Vì sao có nhiều người bị “Hội thánh đức chúa trời” lôi kéo đến vậy?

Nông Thuyết, Theo Gia đình và Xã hội 15:21 28/04/2018
Chia sẻ

"Chiêu bài của tổ chức này đánh khá trúng vào tâm lý bất thường của một số người dân, người đang có suy nghĩ sai lầm trong đời sống hằng ngày" - chuyên gia Nguyễn An Chất bày tỏ quan điểm.

Tổ chức “Hội thánh đức chúa trời” đang phân tán theo nhiều nhóm nhỏ trên địa bàn một số tỉnh, thành trong nước. Mấy ngày gần đây, xuất hiện nhiều câu chuyện về sự mê muội, mất lí trí một cách đáng sợ của những người bị lôi kéo.

Hiện tại, "Hội thánh đức chúa trời" ở một số địa phương có hành vi dụ dỗ, lôi kéo người khác, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và làm những điều trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Đáng nói, khá nhiều người dân bị lôi kéo vào tổ chức này. Nhiều người bỏ bê công việc, gia đình. Nhiều học sinh, sinh viên bỏ học để tham gia, thậm chí cung phụng tiền bạc cho những kẻ cầm đầu với niềm tin được chúa trời che chở, cứu rỗi, khi chết sẽ sớm được lên thiên đàng.

Theo quan niệm của đạo này, con người không phải do cha mẹ sinh ra mà hòn đất nặn ra con người. Con người chết về với cát bụi hết. Cát bụi về với cát bụi. Ai chết sớm thì được lên thiên đàng bằng con tàu Seon…

Do đó, đã có nhiều người bị mê hoặc rơi vào tình trạng mê muội, mất lý trí, về nhà đập bỏ bát hương, bàn thờ, không ăn đồ thờ cúng, bỏ gia đình, học hành…

Vì sao có nhiều người bị “Hội thánh đức chúa trời” lôi kéo đến vậy? - Ảnh 1.

Hình ảnh một nhóm "Hội thánh đức chúa trời" tại Hải Phòng. Ảnh T.L

Đáng nói, những kẻ trong tổ chức này thường đến các khu dân cư, trường học, ký túc xá sinh viên để khảo sát, tiếp cận và lôi kéo người dân đến nghe giảng đạo. Nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán, học hành dang dở, suy sụp tinh thần và thể xác, tiền mất tật mang, cuộc sống bị đảo lộn.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho hay, ông đã biết đến thông tin về “Hội thánh đức chúa trời” ở TP.HCM từ cách đây khoảng 2 tháng. Theo đó, nhiều người sẵn sàng bỏ bê cuộc sống thật để tham gia vào tổ chức này và chạy theo những điều rất ảo.

Đáng nói, “mục tiêu” của những hội này hướng vào nhiều thanh niên, sinh viên và các gia đình, những người nhẹ dạ cả tin, mê tín dị đoan .

“Chiêu bài của tổ chức này đánh khá trúng vào tâm lý bất thường của một số người dân, người đang có suy nghĩ sai lầm trong đời sống hằng ngày.

Kể cả đó là những người có học vấn, tri thức nhưng có thể trong đời sống đang vấp phải điều gì đó, mong muốn giải thoát cho mình nhưng họ lại chọn cách đi theo con đường mê tín chứ không phải là khoa học. Và họ gọi đó là tâm linh, nhưng thực ra đó là mê tín”, ông Chất nói.

Theo chuyên gia này, việc nhiều người bị lôi kéo và sẵn sàng chạy theo những điều sai lệch là do bản thân họ đã có những mê tín, đang gặp vấn đề nào đó và gặp phải những điều này đánh trúng vào tâm lý nên cảm thấy hay, thấy tốt và tin theo.

Ví dụ với thói quen đi lễ chùa của nhiều người trong xã hội, trong một năm có thể gặp nhiều trục trặc và “đi lễ” xong lại giải quyết được một vấn đề mà có khi chỉ là sự trùng hợp, thành thử họ ngộ nhận tưởng “đi lễ” là được. Đó là sai lầm. Bởi đi lễ chùa không phải để “được” mà chỉ để tĩnh tâm, vui vẻ” - ông Chất phân tích.

Vì sao có nhiều người bị “Hội thánh đức chúa trời” lôi kéo đến vậy? - Ảnh 2.

Nhiều sinh viên bị lôi kéo và tiếp tục truyền bá để lôi kéo người khác. Ảnh T.L

Chuyên gia Nguyễn An Chất nhấn mạnh, hoạt động khiến con người bỏ cái thật để chạy theo những điều ảo là cái mà chúng ta phải tránh. Với những người không biết làm chủ mình mà mê muội nghe những lời đồn thổi thì cần thiết có những tuyên truyền trong cộng đồng để thức tỉnh, đặc biệt là đối tượng sinh viên, thanh niên.

“Không thể chết người ngay nhưng những nguy hại thì có thể thấy rõ. Trong khi nhiều người Việt còn thiếu kỹ năng sống , dân trí thấp, nếu để lâu thì nó sẽ tràn lan và giờ thì đã cố tình tràn lan từ thành thị đến nông thôn, từ những người có tri thức đến người trí thức kém.

Nó làm mất trí tuệ khoa học, không có tư duy khoa học nữa. Toàn xã hội phải vào cuộc để đẩy lùi những tổ chức tuyên truyền ảo này, là nghĩa vụ của tất cả mọi người chứ không riêng bất kỳ ai”, ông Nguyễn An Chất khuyến cáo.

"Hội thánh đức chúa trời" truyền vào Việt Nam từ năm 2001, do một số giáo sĩ Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và một số cá nhân làm việc ở Hàn Quốc trở về. Đến nay, tổ chức này đã phát triển được trên 2.300 người tin theo trên phạm vi 20 tỉnh, thành.

Về việc báo chí phản ánh, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, đã có phát ngôn chính thức. Ông cho rằng Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên "Hội thánh đức chúa trời".

Các cơ quan liên quan đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.

Ban Tôn giáo kêu gọi người dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày