Vì sao chúng ta có nghĩ nát óc cũng chẳng nhớ những gì xảy ra hồi còn bé?

Thanh Lê, Theo Helino 12:16 20/03/2018
Chia sẻ

Bạn quên hết ký ức thơ ấu của mình? Không sao đâu. Tức là khi lớn bạn có trí nhớ siêu phàm hơn thôi!

Từ việc bị lạc mẹ ở siêu thị cho đến việc chơi thú nhún ở trường, với rất nhiều người, những ký ức trước 5 tuổi còn sót lại là cực kỳ ít ỏi và xa vời.

Đây là do một hội chứng gọi là "lãng quên tuổi ấu thơ", có thể được mô tả là việc con người không thể ghi nhớ được bất cứ gì diễn ra trước khi họ được 3 tuổi rưỡi.

Vì sao chúng ta có nghĩ nát óc cũng chẳng nhớ những gì xảy ra hồi còn bé? - Ảnh 1.

Trong suốt thời thơ ấu, não bộ của trẻ em chưa phát triển hết. Chúng rất mềm, linh hoạt, và điều đó đồng nghĩa với việc thông tin có thể được nạp nhiều hơn, với thời gian ngắn hơn. 

Nhưng cũng vì chưa phát triển hết, những ký ức này sẽ không thể giữ lại hết. Trên thực tế thì từ lúc mới sinh cho đến giai đoạn đầu của tuổi thiếu niên, những phần thiết yếu của não vẫn đang được gây dựng. Trong quá trình này, các ký ức của tuổi ấu thơ thường không được lưu giữ, vì các neuron não của chúng ta đang được tái cơ cấu để xây dựng bộ não trưởng thành.

"Đây là hệ quả của việc tập trung vào thứ mang tính dài hạn" - theo lời của Patricia Bauer, một chuyên gia hàng đầu về phát triển ký ức ở ĐH Emory. 

Các chuyên gia đã từng nghĩ rằng trẻ con không thể ghi nhớ ký ức trước lúc được 7 tuổi. Tuy nhiên, vào năm 2005, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trẻ con 5 tuổi rưỡi ghi nhớ được khoảng 80% những gì đã xảy ra khi chúng 3 tuổi. 

Nhưng khi những đứa trẻ này được 7 tuổi rưỡi, chúng chỉ còn nhớ ít hơn 40% các ký ức đó thôi. Điều này chứng tỏ rằng trẻ con có thể ghi nhớ ký ức, nhưng các ký ức này sẽ dần phai nhạt.

Thử nghiệm trên chuột

Trong vài năm vừa qua, các nhà khoa học đã tìm hiểu lý do sinh học thực sự đằng sau cơ chế lãng quên này.

Vì sao chúng ta có nghĩ nát óc cũng chẳng nhớ những gì xảy ra hồi còn bé? - Ảnh 2.

Vị trí của hồi hải mã trong não người.

Dựa trên thí nghiệm của Paul Frankland, một nhà khoa học về thần kinh ở Bệnh Viện cho Trẻ Em ở Toronto, quá trình phát triển neuron trong hồi hải mã có vai trò rất lớn đến việc quên và nhớ. Không những các phần này trong não thoái hóa dần, mà chúng còn bị che lấp khi chúng ta già đi.

Tiến sĩ Frankland và vợ Josselyn đã thực hiện nghiên cứu này trên chuột trưởng thành và chuột con nhốt trong lồng, trong đó có 2 loại lồng nhỏ và to. Chuột khi vào lồng lớn sẽ bị điện giật. 

Kết quả, chuột trưởng thành rất ghét cái lồng lớn vì sợ bị điện giật, trong khi mấy con chuột con thì quên ngay việc đấy trong ngày. Còn khi mà các nhà nghiên cứu cho chuột thuốc để làm chậm quá trình tạo tế bào thần kinh, chuột con có xu hướng nhớ lâu hơn.

Bằng cách cấy một loại protein phát sáng vào trong DNA của não chuột, các nhà khoa học cũng thấy được rằng quá trình tạo tế bào thần kinh này không xóa hẳn các ký ức, mà tái hệ thống các ký ức này nhiều tới mức độ rất khó để có thể nhớ lại được.

Vì sao chúng ta có nghĩ nát óc cũng chẳng nhớ những gì xảy ra hồi còn bé? - Ảnh 3.

Các chuyên gia cho rằng quá trình này ở não người cũng tương tự như vậy. Khi một ký ức không thể được gợi nhớ lại, tức là nó được xóa đi. Vì vòng tuần hoàn này, bất kỳ ký ức nào chúng ta còn nhớ được từ thời ấu thơ thường là một tổng hợp của những thứ chúng ta nghe được hay mơ thấy. 

Và đôi lúc, chúng có thể không có thực, nhưng bạn không biết gì về điều đó.

Tham khảo: Daily Mail
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày