Chia sẻ trên một diễn đàn của phụ huynh có con tuổi teen, chị Nga cho biết: "Hôm qua, mình phát hiện ví tiền của mình mất 1 tờ tiền 500 nghìn đồng. Sau khi rà soát lại các chi tiêu từ hôm rút tiền đến bây giờ, mình chưa sử dụng đến tiền. Mình bắt đầu hướng nghi ngờ về con gái nhưng vẫn cố trấn an chắc không phải bởi con chưa bao giờ lấy tiền của mẹ. Đi ngoài đường, mình thực sự run người. Mình vẫn hy vọng là mình đang nghĩ sai. Nhưng nếu không sai thì sao và mình phải làm gì? Về đến nhà, việc đầu tiên là mình lao vào phòng học của con, lục các ngăn kéo, hộp tiền mà con vẫn hay để mỗi khi ba mẹ cho tiền mua bánh hoặc tiền con được thưởng mỗi khi được 9,10 điểm nhưng vẫn không thấy....
Nhưng khi kéo khoá ba lô thì mình phát hiện 2 tờ 500 nghìn đồng. Mình thực sự sốc, giận sôi người, sau đó là hoang mang. Đây là lần đầu tiên mình gặp phải tình huống này nên không biết phải giải quyết như thế nào. Mình chụp hình lại định gửi cho chồng nhưng sau khi bình tĩnh mình quyết định không gửi. Sau đó, mình gọi con xuống và hỏi chuyện nhẹ nhàng. Lúc đầu, con chối rằng con không lấy tiền. Nhưng sau khi mình bắt con mở cặp sách ra thì con bắt đầu sợ. Con nói dối là bạn ở lớp cho. Mình bảo: Mai mẹ xin nghỉ làm đến trường gặp bạn con nhé! Mẹ muốn biết vì sao bạn con lại có nhiều tiền đến vậy? Nghe vậy, con cúi mặt xin lỗi mẹ. Con thú nhận con lấy tiền của mẹ và của ông nội. Con cũng nói do con muốn mua đồ dùng học tập và ăn uống".
"Mình đã giải thích cho con rằng hành động lấy tiền hoặc lấy đồ của người khác là hành động rất xấu. Vì thế, con không được tái phạm. Khi nào con cần gì, con có thể tâm sự với mẹ. Với những nhu cầu chính đáng, mẹ luôn ủng hộ con. Mình cũng nói với con chuyện lần này là bí mật giữa 2 mẹ con mình, và bắt con hứa không tái phạm", chị Thu Nga chia sẻ.
Nhiều cha mẹ giáo dục con cách tiêu tiền, quản lý tài chính. Ảnh minh hoạ
Trước chia sẻ của chị Thu Nga, nhiều phụ huynh cho biết cần phải giáo dục con cách tiêu tiền, quản lý tài chính. "Bây giờ, đa số các bạn đều được cho tiền tiêu vặt hàng tuần hay hàng tháng. Các bạn hay đi chơi cùng nhau, thường mua đồ ăn cho nhau ăn, rồi còn mua các đồ nhỏ nhỏ xinh xinh tặng nhau. Con nhà mình lớp 8 được bạn mua đồ cho nên con cũng muốn mua lại cho bạn. Mỗi tuần, mình cho con 200 nghìn tiền tiêu vặt để con mua đồ ăn nhanh, mua quà cho bạn (nếu con cần), tiền uống nước, bánh kẹo, tiền đi xe bus, đi grap bike....Tuần trước còn thừa bao nhiêu thì trừ vào tiền tuần sau. Tuần nào không còn thì mẹ vẫn cho 200 nghìn đồng. Mỗi lần con hết tiền thì sẽ hỏi mẹ để xin. Mình nghĩ nên cho con một ít tiền tiêu vặt, cho con tự quản lý chi tiêu, dùng trong hạn mức cho phép là được", chị Hải Oanh cho biết.
Đồng quan điểm với việc giáo dục con về tiền như chị Hải Oanh, chị Lan Phương cho biết: "Cho con tiền khác với việc chiều chuộng con. Người lớn có nhu cầu của người lớn, trẻ con có nhu cầu của trẻ con. Một đứa trẻ biết tiêu tiền thì tốt hơn là một đứa trẻ không biết tiêu tiền. Mà muốn biết tiêu tiền thì phải tập cho con. Cho bạn ấy biết bố mẹ kiếm tiền vất vả như thế nào, nhà mình phải chi phí ra sao trong 1 tháng (tiền sinh hoạt, tiền học hành, ăn uống…) chi tiêu như thế nào là hợp lý, cái gì nên mua và cái gì không nên mua. Rồi ứng xử tiền bạc với bạn bè như thế nào…
Con học cấp 1, mình không cho con tiền. Nhưng con học cấp 2, mình đã tập cho các con cách chi tiêu và được cầm tiền. Mình chấp nhận việc con ăn quà vặt ngoài cổng trường… Mặc dù không thích, nhưng mình vẫn rất tôn trọng và chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở con, cho con xem các clip về thực phẩm bẩn, ma túy trà trộn trong đồ bán ở cổng trường … Cũng may, 2 con nhà mình chưa bao giờ lấy trộm tiền của bố mẹ. Các bố mẹ nên có cái nhìn thoải mái hơn về vấn đề tiền nong với con cái. Các bố mẹ hãy nhớ lại lúc chúng mình bằng tuổi các con bây giờ, để rộng lượng hơn, thấu hiểu hơn để có thể sát cánh với con trong mọi vấn đề".