Tỷ phú Charlie Munger: Kiêm quá nhiều việc một lúc là một thứ bệnh, "một nghề cho chín" rồi hãy mơ giàu!

Như Nguyễn, Theo Phụ nữ Số 11:11 26/10/2023
Chia sẻ

Làm nhiều việc cùng lúc, trông thì có vẻ như có thể làm tăng hiệu quả nhưng thực tế không phải vậy. Việc dàn trải năng lượng của mình vào nhiều việc để rồi hời hợt và không tạo ra những suy nghĩ sâu sắc cũng tương đương với việc bộc lộ điểm yếu của mình trước mặt người khác, và cuối cùng bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Những lời những người thông thái nói ra thường có lý ở một khía cạnh nào đó. Charlie Munger chính là một trong những nhà thông thái như vậy. Kể từ năm 1987, Munger hầu như năm nào cũng phát biểu tại các cuộc họp cổ đông, thẳng thắn trả lời các câu hỏi của cổ đông. Những câu trả lời của ông luôn sắc bén, khôn ngoan và khơi gợi tư duy.

Về bí quyết thành công

Tập trung, có kỷ luật tự giác và tìm những người cùng chí hướng

Tại cuộc họp cổ đông của Daily Journal năm 2015, các cổ đông đã hỏi Munger những câu hỏi về cách để tập trung, bí quyết và thói quen thành công, phương pháp đọc sách, liệu có cách nào để sắp xếp các ghi chú hay không…

Charlie Munger: Tôi sinh ra đã có khả năng tập trung, khi muốn tập trung học hay làm điều gì đó, tôi có thể phong tỏa mọi thứ ở thế giới bên ngoài, thậm chí không cảm nhận được sự hiện diện của người khác.

Tôi có thể nói với bạn rằng trong số tất cả những người thông minh mà tôi từng gặp, không có ai là người không đọc nhiều. Con người ngày nay quen đọc trên máy tính, điện thoại, internet có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích, nhưng tôi nghĩ đọc sách giấy vẫn tốt hơn là nhìn vào màn hình máy tính, đọc sách giấy có thể giúp bạn học được nhiều kiến thức hơn.

Một số người có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc và cuối cùng họ có thể không đạt được kết quả gì. Làm nhiều việc cùng lúc, trông thì có vẻ như có thể làm tăng hiệu quả nhưng thực tế không phải vậy. Việc dàn trải năng lượng của mình vào nhiều việc để rồi hời hợt và không tạo ra những suy nghĩ sâu sắc cũng tương đương với việc bộc lộ điểm yếu của mình trước mặt người khác, và cuối cùng bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Kiêm nhiều việc cùng một lúc là một thói quen xấu, nhiều người rơi vào cái bẫy này mà không hề nhận ra.

Tập trung cao độ và toàn tâm toàn ý cho một việc, nếu không có khả năng này, tôi sẽ không bao giờ có thể thành công. Thành công của tôi không phụ thuộc vào IQ mà phụ thuộc vào sự tập trung.

Nếu tôi đạt được điều gì, đó chủ yếu là do tôi đặt câu hỏi đến cùng. Tôi giỏi làm một việc, suy nghĩ thấu đáo, suy nghĩ sâu sắc, tìm ra câu trả lời phù hợp rồi mới hành động.

Nhiều người tin rằng chạy bộ có thể giúp họ chiến thắng trong cuộc sống. Nếu bạn nghĩ chạy bộ có thể giúp bạn thành công, vậy thì hãy cứ chạy.

Tại đại hội cổ đông năm 2019, một cổ đông 20 tuổi đặt ra một câu hỏi như sau: "Thưa ngài, một người trẻ như tôi, làm sao để có được thành công như ngài?"

Tỷ phú Charlie Munger: Kiêm quá nhiều việc một lúc là một thứ bệnh, một nghề cho chín rồi hãy mơ giàu! - Ảnh 1.

Tỷ phú Charlie Munger

Charlie Munger: Rất khó để thay đổi thế hệ tiếp theo, và sự tầm thường là kết cục chung. Một số người có thể thành công, nhưng những người thành công cũng chỉ là thiểu số.

Làm thế nào để thành công? Kỷ luật tự giác, tuân thủ đạo đức, tìm kiếm những người cùng chí hướng và nắm bắt những cơ hội hiếm có, đây đều là những nguyên tắc rất đơn giản.

Câu hỏi của cổ đông: Ngài và ngài Buffett là tấm gương để thế hệ trẻ chúng ta học hỏi. Nếu muốn đi theo con đường của ngài, tôi phải làm sao?

Charlie Munger: Rất nhiều bạn trẻ tham vọng đã hỏi chúng tôi những câu hỏi tương tự. Tôi luôn nói với mọi người rằng tôi giàu lên từ từ.

Tôi thực hiện từng bước một, bắt đầu từng chút một. Tôi làm việc không mệt mỏi, kiên nhẫn tiết kiệm và âm thầm chịu đựng những khoảng thời gian khó khăn. Nếu bạn muốn biết cách làm giàu nhanh chóng, vậy thì bạn đang hỏi nhầm người rồi.

Các bạn còn trẻ và còn cả một chặng đường dài phía trước, vậy tại sao không thành công chậm hơn? Vừa hay dùng nó để giết thời gian. Bạn không thể chơi "đấu địa chủ" mỗi ngày mà phải không?

Mỗi ngày chúng tôi luôn tự hỏi mình làm sao để trở nên khôn ngoan hơn; mỗi ngày chúng tôi rèn cho mình khả năng đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn; mỗi ngày chúng tôi cố gắng để hoàn thành mọi công việc theo cách tốt hơn. Cứ như vậy, ngày này qua ngày, năm này qua năm khác, sau cùng, bạn sẽ trở nên xuất sắc.

Sự tiến bộ không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy được bằng mắt thường, sự tiến bộ luôn đến từ sự kiên trì và chăm chỉ mỗi ngày.

Các bạn trẻ, cần phải nhớ rằng khi có được thành tích nhỏ nào đó cũng phải giữ cho đầu óc tỉnh táo. Hiện tại, bạn có thể đang muốn theo đuổi những người phụ nữ xinh đẹp và cả những chiếc xe đẹp, nhưng khi bạn già đi, bạn có thể nhận ra rằng đó không phải là điều bạn mong muốn.

Thực tế, từng bước một và làm việc chăm chỉ trong thời gian dài là con đường dẫn đến thành công của tôi. Bạn sẽ có được những gì bạn xứng đáng có được. Để thành công, bạn phải xứng đáng với điều đó. Vậy thôi.

Tỷ phú Charlie Munger: Kiêm quá nhiều việc một lúc là một thứ bệnh, một nghề cho chín rồi hãy mơ giàu! - Ảnh 2.

Tôi nên trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực hay giỏi trong nhiều lĩnh vực?

Tại đại hội cổ đông năm 2017, một cổ đông trẻ 18 tuổi cho biết bản thân quan tâm đến kiến thức ở nhiều lĩnh vực và đặt câu hỏi: "Trong thời đại chú trọng chuyên môn hóa, liệu có lối thoát nào cho việc theo đuổi khối kiến thức rộng không?"

Charlie Munger: Đó là một câu hỏi hay. Tôi thích nghiên cứu kiến thức ở nhiều ngành khác nhau, nhưng đối với hầu hết mọi người, con đường này không phù hợp. Tôi có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau, một là vì tôi hứng thú với nó, và một là vì tôi giỏi tư duy liên ngành.

Tuy nhiên, đối với nhiều mọi người, cách đúng đắn là theo đuổi chuyên môn và kỹ năng mà bản thân cảm thấy phù hợp. Tuy việc có kiến thức chuyên môn là quan trọng nhưng có những hiểu biết sâu rộng cũng là điều không thể thiếu. Trên cơ sở kiến thức chuyên môn, sẽ hợp lý hơn nếu bạn dành 10% hoặc 20% thời gian để học kiến thức chính của các môn học khác nhau.

Tôi thường nói vui với mọi người rằng, nếu bạn chỉ có chuyên môn mà hoàn toàn không có kiến thức rộng, bạn sẽ giống như người chỉ có một chân đá, và khi phải đá vào mông người khác, bạn chắc chắn sẽ thua.

Một mặt bạn phải nắm rõ những kiến thức cơ bản của từng ngành để không bị bó hẹp trong lĩnh vực chuyên môn của mình, mặt khác bạn phải tập trung vào công việc chính của mình.

Một câu hỏi khác tới từ một người trẻ mới gia nhập xã hội về việc lựa chọn nghề nghiệp: "Tôi mới gia nhập xã hội và đang tìm kiếm một hướng đi nghề nghiệp phù hợp. Hiện tại tôi cảm thấy hơi bối rối. Nghề nghiệp phù hợp, tôi chủ yếu xem xét nó ở hai khía cạnh: một là công việc tôi có thể làm tốt nhất, hai là công việc nào tôi có thể đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Ngài có nghĩ tôi nghĩ như vậy là đúng không? Tôi nên chọn nghề nghiệp của mình như thế nào?"

Charlie Munger: Làm sao để một người biết mình phù hợp với công việc gì? Hãy để tôi chia sẻ với bạn từ góc độ kinh nghiệm của tôi. Trong cuộc sống, tôi khó có thể làm được điều gì mà mình không hứng thú. Làm sao một người có thể thành công nếu suốt ngày làm những việc mà mình không hứng thú? Mọi người cần làm những việc mà họ quan tâm. Chúng ta không thể kiềm chế được bản tính của mình, dù có ép buộc bản thân đến đâu, chúng ta cũng không thể làm những điều mình không thích.

Thứ hai, chúng ta phải phát huy tối đa lợi thế của mình và làm những gì mình giỏi. Bạn chỉ cao 1,5 mét, làm sao có thể đứng trên sân bóng rổ đông người? Vì vậy, khi lựa chọn nghề nghiệp, bạn nên kết hợp sở thích, lợi thế của mình và xem xét chúng một cách toàn diện.

Vừa rồi bạn có đề cập đến việc đóng góp cho xã hội, điều này có liên quan tới vấn đề đạo đức. Chúng ta tất nhiên đều cần phải có đạo đức. Tuy nhiên, đừng cho rằng tư tưởng của mình rất sâu sắc, còn thế giới ngoài kia là phàm tục, luôn cho rằng cả thế giới đều đang chống lại mình, và rằng bạn không hợp với thế giới.

Thần tượng của tôi là triết gia Do Thái Maimonides. Maimonides trước hết là một bác sĩ đã giúp đỡ thế giới, ông làm việc chăm chỉ từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, một số lượng lớn các tác phẩm triết học của ông đã được hoàn thành trong thời gian rảnh rỗi. Maimonides tin rằng mọi người nên sống một cuộc sống trọn vẹn nhất. Tôi đề nghị các bạn trẻ hãy làm những việc thiết thực hơn.

Người trẻ không nên có những ý tưởng lớn lao, chẳng hạn như suốt ngày suy nghĩ xem nên đi con đường này hay con đường kia. Những người trẻ nên làm một số điều thực tế và học hỏi từ Maimonides.

Tỷ phú Charlie Munger: Kiêm quá nhiều việc một lúc là một thứ bệnh, một nghề cho chín rồi hãy mơ giàu! - Ảnh 3.

Làm thế nào để sống hạnh phúc?

Năm 2021, các cổ đông xin lời khuyên của Munger về chủ đề cuộc sống hạnh phúc: "Ngài là một người khôn ngoan. Làm thế nào để có một cuộc sống hạnh phúc? Cần tuân theo những nguyên tắc nào để có một cuộc sống hạnh phúc?"

Charlie Munger: Không khó để có một cuộc sống hạnh phúc. Nếu bạn muốn hạnh phúc, trước tiên hãy hạ thấp kỳ vọng của mình xuống. Đây là điều bạn có thể tự kiểm soát được. Luôn có những kỳ vọng không thực tế sẽ dẫn đến một cuộc đời đau khổ. Tôi rất giỏi trong việc hạ thấp kỳ vọng của mình và tôi đang làm tốt nhờ điều đó.

Ngoài ra, khi gặp nghịch cảnh, bạn phải giỏi chịu đựng và làm việc chăm chỉ. Đổ lỗi cho người khác và không ngừng phàn nàn sẽ chỉ khiến mọi chuyện ngày càng đau khổ và khó khăn hơn mà thôi.

Cổ đông hỏi: "Có người cho rằng hôn nhân không phải là khoản đầu tư đáng giá. Ông nghĩ thế nào về giá trị của hôn nhân?"

Charlie Munger: Mỗi người đều có một cách sống riêng. Đối với hầu hết mọi người, hôn nhân là lựa chọn tốt nhất. Thống kê cho thấy những người đã kết hôn thường sống lâu hơn. Khi hạnh phúc được đo bằng những biểu hiện bên ngoài như nụ cười thì những người đã lập gia đình sẽ hạnh phúc hơn. Cuộc sống vốn đã đủ khó khăn và hầu hết mọi người đều tốt hơn nếu kết hôn. Chúng ta nên trân trọng giá trị của hôn nhân.

Tôi ngưỡng mộ quan điểm về gia đình trong văn hóa châu Á. Nho giáo đặt gia đình vào một vị trí rất quan trọng và tôi nghĩ điều này rất hợp lý. Nếu chúng ta đánh mất khái niệm về gia đình, nền văn minh của chúng ta sẽ mất đi nền tảng.

Cổ đông hỏi: "Điều mãn nguyện nhất mà ngài đã làm được trong đời là gì?"

Charlie Munger: Tôi coi trọng gia đình hơn sự giàu có và địa vị. Nhưng tôi cũng ghét cái nghèo. Tôi đã làm việc chăm chỉ để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại.

Larry Page và Sergey Brin của Google tuyệt vời đến mức tôi không dám so sánh với họ. Nhiều bạn trẻ hiện nay đang khao khát làm giàu. Việc vội vã kiếm tiền có thể sẽ phản tác dụng. Tôi nghĩ tốt hơn là nên giàu lên từ từ.

Trở nên giàu có là một quá trình thú vị. Hãy trở nên giàu có từ từ, và có như vậy, bạn mới có thể cảm nhận được hương vị tuyệt vời của quá trình đó.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày