Vay ngân hàng mua nhà bằng được rồi tìm đủ cách bán đi, may 3 năm vẫn lãi được 1,5 tháng lương

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 07:22 13/03/2024
Chia sẻ

Đôi khi mua nhà sai lầm còn khổ hơn đi thuê!

Ổn định nơi ăn chốn ở, hay nói cách khác là có căn nhà của riêng mình để thoát cảnh đi thuê, là mục tiêu của phần lớn chúng ta. Người xác định đi thuê nhà cả đời và cảm thấy ổn với việc đó, đương nhiên cũng có, nhưng vẫn là nhóm số hiếm.

Đã từng cố gắng mua cho bằng được một căn chung cư với hy vọng có thể chấm dứt cảnh mỗi năm chuyển trọ 1 lần, Thanh Huyền (29 tuổi) giờ đây lại cảm thấy hối hận đôi chút về quyết định ấy.

Cuối năm 2020, vì kinh tế không đủ để mua chung cư trong nội thành, Thanh Huyền chốt 1 căn chung cư ở Vĩnh Ngọc, Đông Anh (Hà Nội) với giá 1,1 tỷ đồng. Dù được bố mẹ hỗ trợ một phần tiền mua nhà, bản thân cũng có một khoản tiết kiệm "kha khá", Thanh Huyền vẫn phải vay ngân hàng 450 triệu mới đủ tiền trả đứt căn hộ 1PN+1 có diện tích 49,7 mét vuông.

Căn chung cư 1PN+1 mà Thanh Huyền mua ở ngoại thành Hà Nội vào năm 2020

Tới tháng 11/2023, sau khi bàn bạc với bố mẹ, Thanh Huyền quyết định bán căn chung cư này và quay lại với việc đi thuê nhà để ở vì những vấn đề bất cập dưới đây.

1 - Ngày nào đi làm cũng như đi phượt

Hiện tại, Thanh Huyền đang làm Kế toán cho một công ty Xuất nhập khẩu ở Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội). Trước khi chốt mua nhà, Huyền đã suy nghĩ rất kỹ việc bản thân có sẵn sàng đi quãng đường 31km cho 2 chiều đi - về hay không. Ở thời điểm đó, cô cảm thấy điểm trừ này không thấm vào đâu so với việc mình được ở trong nhà của mình, rộng rãi hơn.

Tuy nhiên mọi thứ không mỹ mãn như những gì Huyền đã mường tượng.

"Để đi từ Đông Anh sang Liễu Giai, mình buộc phải đi qua cầu Nhật Tân. Những ngày trời mát mẻ, nắng ráo thì không sao nhưng mưa to hoặc lạnh buốt thì thực sự ám ảnh. Đi trên cầu mà cảm giác gió tạt cả xe. Chưa kể tắc đường nữa, trung bình mỗi ngày mình tốn khoảng 2 tiếng để đi làm" - Thanh Huyền kể.

Cô còn cho biết thêm bản thân không ngại đi xa vì trước khi mua nhà, Huyền cũng ở cách chỗ làm gần 9km. Đó cũng là yếu tố khiến cô tự tin nghĩ rằng việc đi 31km để đi làm hàng ngày không phải là vấn đề gì to tát.

"Nếu tự lái xe máy đi làm thì về đến nhà là mình mệt rũ ra rồi, gần như không còn sức làm thêm hay nấu nướng gì nữa. Cũng có những hôm mình bắt taxi đi làm, nhưng chỉ là những ngày ốm đau mà không thể xin nghỉ hoặc mưa gió bão bùng thôi, vì 2 chiều taxi cũng hết khoảng 350k, gần bằng 1 ngày lương rồi" - Thanh Huyền chia sẻ.

2 - Áp lực trả nợ ngân hàng quá lớn sau khi bị giảm lương

Thanh Huyền vay 450 triệu trong 5 năm để mua nhà. Mỗi tháng, cô phải trả ngân hàng gần 11 triệu đồng. Khi chưa bị giảm lương, con số này vẫn trong khả năng chi trả của Thanh Huyền, nhưng từ nửa cuối năm 2022, câu chuyện đã có chút thay đổi.

Vay ngân hàng mua nhà bằng được rồi tìm đủ cách bán đi, may 3 năm vẫn lãi được 1,5 tháng lương - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Tháng 6/2022, công ty mình có một đợt giảm lương. Lương của mình bị giảm khoảng 20%. Trước đó, sau khi trả ngân hàng 11 triệu, hàng tháng mình vẫn có đủ tiền để trang trải cuộc sống và tiết kiệm được một chút, vì mình cũng nhận thêm job ngoài.

Nhưng sau khi bị giảm lương, mất 2 job ngoài, trả nợ 11 triệu/tháng là áp lực rất lớn. Mình cũng đã thử tìm thêm những công việc từ xa khác, nhưng phần lớn chỉ là job ngắn hạn, không ổn định và không đều đặn hàng tháng.

Nói chung, sau khi bị giảm lương, mất 2 công việc tay trái, không có gì là ổn định ngoài số tiền mình phải trả ngân hàng mỗi tháng" - Thanh Huyền bộc bạch.

Vì 2 lý do này mà đến tháng 8/2023, Thanh Huyền quyết định quay trở lại nội thành Hà Nội đi thuê trọ. Còn căn chung cư ở Đông Anh, cô dự định cho thuê. Tuy nhiên, sau 2 tháng đăng tin cho thuê, Thanh Huyền không tìm được khách thuê dù mức giá đưa ra chỉ là 5,5 triệu đồng/tháng. Tính đi tính lại, phương án cho thuê không mấy khả thi, có cho thuê được cũng không đủ tiền trả nợ ngân hàng mỗi tháng, lại khiến nhà dễ mất giá nếu sau này muốn bán.

Đến tháng 11/2023, Thanh Huyền quyết định bán căn chung cư này và đến tháng 2/2024, cô đã nhận tiền về tay.

"Mình có bàn bạc với bố mẹ, cũng cân nhắc nhiều lắm nhưng cuối cùng vẫn quyết định bán. May mắn là mình không bị lỗ. Sau khi bán, mình trả bố mẹ khoản tiền bố mẹ đã cho mình để mua nhà, đồng thời trả hết nợ ngân hàng và còn dư khoảng 1,5 tháng lương".

Tạm kết

Từ trải nghiệm của mình, Thanh Huyền khẳng định nếu bạn đang độc thân, chưa có dự định lập gia đình và đang đi làm full-time, lại chưa có ô tô, cần cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định mua chung cư ở ngoại thành.

"Bạn mình cũng có người mua nhà ở ngoại thành vì giá rõ ràng rẻ hơn hẳn nội thành, và sau khi mua, họ sống rất thoải mái chứ không bị áp lực như mình. Mình nghĩ một phần vì tính chất công việc của họ không bó buộc thời gian, một phần vì nền tảng tài chính của họ cũng dư dả hơn mình, việc đi taxi đi làm hàng ngày không phải vấn đề quá lớn" - Thanh Huyền chia sẻ và thừa nhận bản thân đã có phần nóng vội khi quyết định mua chung cư ở ngoại thành.

Vay ngân hàng mua nhà bằng được rồi tìm đủ cách bán đi, may 3 năm vẫn lãi được 1,5 tháng lương - Ảnh 3.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày