Quyết định này được chủ tịch AFC Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa thông qua bởi lẽ VCK U23 châu Á 2020 sẽ quyết định 3 tấm vé dự Olympic Tokyo 2020 cùng chủ nhà Nhật Bản vào tháng 7 tới đây.
32 trận đấu tại VCK U23 châu Á 2020 đều sẽ được sử dụng VAR, tức từ ngay vòng bảng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một giải đấu ở châu Á sử dụng VAR trong mọi trận đấu.
AFC đã áp dụng VAR từ vòng tứ kết Asian Cup 2019. Ảnh: AFC.
Chủ tịch Al Khalifa chia sẻ: "Bóng đá châu Á đã đạt đẳng cấp thế giới và chúng tôi quyết tâm đảm bảo rằng LĐBĐ châu Á (AFC) sẽ là một tổ chức kiểu mẫu trong việc áp dụng các công nghệ, ý tưởng mới nhất cho thực tiễn trong tất cả các lĩnh vực của bóng đá".
Trước đó, VAR đã được sử dụng từ vòng tứ kết Asian Cup 2019 và thu được những kết quả tích cực. "Chúng tôi đã hoàn thành khối lượng công việc đáng kinh ngạc tại Asian Cup 2019 tại UAE khi áp dụng VAR. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn các trọng tài châu Á được áp dụng các tiêu chuẩn tầm thế giới", chủ tịch AFC nói thêm.
Hệ thống VAR tại VCK U23 châu Á 2020 được giới hạn trong 4 quyết định hoặc nhận định sai trong trận đấu gồm bàn thắng hoặc không có bàn thắng, đá phạt, thẻ đỏ và lỗi nhận định sai của trọng tài chính.
Đội tuyển Việt Nam từng được trải nghiệm VAR khi đối đầu với Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019. Ảnh: Hiếu Lương.
Tại VCK Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đã được thử cảm giác của VAR. Trong đó, hai quyết định liên quan đến bàn thắng đã được đưa ra.
Với VAR, trọng tài chính đã thay đổi quyết định, không công nhận bàn thắng của trung vệ Yoshida do lỗi để chạm tay. Thứ hai, trọng tài chính thay đổi quyết định, cho rằng trung vệ Bùi Tiến Dũng phạm lỗi với Ritsu Doan trong vòng cấm, khiến đội tuyển Việt Nam để thua bàn duy nhất trong trận đấu.
Với việc áp dụng VAR trong các trận đấu tại VCK U23 châu Á 2020, đội tuyển U23 Việt Nam chắc chắn sẽ phải trải qua vài giờ tập huấn vấn đề này bởi các chuyên viên AFC đứng lớp.