Hàn Quốc đã chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại là việc ngày càng nhiều giáo viên rời bỏ vị trí của mình trước tuổi nghỉ hưu, với 32.704 nhà giáo ở tất cả các cấp học nghỉ việc từ năm 2019 - 2023. Xu hướng này vẫn tiếp diễn với hơn 3.300 giáo viên đã rời bỏ vị trí của mình kể từ đầu năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ nghỉ việc tăng là do một số yếu tố, bao gồm sự tôn trọng đối với nghề giáo ngày càng giảm, khó khăn trong việc quản lý học sinh và chế độ đãi ngộ không thỏa đáng... Ngoài ra, số giáo viên trẻ có ít hơn 10 năm kinh nghiệm cũng có xu hướng rời bỏ nghề.
Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) tiến hành vào tháng 8 vừa qua cho thấy 86% giáo viên trong độ tuổi 20 và 30 đã cân nhắc việc rời bỏ nghề giáo vì không hài lòng với mức lương của mình.
Vào tháng 7/2023, một vụ việc tại trường Tiểu học Seoul Seoi đã gây ra làn sóng chỉ trích từ dư luận. Một giáo viên đã tự tử, được cho là do căng thẳng từ nhiều khiếu nại có phần ác ý của phụ huynh. Cảnh sát đã kết thúc cuộc điều tra vào tháng 11 nhưng không tìm thấy căn cứ để buộc tội hình sự đối với những người liên quan.
Cô giáo 26 tuổi này đã qua đời sau khi bắt đầu công việc giảng dạy được 1 năm. Cô là một trong số nhiều giáo viên tự tử tại Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là giáo viên tiểu học.
Hình ảnh một trường tiểu học ở Seongnam, phía Nam Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: AFP/Getty Images)
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, khoảng 100 giáo viên trường công đã tự tử trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023.
Cái chết của nữ giáo viên đã châm ngòi cho 9 tuần biểu tình của hàng chục nghìn nhà giáo dục trên toàn quốc, kêu gọi các biện pháp bảo vệ quyền và sự an toàn cho giáo viên.
Vào tháng 9, Hàn Quốc đã thực hiện những thay đổi quan trọng để đảm bảo cho giáo viên được bảo vệ và có điều kiện làm việc tốt hơn. Theo luật mới, các nhà giáo dục không còn bị đình chỉ tự động nếu họ bị buộc tội ngược đãi trẻ em, trong khi chờ điều tra và có thêm bằng chứng.
Giáo viên hiện được phép buộc những học sinh gây rối ra khỏi lớp học. Các trường tiểu học sẽ ghi lại các cuộc gọi điện thoại từ phụ huynh, trong khi các phòng họp giữa giáo viên và phụ huynh sẽ được lắp đặt hệ thống giám sát video.
Các khiếu nại và vụ kiện của phụ huynh cũng không còn là trách nhiệm của giáo viên nữa mà là của Hiệu trưởng. Những người đấu tranh cho các vụ kiện sẽ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính.
Phụ huynh cũng không được cung cấp dữ liệu cá nhân của giáo viên, chẳng hạn như số điện thoại di động của họ.
Tháng 4/2023, một cuộc khảo sát của liên đoàn giáo viên cho thấy 26,5% giáo viên đã được tư vấn hoặc điều trị các vấn đề tâm lý liên quan đến công việc, trong khi có tới 87% đã cân nhắc đến việc nghỉ việc.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này một phần xuất phát từ hệ tư tưởng của xã hội Hàn Quốc.
"Xã hội Hàn Quốc có một khía cạnh độc đáo, có thể được mô tả là thái độ coi trọng gia đình hoặc lợi ích cá nhân của gia đình" - Giáo sư phúc lợi xã hội Jung Jae-hoon từ Đại học Phụ nữ Seoul giải thích - "Cha mẹ đầu tư rất nhiều vào con cái và không thể chịu đựng được cảm giác rằng con mình bị đối xử bất công. Cảm giác sai lệch về đặc quyền của cha mẹ, kết hợp với việc coi trọng việc giáo dục con cái, là động cơ dẫn đến vi phạm quyền của giáo viên".
Tuy nhiên, giới quan sát nghi ngờ rằng vấn đề này sẽ khó được giải quyết triệt để. Họ chỉ ra rằng tỷ lệ sinh của Hàn Quốc hiện đang thấp nhất thế giới, có nghĩa là cha mẹ có khả năng sẽ vẫn bảo vệ con cái quá mức, bởi mỗi đứa trẻ sẽ vô cùng quý giá đối với họ.