"Vào tù dưỡng già": Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản

AME, Theo Helino 02:30 10/01/2020
Chia sẻ

Điều kiện nhà tù nữ ở Nhật Bản tốt đến thế mà lại khiến những người lớn tuổi cố tình phạm tội để vào tù “dưỡng” già.

Hiện nay, tình trạng dân số già hóa đã đến mức báo động, “dưỡng già” từ lâu đã trở thành vấn đề nan giải. Một số người cao tuổi có nhiều cách giải quyết khác nhau, một trong số đó có cách “vào tù dưỡng già”.

Gần đây, đài truyền hình NHK của Nhật Bản đã phát sóng một phim tài liệu về sự gia tăng tội phạm cao tuổi ở các nhà tù, đặc biệt là các nữ phạm nhân lớn tuổi. Những người phụ nữ này “làm loạn” bên ngoài để tìm một vị trí trong các nhà giam.

Trên thực tế, không chỉ ở Nhật Bản mà nhiều nước khác trên thế giới, tội phạm cao tuổi đang gia tăng trong những năm gần đây. Hiện thực tàn khốc đằng sau cái gọi là “vào tù dưỡng già” chính là phải đối mặt với sự nghèo khó và cô đơn, phải chấp nhận thoát ly khỏi xã hội.

Theo trang Nihon Keizai Shimbun, nhà tù nữ Kasamatsu tính đến tháng 9/2019, có tổng cộng 371 tù nhân với độ tuổi trung bình là 52, so với 10 năm trước đã tăng hơn khoảng 9 tuổi và có khoảng 20% người đang thụ án tù trên 65 tuổi. Tại Nhật Bản, tỷ lệ nữ tù nhân trên 65 tuổi cao gấp đôi nam giới.

Vào tù dưỡng già: Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản - Ảnh 1.

Sự gia tăng tội phạm trên 65 tuổi ở Nhật Bản qua các năm (đường xanh đậm: Phụ nữ, đường xám: Nam giới).

Sự gia tăng số lượng phụ nữ lớn tuổi đang khiến nhiều nhà tù quá tải. Một số phạm nhân cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc bản thân, điều này có nghĩa là có một gánh nặng đè lên phía nhà tù. Nhiều cai ngục đã phải nghỉ việc vì không thể chịu nổi: “Hầu hết các cai ngục đều không có chuyên môn điều dưỡng, nhưng lại phải giúp các tù nhân tắm rửa, ăn uống và đi lại. Tình hình tệ đến mức có nhiều cai ngục phải bỏ việc”.

Để cải thiện tình trạng này, từ năm 2014, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu triển khai kế hoạch đưa các nhân viên y tế và điều dưỡng vào làm việc trong các nhà tù nữ trên khắp đất nước. Trong đó các điều dưỡng chuyên nghiệp sẽ giúp đỡ những phạm nhân không thể tự chăm lo cho mình, thậm chí có nhân viên y tế thực hiện các biện pháp hồi phục với căn bệnh mất trí ở người già. Nếu chỉ nhìn sơ qua, có thể xem là viện dưỡng lão.

Ngoài vấn đề chăm sóc trong nhà tù, ban quản lý nhà tù còn cố gắng bố trí cuộc sống của phạm nhân sau khi ra tù. Chẳng hạn như giúp đỡ phạm nhân tìm nhà ở sau khi mãn hạn tù, hay giúp các phạm nhân không còn người thân đến các trung tâm phúc lợi,... Đó là những việc chính quyền có thể làm được.

Vào tù dưỡng già: Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản - Ảnh 2.

Chính phủ Nhật Bản đưa các nhân viên y tế và điều dưỡng vào làm việc trong các nhà tù nữ.

Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ cần được giải quyết chính là tỷ lệ nữ tội phạm lớn tuổi ở Nhật Bản vẫn còn rất cao. Theo một báo cáo năm 2014, tỷ lệ tái phạm tội trộm cắp ở phụ nữ trên 65 tuổi cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi theo giới tính, cao gấp đôi nam giới ở cùng độ tuổi.

Nhiều người cho rằng, lý do chính của vấn đề “tái phạm tội” ở phụ nữ cao tuổi là vì mức xử lý trong luật pháp Nhật Bản là không cao lắm. Bất cứ ai ăn trộm bánh sandwich 200 yên (khoảng 42 nghìn VND) trong siêu thị đều có thể bị kết án 2 năm tù.

Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là hầu hết các phạm nhân cao tuổi không còn con đường nào khác để bước đi. Người cao tuổi dễ bị cô lập trong xã hội, ngay cả khi họ được ra tù thì họ cũng sẽ cô đơn một mình và sớm trở lại con đường phạm pháp.

Trong phim điện ảnh The Shawshank Redemption của Mỹ (1994) có một cảnh thế này: Một ông lão ở tù cùng với nhân vật chính mãn hạn tù, ông lại chọn cách treo cổ vì không thể thích nghi với những thay đổi của xã hội bên ngoài. Tình trạng này rất phổ biến ở Nhật Bản, đặc biệt là với phụ nữ lớn tuổi. So với đàn ông, phụ nữ thường sống dựa vào chồng và gia đình, rất khó sống một mình. Nếu họ bị cô lập với xã hội, họ “buộc” phải phạm tội một lần nữa.

Vào tù dưỡng già: Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản - Ảnh 3.

Phòng giam đơn trong một nhà tù ở Nhật Bản.

Vào tù dưỡng già: Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản - Ảnh 4.

Phòng giam tập thể trong một nhà tù ở Nhật Bản.

Vào tù dưỡng già: Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản - Ảnh 5.

Một bữa ăn sáng trong một nhà tù ở Nhật Bản.

Vào tù dưỡng già: Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản - Ảnh 6.

Bữa ăn trưa hoặc tối trong một nhà tù ở Nhật Bản.

Vào tù dưỡng già: Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản - Ảnh 7.

Bữa ăn đặc biệt trong đêm Giáng sinh ở một nhà tù Nhật Bản.

Dữ liệu từ Cục thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản vào tháng 9/2019 cho thấy tỷ lệ dân số Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên là 28,4%, một con số cao kỷ lục ở quốc gia này. Con số 28,4% có ý nghĩa gì? Theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc, số người trên 65 tuổi vượt quá 10% thì đó là một xã hội lão hóa dân số và Nhật Bản đã “đạt” tiêu chuẩn này từ hơn 1 thập kỷ trước. Xếp sau Nhật là Ý và Bồ Đào Nha.

Ngoài lão hóa dân số, tuổi thọ trung bình của người Nhật cũng đã tăng khá nhanh. Theo báo cáo tháng 7/2019 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật Bản là 81,25 (đứng thứ 3 thế giới) và nữ giới là 87,32 (đứng thứ 2 thế giới).

Lão hóa dân số và cuộc sống của phụ nữ kéo dài hơn trong khi phúc lợi xã hội không thể đáp ứng nổi nhu cầu của từng người sẽ dẫn đến cách giải quyết cực đoan “Vào tù dưỡng già” là điều dễ hiểu.

Vào tù dưỡng già: Lối thoát cực đoan của những người phụ nữ cô độc và hệ quả nghiêm trọng đè nặng lên xã hội Nhật Bản - Ảnh 8.

Năm 2017, trong các nhà tù Nhật Bản, cứ 5 tội phạm thì có 1 người trên 65 tuổi.

Với nhiều người đây là biện pháp cuối cùng nhưng với chính phủ Nhật Bản, đó là một gánh nặng tài chính nặng nề. Một số học giả đã chỉ ra rằng, người ăn cắp sandwich 200 yên bị phạt tù 2 năm, trong 2 năm đó chính phủ đã phải tốn 8,4 triệu yên (gần 1,8 tỷ VND) để thực hiện bản án. Nhiều người lo ngại, với xu hướng hiện tại, hệ thống nhà tù của Nhật có thể sẽ bị “phá vỡ” do ngân sách quá cao.

Trên thực tế, không chỉ ở Nhật Bản mà nhiều nước phát triển khác cũng có dấu hiệu tăng tỷ lệ tội phạm cao tuổi. Tại Hàn Quốc, số liệu thống kê chính thức cho thấy từ năm 2013 đến 2017, tỷ lệ tội phạm của những người trên 65 tuổi đã tăng 45%. Trong số đó, tỷ lệ người cao tuổi phạm trọng tội như giết người đã tăng 70% (khoảng hơn 1800 vụ án). Ngược lại, tổng số tội phạm của Hàn Quốc đã giảm đáng kể, từ 1,85 triệu giảm còn 1,66 triệu trong 5 năm.

Ở Anh và Đức, các “băng đảng tóc bạc” hay “băng cướp ông chú ông bác” thường xuyên gây án, đã gây ra quá nhiều vụ án rúng động truyền thông và số lượng người cao tuổi bị giam giữ trong các nhà tù ngày càng tăng.

Tại Trung Quốc, một số phương tiện truyền thông trích dẫn dữ liệu từ tòa án, từ năm 2008 đến 2018, số phạm nhân cao tuổi đã tăng đều hàng năm và độ tuổi của họ cũng tăng.

Sự gia tăng tội phạm cao tuổi, ngoài lòng tham của chính họ thì có thể nhắc đến nguyên nhân do nghèo đói và sự cô đơn. “Băng cướp ông chú ông bác” ở Đức khai nhận tại tòa, họ cướp 1,09 triệu USD (hơn 25,2 tỷ VND) từ ngân hàng vì tiền dưỡng già của họ không đủ.

Nguồn: Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày