Tình trạng cắt điện tại Venezuela không phải là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên, vụ việc trên đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khiến chính phủ nước này buộc phải đưa ra chính sách cắt điện luân phiên trên diện rộng - và kéo dài ít nhất 40 ngày. Bên cạnh đó, những cơ quan không quan trọng cũng được yêu cầu đóng cửa "thêm" 3 ngày mỗi tuần, đồng nghĩa với việc hàng nghìn viên chức nhà nước sẽ chỉ phải làm việc 2 ngày mỗi tuần.
Ngoài ra, cuộc sống sinh hoạt của nhiều người dân Venezuela cũng bị đảo lộn một cách nghiêm trọng: Thực phẩm trong tủ lạnh thì "chết dần chết mòn" do không được bảo quản đúng tiêu chuẩn; lò vi sóng thì nằm "đắp chiếu" và màn hình TV thường xuyên tối om vì chẳng bao giờ được dùng tới. Đa phần các đồ điện gia dụng đều được người dân rút phích cắm và chỉ cắm điện khi sử dụng để tránh cho chúng bị "sốc" khi nguồn điện có trở lại.
Kinh khủng hơn, người dân nước này còn thi nhau đổ mồ hôi như suối dưới cái nóng đến cháy da cháy thịt bởi chính sách cắt điện luân phiên trên diện rộng. Ngay cả nguồn nước sạch cũng bị ảnh hưởng do không có điện để chạy máy bơm.
Một gia đình Venezuela đang ngồi quây quần bên ánh nến không mấy lãng mạn.
Trong khi tình hình thiếu điện đã kéo dài được gần một tháng và chưa có dấu hiệu được cải thiện thì các phe phái chính trị vẫn đang tiếp tục "tìm hiểu" nguyên nhân của nó.
Ông Nicolas Maduro - Tổng thống Venezuela và các quan chức chính phủ khác đã và đang khẳng định hiện tượng El Niño và tình trạng hạn hán kỷ lục chính là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu điện tại quốc gia này. Bên cạnh đó, mực nước tại đập thủy điện Guri - đập thủy điện khổng lồ được xây dựng từ những năm 1970 – 1980 và là nguồn cung cấp 75% tổng sản lượng điện của Venezuela cũng đang ở mức thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, những thành viên phe đối lập tại Venezuela lại đổ lỗi cho sự quản lý sai lầm cùng tệ nạn tham nhũng của chính phủ. Cụ thể, phe đối lập chỉ trích chính phủ đã chậm trễ trong việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các nhà máy nhiệt điện nhằm giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, mặc dù những dự án trên được lên kế hoạch từ thời Tổng thống Hugo Chávez và đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD. Thậm chí, chính phủ Venezuela còn bị chỉ trích vì sự bất lực trong việc mua điện từ các nước láng giềng để khắc phục tình trạng thiếu điện, ưu tiên cấp điện cho các khu vực du lịch trong khi bỏ mặc người dân sống trong tình cảnh bí bách.
Tổng thống Venezuela đã vấp phải nhiều chỉ trích khi đưa ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại quốc gia này.
Dẫu vậy, thiếu điện cũng chưa phải là vấn đề duy nhất mà người dân Venezuela đang phải hứng chịu. Do giá dầu mỏ thế giới tuột dốc nghiêm trọng trong thời gian qua, nên nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela cũng đang gặp phải khủng hoảng nghiêm trọng.
Nền kinh tế nước này đã sụt giảm 5,7% vào năm 2015 và được dự đoán sẽ tiếp tục sụt giảm thêm 8% trong năm nay. Theo dự đoán của IMF, tỷ lệ lạm phát của Venezuela có thể lên tới 500% trong năm 2016. Đồng bolivar của nước này cũng mất giá nghiêm trọng khiến cho Venezuela rất khó khăn trong việc nhập khẩu nhiều loại nhu yếu phẩm cơ bản như đường, trứng và bột mỳ để cung cấp cho người dân.