Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 28-4, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), cho biết đến thời điểm này BV đang điều trị cho 15 trường hợp trong số 73 bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ tại bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu.
Nhiễm độc thuốc diệt cỏ có thể dẫn đến nhiễm độc nội tạng và tử vong (ảnh minh hoạ)
Hiện sức khoẻ của những bệnh nhân này dần ổn định, tuy nhiên do chỉ số men gan còn cao hơn so với bình thường nên cần được theo dõi, điều trị thêm. Các trường hợp còn lại, sau khi điều trị các chỉ số sức khoẻ đã bình thường nên đã được xuất viện rải rác trong những ngày qua. Trong số những trường hợp bị ngộ độc có gần 30 bệnh nhân là trẻ nhỏ. Những bệnh nhân này đều đã được xuất viện.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Sơn La, ngày 15-4, một cháu bé 4 tuổi ở bản Suối Khoang xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn và được người nhà đưa đến BV Đa khoa huyện Mộc Châu điều trị bù nước, thải độc. Sau đó bệnh nhân đã được xuất viện.
Những ngày tiếp sau, 23/24 hộ dân sống tại bản Suối Khoang đều xuất hiện các triệu chứng: chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và có một số trường hợp bị tiêu chảy. 68 bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại BV Đa khoa Thảo Nguyên, 5 bệnh nhân điều trị tại BV đa khoa huyện Mộc Châu. Sau khi tiếp nhận, xác định những bệnh nhân này bị ngộ độc, các BV đã điều trị thải độc cho bệnh nhân. Cùng đó, các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đã về địa phương thăm khám, hỗ trợ cứu chữa nạn nhân.
Chất độc trong thuốc diệt cỏ có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người
Kết quả xét nghiệm phát hiện nhiều mẫu nước tại các hộ gia đình các bệnh nhân sử dụng có chất paraquat, một hoá chất cực độc có trong thuốc diệt cỏ.
Theo khảo sát của y tế địa phương, nguồn nước được người dân sử dụng gần khu vực canh tác trồng ngô, khoai, sắn, củ rong... có các bao bì, vỏ lọ thuốc diệt cỏ paraquat vương vãi. Người dân ở đây cho biết đây là thời điểm chuẩn bị đất trồng ngô, lúa nên nhiều người thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật. Rất có thể nguồn nước này bị ô nhiễm thuốc diệt cỏ do người dân sử dụng trong trồng trọt.
Sau khi xảy ra sự cố, người dân ở đây đã được khuyến cáo không tiếp tục sử dụng nguồn nước nhiễm độc, thay thế nguồn nước khác hoặc khử trùng nguồn nước sinh hoạt bằng CloraminB 0,25g để tránh những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mộc Châu đã hướng dẫn người dân sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp theo quy định.