Thế giới hiện đại rất chú trọng nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng. Điển hình là ô tô đang quay lưng với nhiên liệu hóa thạch, sử dụng điện nhiều hơn để làm cho chúng ta di chuyển. Trong khi năng lượng gió và mặt trời đang dần dần được ứng dụng nhiều hơn, giúp nhân loại giảm sự phụ thuộc vào năng lượng bẩn. Nhưng liệu rằng có công nghệ nào thực sự có thể giúp con người giảm phụ thuộc vào điện năng? Câu trả lời vừa mới được một nhóm các nhà khoa học ở MIT tìm ra. Đó là công nghệ thực vật phát sáng.
Họ đã đạt được một bước tiến lớn đầy tiềm năng bằng cách tạo ra những cây trồng phát sáng trong bóng tối. Hãy tưởng tượng một tương lai nơi bàn làm việc của bạn được thắp sáng bằng một chậu cây mát mẻ mà không phải đèn điện tỏa nhiệt nóng bức.
Để tạo ra nguyên mẫu thực vật phát sáng như trên, các nhà khoa học dựa vào một enzyme mà nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc dù chưa bao giờ nghe thấy cái tên. Nó được gọi là luciferase, là loại enzyme có trong những con đom đóm giúp chúng phát sáng.
Luciferase được đưa vào các tế bào thực vật và nó sẽ phát sáng khi môi trường xung quanh tối đi. Lúc đầu, thời gian phát sáng kéo dài chưa đầy 1 giờ, nhưng sau đó các nhà khoa học đã tìm ra cách để kéo dài lên gần 4 giờ. Họ tin rằng với sự cải tiến hơn nữa, họ có thể khiến cho thực vật phát ra ánh sáng suốt đời.
Michael Strano, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những loại cây trưởng thành có khả năng phát sáng thay thế được đèn đường mà giữ được tuổi thọ cao nhất của cây."
Video giới thiệu công nghệ thực vật phát sáng.