Erin Meyer, tác giả cuốn "Cuture Map" (tạm dịch: "Bản đồ văn hóa"), kể lại kỷ niệm trong khi thực hiện chương trình đào tạo cho một cặp vợ chồng người Đức mới chuyển đến Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Hiroki - chuyên gia văn hóa Nhật Bản rất khôn khéo và hài hước. Người đàn ông Đức hỏi Hiroki rằng làm thế nào để các đồng nghiệp người Nhật chia sẻ nhiều hơn với ông: “Họ rất nghiêm túc, nề nếp và yên lặng. Tôi e mình sẽ không xây dựng được lòng tin cần thiết và không thể có được những thông tin cần thiết từ họ.”
Hiroki trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu rồi đáp lại bằng một giọng pha chút hài hước: “Cách tốt nhất là đi uống với họ”.
“Uống à?” – Người đàn ông Đức hỏi
“Ừ. Uống cho đến khi ông gục xuống thì thôi”.
“Uống cho đến khi gục” là cách dễ dàng nhất để chiếm được lòng tin trong kinh doanh tại Nhật Bản.
Khi Hiroki nói điều này, tôi nhớ đến lần đầu tiên đi tàu điện ngầm Tokyo. Tôi đã nhìn thấy một vài nhóm doanh nhân người Nhật gặp vấn đề gì đó tại ga tàu sau một buổi tối dài giao du cùng nhau. Bấy giờ, tôi nhận ra họ đang làm giống như lời khuyên của Hiroki, hoàn toàn đúng theo nghĩa đen.
Nếu bạn quan sát người Nhật trên khía cạnh lòng tin, bạn sẽ hiểu đó là một nền văn hóa dựa trên các mối quan hệ, mặc dù không “nặng” như Trung Quốc hay Ấn Độ. Vào ban ngày, người Nhật thường làm việc rất nghiêm túc, tuy nhiên, vào buổi tối, họ sẽ tận dụng việc xây dựng mối quan hệ trên bàn nhậu. Điều này rất quan trọng đối với việc thành, bại trong kinh doanh.
Trong văn hóa Nhật Bản, việc kết nối các thành viên trong nhóm, cởi mở và tránh xung đột là yếu tố trọng tâm. Uổng rượu chính là cách để họ cùng ngồi xuống, chia sẻ cảm xúc cũng như để nhận biết những xung đột tâm lý có thể xảy ra, cố gắng giải quyết trước khi nó trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Và dù trong bất kỳ trường hợp nào, họ cũng sẽ không bao giờ nhắc lại vào ngày hôm sau những vấn đề đã nói ở tối hôm trước. Uống rượu là một nghi thức tương đối quan trọng của người Nhật Bản, không chỉ với khách hàng mà còn với những thành viên cùng nhóm làm việc.
Nhiều người Nhật Bản dùng rượu để tạo mối quan hệ, trong biểu hiện của tiếng Nhật dường như cũng đề cập đến vấn đề này, bắt nguồn từ động từ “nomu” (nghĩa là “uống”).
Những thương nhân người Nhật thường lôi kéo khách hàng của mình đi uống rượu. Mặc dù, hiếm có thỏa thuận nào được ký kết trên bàn nhậu nhưng cũng hiếm khi có phi vụ nào thành công mà thiếu đi buổi nhậu.
Tất nhiên, xây dựng lòng tin bằng việc uống rượu không chỉ là phong tục riêng của Nhật. Trên toàn khu vực Đông Nam Á, cho dù bạn đang làm việc tại Trung Quốc, Thái Lan hay Hàn Quốc, uống rượu cùng khách hàng, đối tác là một bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng lòng tin.
Nhiều người có phong cách làm việc nghiêm túc không hiểu được điều này. “Tại sao tôi phải làm một thằng ngốc trước mặt những người mà tôi cần gây ấn tượng?” – họ tự hỏi. Đó chính là điểm cốt yếu.
Khi bạn uống cùng đối tác một ly rượu nghĩa là bạn để người đó thấy rằng bạn chẳng có gì để che giấu. Và lúc họ “uống đến khi gục ngã” cùng bạn, họ đang chứng tỏ rằng họ hoàn toàn không còn cảnh giác điều gì với bạn. “Đừng lo rằng bạn trông sẽ thật ngu ngốc” – Hiroki trấn an. “Bạn càng thành tâm muốn xóa bỏ rào cản tại những bữa nhậu buổi tối, họ càng tin tưởng bạn”.
Rượu không phải cách duy nhất để xây dựng mối quan hệ kinh doanh. Nếu bạn không uống, chắc hẳn bạn cũng sẽ tìm được cách khác để tạo dựng niềm tin.
Mỗi nền văn hóa có một nét đặc trưng riêng, như việc người ta sẽ thường uống trà thay vì bia rượu tại Ả Rập. Tuy nhiên, nếu bạn sống ở Nhật, hãy tập quen với việc đi nhậu, đi hát karaoke hay một buổi đi spa. Bởi vì điều đó sẽ giúp cho công việc của bạn thông suốt hơn rất nhiều.