Thông tin này được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang chạy đua phát triển và thử nghiệm vaccine, đánh giá tính hiệu quả và mức độ an toàn của chúng.
Các nhà khoa học Nga công bố kết quả hai cuộc thử nghiệm ở quy mô nhỏ với 76 người trong độ tuổi từ 18 đến 60 và có sức khỏe bình thường. Hai giai đoạn thử nghiệm kéo dài 42 ngày, với 38 người trưởng thành 1 giai đoạn, kết quả là tất cả những người này đều phát triển kháng thể trong vòng 3 tuần.
Nga chính thức công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn I-II chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vaccine Sputnik V trên The Lancet (Ảnh: Sputnik)
Bà Inna Dolzhikova - Nhà nghiên cứu Viện Gamaleya, Nga cho biết: "Trong suốt quá trình nghiên cứu lâm sàng vaccine của chúng tôi, không một tác dụng phụ có hại nào được ghi nhận, 100% tình nguyện viên phát triển miễn dịch. Chúng tôi đã so sánh phản ứng miễn dịch sau khi được tiêm vaccine và phản ứng miễn dịch của những người mắc bệnh. Kết quả cho thấy, kháng thể ở những người được tiêm vaccine cao hơn ở những người mắc bệnh".
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, cần tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm ở quy mô lớn hơn và trong thời gian dài hơn, để xác định rõ tính an toàn và hiệu quả lâu dài của vaccine Sputnik V trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.
Hiện một số phòng khám ở thủ đô Moscow đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, và sẵn sàng cho việc triển khai chương trình thử nghiệm, dự kiến bắt đầu từ tuần tới. Những người tham gia sẽ được theo dõi y tế liên tục trong 6 tháng.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, không nên kỳ vọng việc phổ biến vaccine ngừa bệnh COVID-19 trước thời điểm giữa năm sau, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về tính hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine trước khi được phân phối rộng khắp trên thế giới.