"Người ấy" có thể hơi quê mùa lạc hậu, hay càm ràm những điều nhạt nhẽo. Trong thanh xuân của ta, người ấy chỉ đứng lùi ở một góc xa xa. 99% thời gian, ta bận rộn bởi việc sống sao cho rực rỡ, cho "deep", cho thành công. Ta sợ mình nhạt nhoà chìm nghỉm giữa cuộc-đua-bản-sắc đầy ám ảnh. Rồi tới khi nào ta mới nhớ, dù ta có là ai, dù ta không nổi bật lắm, người ấy vẫn dành cho ta trọn sự chú ý và tình thương. Người ấy, là ba mẹ ta đó.
"Con đang bận lắm, cúp nha" "Con đang bận lắm, cúp nha!" - Không chỉ là một câu thoại trong MV mới của Trúc Nhân đâu. Thừa nhận với nhau rằng, tụi mình cũng hay như vậy, phải không?
Cuộc gọi của mẹ tới, ba tới. Ai đó đã có lần nhíu mày ngần ngừ, giả bộ không biết, bấm im lặng, úp màn hình xuống? Ai đó đã nghe máy, nhưng rất nhiều lần, tới câu thứ ba từ đầu dây bên kia, thì chân tay bắt đầu bồn chồn mất kiên nhẫn, muốn nhanh nhanh cúp máy: "Vậy nha mẹ! Vậy nha ba!".
Gấp là gấp chạy deadline. Gấp tại đang trong lớp học ngoại ngữ. Tại đang ngồi giữa quán cà phê tám với đám bạn lâu ngày mới gặp.
Tại đang bận chat với người yêu, tới đoạn ngọt ngào háo hức. Tại vì chuyện của ba mẹ ở quê thường nhạt nhẽo dông dài. Ba mẹ cứ hay khuyên răn mấy thứ thừa thãi như ăn uống thế nào, đi đứng xe cộ ra sao, buổi tối coi cửa nẻo để khỏi trộm, khỏi trúng gió…
Biết là ba mẹ thương mình, mình cũng thương ba mẹ đó. Nhưng…
Còn trăm thứ phải đối phó! Sếp đặt yêu cầu cao, khách hàng khó tính, kiến thức thì phải cập nhật liên tục, bạn bè đang ào ào tiến lên, người yêu không thích chờ đợi… Rảnh một chút, thì phải tranh thủ chăm sóc cảm xúc, nâng cấp đời sống tinh thần: Sợ bỏ lỡ bộ phim rạp mới ra, tranh thủ đi show nhạc mới, xuất hiện tại event để còn "net-working"…
Nhưng mà, cũng lúc đó, ai sẽ cùng chăm sóc cảm xúc cho ba mẹ? Ai quan tâm tinh thần của ba mẹ có đang ổn? Ai biết ba mẹ có đang gặp vấn đề gì trong cuộc sống?
Những chuyện ba mẹ nói thật nhạt nhẽo, nhưng mà, ngoài những điều cỏn con đó ra, ba mẹ còn biết làm gì để bày tỏ thương lo? Khi đàn con, chúng dường như không cần tới ba mẹ nữa? Và ta có hỏi, còn ta, ta làm gì để thương lo lại cho người?
Đô thị hoá không chỉ là câu chuyện của cơn ngột ngạt bê tông, của các vấn đề xã hội - môi trường vĩ mô, những áp lực dành cho người trẻ, nó còn chứng kiến cảnh người già bị bỏ lại phía sau. Theo kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, nếu năm 1993, cả nước có 80% người cao tuổi sống với con cái, thì vào 2010, tỷ lệ này chỉ còn 69,5%. Mà đó là con số của cách đây gần 10 năm, cùng thống kê chưa đầy đủ…
Bị bỏ lại, tức là đàn con rời tổ ấm năm về chỉ một lần, tức là đến tuổi hưu, lịch trình sinh hoạt quẩn quanh. Không phải người lớn tuổi cũng chủ động tìm được những thú vui, kết nối xã hội bù đắp vào khoảng hụt hẫng thói quen… Cảm giác vô dụng len lỏi.
Niềm vui với nhiều người trung niên, người cao tuổi, có khi đã thu hẹp lại vào những chiếc hộp tivi lạc hậu cũ buồn. Theo kết quả nghiên cứu từ Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam VIETNAM-TAM, đa phần khán giả xem truyền hình tại Việt Nam là từ 50 tuổi trở lên.
Đó có phải cũng là chuyện ở nhà mình? Ba mẹ mình cũng đang lủi thủi với chiếc tivi trong mỗi bữa cơm chiều?
Nhưng rồi thế nào? Chẳng lẽ không theo đuổi sự nghiệp nữa? Chẳng lẽ về quê? Chẳng lẽ bỏ hết?
Chợt nhận ra, cha mẹ chính là... tình yêu xa vĩ đại nhất trong cuộc đời. Nhớ thương, day dứt đó, nhưng xa xôi không tránh khỏi. Thôi thì, thay vì… than xong để đó, thử coi có cách nào yêu xa cho thiệt ngọt ngào với ba mẹ?
Chẳng hạn học cách của cô bạn Hoàng Minh Vy (28 tuổi, chuyên viên truyền thông). Vy kể lại cách mình đã chủ động thay đổi sự gắn kết với gia đình: "Hồi đại học, về tới nhà là cứ cắm đầu vào smartphone, laptop. Bố mẹ càm ràm, mình khó chịu. Chỉ mong nhanh nhanh quay lại thành phố để tự do trong thế giới của mình… Đi làm một hai năm thôi là "biết đá biết vàng", về quê lại chỉ muốn quăng điện thoại sang một bên, trốn sếp, trốn khách hàng, ngồi ăn bữa cơm yên tĩnh với ba, nằm ôm mẹ ngủ trưa một giấc đã đời. Lúc đó thấy công nghệ đúng là giết chết tình cảm gia đình…
Nhưng tới khi công việc vào guồng, có chút dư dả, mình lại nghĩ khác nữa. Thay vì né tránh tiện nghi, sao mình không đem nó tới cho ba mẹ, để ba mẹ hưởng thụ, rồi kết nối với mình. Vậy là mình sắm cho ông bà cái tivi có kết nối Internet. Giờ ở nhà, bố không than buồn nữa, rảnh sẽ mở Youtube ngay trên tivi, coi… video cây cảnh. Bố mình thích cây cối mà. Về nhà, bố sẽ kéo mình xuống bình luận mình nghe về kỹ thuật bonsai. Mình có hiểu gì đâu, mà thấy bố vui là cũng gật gù theo, vừa thấy đáng yêu, vừa thương, và mừng… Thay đổi chút xíu, mà bố có thêm niềm vui, bớt thấy lạc lõng.
Có những tuần nhớ nhà, cô đơn quá mà không về được, mình lại hướng dẫn ba mẹ... video call qua tivi. Vừa ở phòng trọ nấu nướng vừa nhìn ba mẹ ngồi ăn cơm tối, thấy ấm áp như đang được ở nhà. Video call đâu chỉ dành cho bọn yêu xa đâu!", Vy tâm sự chân thành.
Anh Lê Đức Anh (kỹ sư, 32 tuổi) thì lại quan sát thấy một điều mới mẻ trong chính gia đình mình. Mẹ anh từ ngày được anh sắm cho chiếc điện thoại thông minh mới, đã biết vào Facebook, kết nối với bạn bè cũ, và xem những bộ phim yêu thích. "Như một con người khác" - anh kể về mẹ - "tưởng bà rất "gà" công nghệ, không ngờ, được con cháu hướng dẫn vài lần, bà xài smarphone ầm ầm. Lên Facebook đăng hình, chat với con cháu. Rảnh thì coi đủ phim hot trên mạng, nào Diên Hy Công Lược, cho tới parody hài của mấy bạn trẻ…". Mỗi lần anh về thăm gia đình, mấy mẹ con anh lại có màn tíu tít cùng nhau xem clip, hướng dẫn nhau tải app di động…
Rốt cuộc, có nhạt nhoà yêu thương, cũng không thể đổ hết tội lỗi cho "quy luật phát triển". Không chịu được bất tiện, không loại được tiện nghi khỏi đời sống thì tận dụng tiện nghi để nó phục vụ tối đa cho mình đi, vật chất lẫn tinh thần. Chỉ là cô đơn nếu ta đi một mình, ta quên kéo người ta thương đi cùng. Chỉ là lạc lõng khi ta để cha mẹ bơ vơ với tiện nghi, mà quên, niềm vui là ở chỗ cùng nhau.
Bằng sự chú tâm, bằng những lựa chọn thông minh hơn, ta có thể cùng gia đình có thêm kết nối, có thêm hạnh phúc. Đó cũng là cách để dù bận rộn, ta vẫn có được những khoảng thời gian chất lượng bên cha mẹ - những "người ấy" không thể thay thế của đời ta.
Hãy chăm sóc niềm vui hằng ngày của người ấy, giữ người ấy gần mình hơn, mỗi ngày, chứ không phải chỉ qua dăm bữa lễ lạt trở về.