"Hikikomori" là một thuật ngữ phổ biến tại Nhật Bản, được bộ Phúc lợi, Lao động và Y tế Nhật Bản gọi những người tự giam mình trong phòng, không chịu ra ngoài và tham gia các hoạt động đời sống xã hội và gia đình trong thời gian ít nhất là 6 tháng.
Đây là một hội chứng mang tính tâm lý nhiều hơn là bệnh lý, thường xảy ra ở nam giới, độ tuổi dao động từ 14-50. Đa phần họ đều là các thành viên đến từ gia đình trung lưu. Có những người tự nhốt mình trong nhà từ vài năm đến hàng chục năm.
Tại Nhật Bản, con số Hikikomori ước tính có khoảng hơn 1 triệu người. (~1% dân số Nhật Bản).
"Hơn triệu người Nhật sống lẩn khuất trong những căn phòng tới hàng chục năm", đây là những câu chuyện hoàn toàn có thật tại xứ sở mặt trời mọc khi có những thanh niên dành nhiều năm ròng, tự nhốt mình trong phòng và sống một cuộc sống không biết ngoài kia ra sao.
Ở Nhật, họ được gọi bằng cái tên Hikikomori, được ghép bởi hai chữ: "Hiku" có nghĩa là kéo, "komori" trong tiếng Nhật là nghỉ ngơi. Một cách hiểu ngắn gọn hikikomori có nghĩa "tự rút lui và nghỉ ngơi".
Chị Maika Elan cùng những người đồng sự đã giúp đỡ mình trong thời gian tại Nhật Bản.
Trong thời gian 6 tháng tại Nhật Bản, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải (hay còn biết đến với cái tên thân thuộc Maika Elan) đã cố gắng tiếp cận với những Hikikomori và giúp mọi người có cái nhìn trực diện hơn, gần gũi hơn về cuộc sống của một nhóm người chiếm tới 1% dân số tại Nhật Bản.
Thời gian mới tới Nhật Bản, nhiếp ảnh gia Maika Elan không định thực hiện bộ ảnh về các Hikikomori mà muốn phác họa lại cuộc sống của những người sống cô đơn với động vật. Tuy nhiên khi tới đây, hình ảnh cuộc sống hiện lên với những gam màu đối lập, sự cô đơn ngập tràn, cuộc sống đầy áp lực đã khiến chị muốn thực hiện một chủ đề khác về những người thanh niên Nhật vùi mình trong căn phòng từ năm này qua năm khác.
Hiroki Chujo, 23 tuổi. Anh đã trở thành một Hikikomori được 3 năm. Hikikomori không phải là một trạng thái bệnh lý mà chủ yếu nghiêng về vấn đề tâm lý. Thông thường, những Hikikomori đều không cảm thấy mối gắn kết với gia đình và xã hội.
Ban đầu, việc tiếp cận với các Hikikomori gặp khá nhiều khó khăn. Nhờ một chị làm giám tuyển nghệ thuật, tổ chức một cuộc nói chuyện, chị Maika Elan đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều người có người thân, bạn bè là các Hikikomori. Qua tìm hiểu trên mạng, nhiếp ảnh gia Maika Elan đã tìm thấy một tổ chức phi lợi nhuận có tên "New Start". Chị đã xin vào đây tình nguyện để có thể hiểu hơn về các Hikikomori.
Ở đây, Hikikomori được dạy các kỹ năng cơ bản như nấu ăn, dọn vệ sinh, giao tiếp, nói chuyện nhìn vào mắt người khác. Họ được tham gia các chương trình giúp tái hòa nhập với cộng đồng. Thông thường, họ sẽ ở đây 2 năm, trước khi phải tự ra ngoài tìm cuộc sống mới cho mình hoặc trở về với gia đình.
Đa phần các hikikomori tại Nhật Bản đều có thời gian ở trong phòng ít nhất 6 tháng, chiếm 39,2% trong số các Hikikomori. Tuy nhiên, số người ở trong phòng lâu hơn 7 năm cũng chiếm tới 14,2%.
Ban đầu, nhiếp ảnh gia Maika Elan còn không biết họ ở đâu để có thể tiếp cận nên phải thông qua những người trung gian là các rental sister và rental brother. Thời gian đầu rất khó khăn vì thực ra những người trung gian đấy làm việc với Hikikomori như là khách hàng. Chị đã phải gửi CV tới từng gia đình để bố mẹ họ biết chị là ai.
Lúc đầu, chị Maika Elan chỉ có thể đứng ở ngoài nhà, chào hỏi bố mẹ họ và chờ các rental sister vào làm việc khoảng vài tiếng. Rồi vài buổi sau thì được vào phòng khách rồi dần dần tiếp cận được "lãnh địa" của các Hikikomori.
Cũng phải mất một thời gian sau thì mới có thể nói chuyện, hỏi han các Hikikomori qua người phiên dịch. Cuối cùng thì họ cũng đồng ý cho mình chụp ảnh. Hơn 4 tháng miệt mài, chị cũng ghi được cuộc sống của 6,7 Hikikomori tại Nhật Bản.
Fuminori Akao, 29 tuổi. Anh đã trở thành Hikikomori được một năm.
Cuộc sống của họ chỉ gói gọn trong những căn phòng như vậy, kèm theo chút đồ đạc cần thiết. Có Hikikomori từng trải lòng rằng đôi khi họ không cần ăn uống gì cả, có cũng được mà không có cũng không thành vấn đề. Vấn đề tâm lý của họ lớn hơn nhu cầu sinh lý rất nhiều.
Có những người là Hikikomori "ngắn hạn", nghĩa là họ sẽ dành thời gian vài năm ở trong phòng rồi lại quay về với cuộc sống thường ngày, trước khi quyết định đóng khép mình với cuộc sống lần nữa.
Trở thành Hikikomori có nhiều nguyên nhân: áp lực công việc, học tập, chán nản với cuộc sống, không tìm thấy lối thoát...
Một hình ảnh rất đỗi đời thường về cuộc sống của Hikikomori.
Để tiếp cận với các Hikikomori, chị Maika Elan đã phải nhờ sự giúp đỡ của các "rental sister, rental brother". Họ là những người tư vấn, giúp đỡ và trò chuyện với các Hikikomori.
Hashimoto Masaya là một trường hợp Hikikomori do áp lực của học tập. Từng là người học rất giỏi và đạt thành tích cao ở trường, anh vẫn không được cha mẹ công nhận. Lúc nào cũng bị áp lực với việc học và trở thành người đứng đầu, cuối cùng, khi không trở thành được một học sinh danh dự, anh quyết định trở thành một Hikikomori.
Tuy nhiên, anh đã từng rời khỏi phòng và đi du lịch vòng quanh thế giới. Những tưởng sau khi trở về, mọi chuyện cũng sẽ khác nhưng tình trạng của anh trở nên tồi tệ hơn. Hashimoto Masaya lại nhốt mình trong phòng tới 7 năm.
Cha mẹ anh đã phải nhờ tới các rental sister để giúp anh thoát khỏi tình cảnh này.
Nhiều Hikikomori không chịu giao tiếp, nói chuyện hay cởi mở với bất cứ ai, ngoài các rental sister và rental brother của họ.
Đa phần các Hikikomori đến từ gia đình trung lưu. Chính vì vậy, nhiều người khá thoải mái với cuộc sống của mình ở trong phòng như vậy.
Riki Cook, một Hikikomori có bố là người Mỹ, mẹ người Nhật. Anh đã ở trong phòng như vậy được suốt 4 năm. Là một người luôn cố gắng để trở nên nổi bật, chỉ cần một lần sai phạm cũng khiến Riki cảm thấy sợ hãi và nghĩ rằng mình sẽ bị loại bỏ.
Chính vì vậy, anh luôn cảm thấy bế tắc với cuộc sống của mình vì chỉ những vấn đề nhỏ trong cuộc sống cũng khiến anh cảm giác mệt mỏi: quên sách vở, không tìm thấy phòng học mới... Căn phòng của Riki luôn đầy những thứ như vỏ mì tôm, đồ ăn và ngổn ngang đồ đạc.
Thông thường, vì thời gian rảnh quá nhiều, ngoài ngủ, các Hikikomori thường tìm đến các thú chơi như điện tử, truyện tranh. Có nhiều người từng nghĩ rằng họ muốn tự tử vì quá bế tắc với cuộc sống nhưng cuối cùng, mọi thứ lại trở về với căn phòng này.
Độ tuổi của các Hikikomori thường dao động từ 14-50.
Với các Hikikomori đã cao tuổi, cuộc sống của họ có phần khó khăn hơn nhiều khi không còn ai chu cấp cho bản thân. Chính vì vậy, nhiều người sẽ đi làm một thời gian và tích góp tài sản trước khi trở thành một Hikikomori.
(Ảnh: Nhiếp ảnh gia Maika Elan)