Câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì" của ông vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ mở ra những góc nhìn đa chiều về việc kiếm tiền và sử dụng tiền trong cuộc đời mỗi con người. Và rồi những người đang tham gia tranh luận câu chuyện của "nhà người ta" ấy bỗng dừng lại một nhịp để tự hỏi mình đã vất vả ra sao để kiếm được nhiều tiền.
Cuộc trò chuyện lúc nửa đêm với tiền vệ Phạm Đức Huy về chuyện kiếm tiền của cầu thủ Việt trở nên cởi mở hơn khi anh chàng nhìn lại quãng thời gian đã qua và nhớ thương các người bạn đồng trang lứa. Cầu thủ cũng như những nghề khác, kiếm tiền đâu có dễ dàng.
"Cầu thủ xa nhà theo nghề từ năm 11 tuổi. Tuổi ấy, lũ trẻ còn ở trần đứng bên giếng nước để bố mẹ dội từng gàu ào ào từ đầu xuống chân tắm rửa cho thì chúng tôi đã tự biết giặt quần áo. Xa nhà, đâu có mẹ ở bên miệng rầy la con nghịch bẩn mà tay vẫn vò từng chiếc áo, chiếc quần phơi phóng thơm tho cho. Từ nhỏ mình đã nếm trải cái gọi là dầm mưa dãi nắng. Hè nắng gắt, mưa to vẫn phải ra sân, đông lạnh cóng cũng phải quần đùi áo cộc chạy", Đức Huy tâm sự.
Vì đam mê trái bóng tròn mà cố gắng từng ngày, từng tháng, từng năm để rèn luyện và được trao cơ hội thể hiện. Tuy nhiên, vẫn có những người dù đã cố gắng hết mình, yêu sân cỏ cháy bỏng nhưng lại bị thần may mắn quay lưng.
"Cùng lứa mình có nhiều cầu thủ tiềm năng, tiềm năng hơn các cầu thủ nổi tiếng bây giờ. Nhưng họ đen hơn, gặp phải chấn thương. Chấn thương phải ngồi ngoài, không đá nữa thì không ai nhớ mình là ai. Rồi tiền để chữa trị cũng có ít đâu. Chấn thương nặng có khi nghỉ nghiệp luôn. Từ nhỏ đã chạy theo trái bóng, nó là cái nghề rồi, giờ không làm được nữa, trở về biết làm gì. Nhiều cầu thủ chưa thành danh, vì chấn thương bỏ ngỏ, rẽ ngang đi làm thuê", tiền vệ sinh năm 1995 ngậm ngùi.
Đức Huy trong trận tranh siêu Cúp Quốc gia 2019 với CLB Bình Dương. Ảnh: Tiến Tuấn.
Không phải kể khổ, những bộc bạch của Huy "Hoàng tử" đơn thuần chỉ là trải nghiệm của một người trong nghề. Nhiều khi không phải đồng nghiệp, người ta khó thông cảm và thấu hiểu cho nhau. Phía sau những hào quang là câu chuyện của cạnh tranh và cám dỗ, đôi khi là gánh nặng áo cơm. Lứa cầu thủ quốc dân hiện tại được yêu mến khắp cả nước cũng phải trải qua nhiều cay đắng để đến được thành công chứ không có ai đem bàn thắng, giải thưởng đặt vào tay họ cả.
Mỗi năm các lò đào tạo cầu thủ tuyển sinh đến hàng trăm gương mặt tài năng bóng đá trẻ nhưng những khó khăn, thách thức khiến kẻ ở lại, người ra đi. Lương cầu thủ trẻ lúc chưa lên đội 1 chỉ là số tiền trợ cấp ít ỏi. Rồi để ở lại, họ phải cạnh tranh với chính bạn bè của mình. Thêm vào đó là những cám dỗ với những chàng trai mới lớn sống xa gia đình.
Cả một lứa tài năng trẻ thi đấu cùng Đức Huy ở đội U11 Hải Dương hiện tại đã không còn ai trụ lại với bóng đá chuyên nghiệp. Các cầu thủ rơi rụng dần dần, nhiều nhất là năm 16, 17 tuổi. Ở cái độ tuổi ăn chơi, xa bố mẹ, không có người quản thúc đòi hỏi các chàng trai sự chín chắn về suy nghĩ và hết mình với cái nghiệp bóng đá. Có những người bắt đầu chán bóng đá, ham vui, ham chơi nên sớm giã từ sân cỏ.
"Giờ nhìn lại thằng vào tù ra tội, thằng đi dạy học, thằng đi làm thuê, thằng kinh doanh… Họ làm đủ mọi nghề, chỉ không phải nghề cầu thủ nữa", cầu thủ người Hải Dương đượm buồn kể.
Nhìn lại quãng thời gian đã qua ấy, Đức Huy khẳng định thành công hay thất bại, tất cả phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người: "Suy nghĩ của mình có đủ trưởng thành không? Mình có nghiêm túc với nghề hay không? Ngoài bản thân ra thì làm gì cũng nên nghĩ cho bố mẹ nữa".
Đức Huy đầy lạc quan và tin tưởng vào sự nghiệp mà mình theo đuổi. Ảnh: Phạm Huyền.
Dẫu vậy, nói về nghề của mình chọn gắn bó cả đời, chàng tiền vệ "bánh gấu" vẫn đầy lạc quan và hi vọng. Anh chàng khẳng định bóng đá mang lại cho mình rất nhiều thứ. Vậy nên, dù có phải vất vả, gặp chấn thương, hay những cú va chạm đau đớn đến choáng váng, mất trí tạm thời, anh đều chấp nhận và chịu đựng.
"Bù lại, những lúc đi thi đấu được phục vụ, chăm chút, mình hưởng chứ ai vào đây. Người bình thường có mấy ai được đi nước ngoài, ở khách sạn năm sao, được hàng triệu người cổ vũ, ủng hộ phía sau. Rồi như năm vừa qua, được hàng triệu người dân cờ đỏ sao vàng đón trở về. Những kỷ niệm đẹp đẽ ấy, nếu không trải qua khó khăn làm sao có được".
Nghề cầu thủ hay bất kì công việc gì cũng cần đến yếu tố may mắn, tuy nhiên, yếu tố quyết định sự thành công là sự hết mình và tình yêu với nghề. Đó là thông điệp mà Phạm Đức Huy muốn gửi tới các bạn trẻ thông qua câu chuyện về nghề, về việc kiếm tiền của cầu thủ Việt.