Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tin đồn năm góa phụ (hay guafu nian, tức góa phụ niên, trong tiếng Trung), xuất phát từ thông tin sai lệch xung quanh từ "gua nian".
"Gua nian (góa niên)" có nghĩa là "năm không có tiết Lập xuân", hay còn gọi là "năm không xuân". Thế nhưng, với người Trung Quốc xưa, đây lại là dấu hiệu của một năm may mắn.
Ấy vậy mà theo thời gian, ý nghĩa ban đầu này lại mất đi, thay vào đó người ta tin vào sự giải nghĩa khác.
Trong tiếng Trung, "yang" có nghĩa là dương, biểu trưng cho năng lượng nam tính. Vì vậy, thiếu mùa xuân có nghĩa là thiếu năng lượng nam tính.
Thêm nữa là do người xưa gắn liền "sự khởi đầu của mùa xuân" với khả năng sinh sản. Năm không có tiết Lập xuân tức là khả năng sinh sản sẽ không mạnh mẽ.
Rồi dần dà người ta kháo nhau rằng đây sẽ là năm góa phụ.
Các chuyên gia Trung Quốc bác bỏ quan niệm tránh cưới gả vào năm góa phụ. Ảnh: Trung Tân Xã
Lịch Trung Quốc kết hợp các tháng âm lịch dựa trên chu kỳ của Mặt Trăng, một tháng có 29 hoặc 30 ngày và lịch Mặt trời (lịch dương) 365 ngày. Điều này dẫn đến một số năm Âm lịch có hai ngày đầu xuân hoặc những năm khác thì không có lễ khai xuân.
Ngày lập xuân 2024 là ngày 4-2-2024 Dương lịch (rơi vào 25 âm lịch). Tiết Lập xuân tiếp theo diễn ra sau mùng 1 Tết Ất Tỵ (nhằm ngày 29-1-2025 dương lịch).
CCTV kết luận năm góa phụ ra đời từ những nhầm lẫn xung quanh từ "góa niên".
Hồi cuối tháng 1, trong mục tư vấn người dân trên trang web Bộ Dân chính Trung Quốc, một công dân giấu tên nêu ra vấn đề "năm góa phụ", cho rằng quan niệm này "đi chệch hướng một cách nghiêm trọng so với lẽ thường trong cuộc sống và nhận thức khoa học".
Bài đăng kêu gọi Bộ Dân chính Trung Quốc lên tiếng để "người dân không bị quấy nhiễu bởi vấn đề mê tín và tin đồn dân gian, miễn là họ muốn kết hôn".
Phúc đáp, Bộ Dân chính Trung Quốc cho biết cơ quan này đang theo dõi tình hình. Các chuyên gia nói rằng thông tin năm góa phụ là mê tín, không có cơ sở khoa học.
Những đứa trẻ sinh vào năm Rồng thường sẽ gặp may mắn hơn, mang lại thịnh vượng cho cả nhà. Ảnh: Trung Tân Xã
Thực tế, "năm quả phụ" không phải trường hợp hiếm gặp, trung bình 2-3 năm diễn ra một lần. Tết Nguyên đán năm 2016, 2018, 2019, 2021, 2024 và 2027 đều thiếu tiết Lập xuân.
Tuy nhiên, một số người mê tín vẫn khuyên mọi người nên tránh kết hôn vào "năm góa phụ". Họ lập luận phụ nữ kết hôn vào "năm không xuân" sẽ dễ gặp chuyện xui rủi, như ly hôn hay trở thành góa phụ.
Trái lại, một năm âm lịch có 2 lần Lập xuân được coi là năm rất may mắn, phù hợp cho việc kết hôn.
Thế nhưng, những số liệu thống kê lại cho thấy điều ngược lại. Cụ thể, vào năm 2013 (Quý Tỵ) cũng là năm góa phụ nhưng số lượng đám cưới lại cao nhất kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1978.
Trên thực tế, cứ 19 năm lại có 7 năm như vậy. Việc tránh đám cưới vào những "năm góa phụ" trở nên không hợp lý. Đối với nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc, họ quan tâm đến việc sinh con vào năm đẹp hơn là kết hôn vào năm nào.
Theo dân gian, đứa trẻ sinh vào năm Rồng thường sẽ gặp may mắn hơn, mang lại thịnh vượng cho cả nhà. Mùa sinh tốt nhất được cho là vào mùa thu, mùa đông, khi thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho sự phát triển của trẻ.