Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An

CTV Tuấn Anh/VOV-Đông Bắc, Theo VOV 11:11 05/02/2024

Là 1 trong 7 làng nghề truyền thống của tỉnh Cao Bằng được công nhận, Phia Thắp (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà) nổi tiếng với nghề làm hương và đến nay vẫn được người Nùng An duy trì.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 1.

Đa số người Nùng An đều là những người thợ thủ công, họ lưu truyền rất nhiều nghề truyền thống nổi tiếng của Cao Bằng như nghề rèn ở Pác Rằng, nghề làm ngói âm dương ở Lũng Rì, nghề đan nón Chúp ở Hoàng Diệu, nghề làm giấy bản ở Quốc Dân. Ở Phia Thắp, người Nùng An được biết đến với nghề làm hương truyền thống đã hàng trăm năm tuổi.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 2.

Phia Thắp nằm yên bình giữa thung lũng với những ngôi nhà sàn lợp ngói âm dương. Nơi đây, nghề làm hương truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cả bản gần như ai cũng biết làm hương.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 3.

Khác với những loại hương thơm thông thường, hương Phia Thắp không dùng hóa chất mà lá cây Bầu Hắt mọc tự nhiên trên những vách đá là nguyên liệu chính làm ra loại hương này. Sau khi hái, lá loại cây này được phơi khô, tán nhỏ và là nguyên liệu chính để của que hương

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 4.

Đến nay, hơn 50 hộ dân người Nùng An ở đây vẫn giữ được nghề làm hương thủ công lâu đời.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 5.

Thay vì sử dụng máy, cây hương truyền thống Phia Thắp vẫn được làm thủ công. Chân hương được làm từ cây mai (tiếng địa phương là cây mạy mười) vì vừa thẳng, vừa dẻo lại dễ bắt lửa.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 6.

15 tuổi đã bắt đầu làm hương, anh Hoàng Văn Thái cho biết, sau khi chẻ thân mai sẽ được vót trơn bằng tay và được chuốt qua một dụng cụ đơn giản gọi là bàn chuốt để trở nên tròn, mịn.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 7.

Thân cây hương khi chuốt xong sẽ được nhúng nước, lăn qua lớp bột lá Bầu Hắt rồi lăn qua bột mùn cưa. Khi lớp mùn cưa kết dính, cây hương lại được nhúng nước rồi tiếp tục lăn mùn cưa... cho đến khi đủ độ dày. Đây cũng là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của những người làm hương Phia Thắp.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 8.

Công đoạn cuối cùng là đem hương đi phơi. Nếu trời nắng to, hương sau khi làm phơi ngay tại cánh đồng chỉ một ngày là khô.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 9.

Những ngày thời tiết không nắng, mọi diện tích trống có mái che đều có thể được tận dụng để phơi hương.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 10.

Những ngày trời mưa, gia đình bà Hoàng Thị Nim phải sấy hương cho kịp buổi chợ. Một đời gắn bó với nghề truyền thống của cha ông để lại, bà Nim chia sẻ: “Cổ tay phải quay dẻo như múa, cứ tập từ nhỏ dần dần sẽ thành thục. Một ngày một người làm từ sáng sớm đến tối mịt có thể làm ra khoảng 3.000 - 4.000 cây hương...”.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 11.

Những ngôi nhà sàn ở Phia Thắp luôn thiết kế một tầng nhỏ để phục vụ làm hương. Hương thường chỉ được bán tại các phiên chợ huyện trong tỉnh Cao Bằng, một số ít được đưa sang tiêu thụ tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 12.

Hiện nay, nguyên liệu làm hương Phia Thắp ngày càng khan hiếm. Dù một số người tìm cách thay thế một số thành phần nguyên liệu nhưng chất lượng hương chưa như mong muốn.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 13.

Với chất lượng tốt và hương thơm tự nhiên, đối với người dân Cao Bằng nói riêng thì hương Phia Thắp luôn là vật dụng không thể thiếu trên bàn thờ của nhiều gia đình.

Về Cao Bằng thăm làng hương trăm tuổi của người Nùng An - Ảnh 14.

Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu có homestay phục vụ lưu trú, đón khách du lịch đến nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống mộc mạc, yên bình nơi đây. Trải nghiệm làm hương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách. Đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch để tạo ra tour du lịch hấp dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân địa phương.