Vào thế bí, bóng đá Trung Quốc mang thứ "vũ khí" bị mỉa mai ra đe dọa ĐT Việt Nam

Linh Đan, Theo Pháp luật & Bạn đọc 12:20 28/06/2021

Cách đây chưa lâu, báo chí và dư luận Trung Quốc còn lớn tiếng chê bai, mỉa mai chính sách nhập tịch của liên đoàn bóng đá nước này (CFA).

"Hy vọng của bóng đá Trung Quốc giờ biết đặt vào đâu? Trong 10, 20 năm tới, bóng đá Trung Quốc sẽ không nhìn thấy hy vọng nào cả. Mặc dù Liên đoàn đã cho nhập tịch cầu thủ, nhưng đó chỉ là hành động mang tính xoa dịu dư luận. Đào tạo trẻ không tốt thì Trung Quốc vẫn sẽ chỉ là một nền bóng đá yếu mà thôi".

"Có thể nói, bóng đá Trung Quốc lại một lần nữa rơi xuống đáy vì kết quả này của đội U19. Tất cả dường như bất lực và các cầu thủ đang phải gánh chịu hậu quả ở thời kỳ đen tối của bóng đá Trung Quốc hơn 10 năm trước.

Lứa cầu thủ trẻ không cho thấy được tương lai, còn ĐTQG thì cũng đang loay hoay với những phương án nhập tịch dưới thời HLV Lippi. Nhưng rồi mọi thứ sẽ đi về đâu?".

Đó là những lời nhận xét đầy chua chát trên tờ Sohu vào tháng 11/2019, sau khi chứng kiến đội U19 Trung Quốc thất bại ở vòng loại giải U19 châu Á 2020. Đây cũng là lần đầu tiên sau 25 năm, bóng đá Trung Quốc không thể giành vé tham dự vòng chung kết giải đấu này.

Hàng loạt chỉ trích được nhắm về phía CFA, đặc biệt trong hoàn cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường lực lượng cho đội tuyển quốc gia bằng cách nhập tịch cầu thủ.

Dư luận Trung Quốc coi đây là cách làm "ăn xổi" của CFA, với mong muốn phụ thuộc vào "lính đánh thuê" người nước ngoài để có thành tích, trong khi chất lượng cầu thủ trong nước không đủ tốt và công tác đào tạo trẻ của bóng đá Trung Quốc rơi vào tình trạng báo động.

Vào thế bí, bóng đá Trung Quốc mang thứ vũ khí bị mỉa mai ra đe dọa ĐT Việt Nam - Ảnh 1.

Lứa cầu thủ sinh năm 2001 của bóng đá Trung Quốc gây thất vọng lớn

Vào thế bí, bóng đá Trung Quốc mang thứ vũ khí bị mỉa mai ra đe dọa ĐT Việt Nam - Ảnh 2.

Trong khi đó, U19 Việt Nam thời điểm ấy đã xuất sắc hòa Nhật Bản để giành vé dự vòng chung kết U19 châu Á 2020. Tiếc rằng giải đấu này không thể tổ chức vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau khi HLV Lippi từ chức bởi trận thua Syria (tháng 11/2019), CFA quyết định bổ nhiệm HLV Li Tie và tiếp tục thực hiện mạnh hơn chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên truyền thông và dư luận Trung Quốc vẫn không mấy ủng hộ điều này.

CFA đã phải đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện tình hình, bởi một số cầu thủ nhập tịch tỏ ra lạc lõng khi được gọi tập trung vào tuyển Trung Quốc.

Vậy nhưng trong bài bình luận mới đây, một cây viết của Sohu lại đưa ra quan điểm trái ngược. Không chỉ tự hào về sự tiến bộ của bóng đá Trung Quốc, bài viết này còn quay ngoắt thái độ, tự tin rằng những cầu thủ nhập tịch sẽ giúp Trung Quốc giành ưu thế trước tuyển Việt Nam nếu hai đội gặp nhau ở vòng loại cuối World Cup 2022.

"[…] Bởi thế, tôi phải nói rằng Trung Quốc đang rất háo hức và mong được gặp tuyển Việt Nam lần nữa. Hãy để cho họ thấy sự tiến bộ của bóng đá Trung Quốc. Và hãy để Wu Lei cùng những cầu thủ nhập tịch của chúng ta mang đến cho tuyển Việt Nam một chút 'sắc màu'".

Vào thế bí, bóng đá Trung Quốc mang thứ vũ khí bị mỉa mai ra đe dọa ĐT Việt Nam - Ảnh 3.

Elkeson là cầu thủ gốc Brazil. Tiền đạo này hiện 32 tuổi và có 7 lần khoác áo tuyển Trung Quốc

Ở loạt trận vòng loại World Cup 2022 vừa diễn ra, những cầu thủ nhập tịch của Trung Quốc như Elkeson, Nico Yennaris, Alan Carvalho hay Tyias Browning đều được trao cơ hội ở một số thời điểm nhất định.

Tuy nhiên để khẳng định họ thực sự giúp nâng tầm tuyển Trung Quốc thì vẫn cần thêm thời gian và những đối thủ mạnh hơn để kiểm chứng.

Ví dụ ở trận đấu then chốt với đội đầu bảng Syria, nơi Trung Quốc buộc phải giành 3 điểm để có vé đi tiếp, chỉ có Tyias Browning và Elkeson được ra sân, còn lại đều phải dự bị.

Rõ ràng khi nhìn vào vị trí trong nhóm hạt giống, Trung Quốc (nhóm 4) là đội nhỉnh hơn so với Việt Nam (nhóm 6).

Tuy nhiên cách truyền thông nước này mang cầu thủ nhập tịch ra để "đe dọa" tuyển Việt Nam có phần hơi khó hiểu, đặc biệt sau những mỉa mai của chính họ về nhóm cầu thủ này trong quá khứ.

Sự phát triển của bóng đá Trung Quốc, chẳng lẽ lại dựa vào những cầu thủ nhập tịch hay sao?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày