước mặt người thân, bạn bè. Nếu thực sự yêu, có thể nói đó là những việc làm quá đỗi đơn giản, bất chấp việc bạn có hướng nội, ngại đám đông, không thích nghi lễ đến mức nào đi chăng nữa.
Một người không chủ động làm bạn hạnh phúc, không làm bạn an tâm, đôi khi sự thật chỉ đơn giản là vì chưa đủ yêu đến thế mà thôi. Sự thật đấy đơn giản, nhưng lại quá mức tàn nhẫn, tàn nhẫn đến mức nhiều cô gái không thể chấp nhận được. Như một phản ứng tự vệ, cô ấy sẽ tự tìm ra muôn vàn lý do để thanh minh cho người mình yêu. Và thế là sau năm tháng, vết thương biến thành sự tủi thân khổng lồ và vết nứt trong mối quan hệ.
Nếu có thể, tôi hy vọng mọi cô gái trên đời này đều được trải qua khoảnh khắc cổ tích đó.