Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Thí sinh, phụ huynh cân nhắc kỹ việc chọn trường

Nguyễn Dũng, Theo Tiền Phong 08:04 13/06/2019
Chia sẻ

Ngày 14/6 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm thi tuyển vào lớp 10, xét duyệt điểm chuẩn của các trường. Nhiều trường lưu ý, phụ huynh, thí sinh nghiên cứu kỹ điểm chuẩn cũng như điều kiện tuyển sinh, chính sách học phí của các trường để tránh chuyện nộp rồi lại rút hồ sơ.

Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Thí sinh, phụ huynh cân nhắc kỹ việc chọn trường  - Ảnh 1.

Các trường ngoài công lập kêu bị đẩy thế khó trong tuyển sinh

Trường tư rơi vào thế bị động

Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 cho biết, tuyển sinh lớp 10 năm nay trường vẫn tuyển theo điểm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Tuy nhiên, cách tính điểm của trường sẽ khác ở chỗ, thí sinh đăng ký vào ban nào thì điểm môn chính sẽ có hệ số nhân lớn hơn.

Ví dụ, thí sinh đăng ký ban A thì điểm Toán nhân hệ số 4, Ngữ văn nhân 3 và Tiếng Anh nhân hệ số 2 sau đó cộng Lịch sử. Ngược lại, con đăng ký lớp Anh, thì thí sinh đăng ký môn Tiếng Anh sẽ nhân 4, Toán nhân 3 và Ngữ văn nhân 2. Theo bà Na, việc đăng ký theo ban sẽ có lợi hơn cho thí sinh. Hai cơ sở tuyển 585 học sinh trong tổng số hơn 3.000 hồ sơ đăng ký vào trường.

Vì thế, bà Na khuyến cáo, phụ huynh, thí sinh phải cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nộp hồ sơ vào trường. Vì nếu cứ nộp vào sau đó thấy có khả năng đỗ vào trường khác lại rút hồ sơ, gây khó khăn cho việc tuyển sinh của các trường. Bà Na ví dụ, sau khi có điểm tuyển sinh, trường lấy điểm chuẩn là 53. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần, có mấy chục em rút hồ sơ đi sang trường khác. Trong thời gian đó, những em ở mức điểm tiệm cận điểm chuẩn của trường như 52 hay 52,5 cũng đã nộp nguyện vọng vào các trường khác. Để “điền vào chỗ trống”, trường buộc phải hạ điểm chuẩn để tuyển đủ thí sinh nhưng hạ mức 52,5 thí sinh không rút được hồ sơ nữa mà hạ thấp thì trường không muốn vì làm ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh.

Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh cũng chia sẻ, năm nay trường tuyển gần 300 chỉ tiêu, đến thời điểm này đã có hơn 500 hồ sơ đăng ký. Năm nay, ông ủng hộ quy định tuyển sinh 2 đợt cũng như duyệt điểm chuẩn các trường ngay sau khi có điểm để thí sinh định vị mình đang ở đâu. Vì điều này, thay vì thí sinh phải dự đoán, nay đã có căn cứ để xác định đỗ, trượt trường nào. Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho rằng, dù có quy định thành 2 đợt tuyển sinh, các trường công lập và 1 số trường dân lập có tiếng vẫn dồi dào nguồn tuyển còn các trường khác vẫn rơi vào cảnh “ngồi chờ thí sinh”.

Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập cũng cho rằng, quy định tuyển sinh làm 2 đợt như năm nay khá “dễ thở” so với 1 đợt như năm trước, tuy nhiên vẫn đẩy thế khó cho các trường ngoài công lập. Cụ thể, Sở quy định thời gian tuyển sinh của các trường rất rõ ràng. Sau khi có điểm chuẩn, các trường được phép nhận hồ sơ trong vòng 3 ngày.

Sau đó, hệ thống sẽ khóa để sở rà soát. Sau 1 tuần, thí sinh lại được quyền rút hồ sơ đi trường khác, buộc trường phải “nhả” hồ sơ ra cho thí sinh chuyển đi. Khi này, trường mất thế chủ động nhưng không thể làm gì được dù việc thí sinh rút đi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giờ dạy, kinh phí thuê cơ sở vật chất. “Năm 2018, có trường thí sinh rút đến gần 90 em. Việc rút hồ sơ như vậy sẽ khiến trường lao đao”, hiệu trưởng này nói.

Lãnh đạo nhiều trường THPT ngoài công lập cũng đồng quan điểm khi cho rằng, để tuyển sinh, năm nay các trường được phép chủ động tuyển theo phương án xét hồ sơ. Tuy nhiên, số thí sinh này không nhiều, phần lớn chỉ tiêu vẫn phải chờ kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Việc lựa chọn trường của thí sinh, phụ huynh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điểm chuẩn, địa điểm trường…Vì thế, trong khi các trường công lập thừa nguồn tuyển thì các trường ngoài công lập vẫn rơi vào thế bị động.

Nhiều quy định mới

Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng việc thi tuyển vào lớp 10 bằng 4 môn thay thế cho phương án xét tuyển học bạ và thi tuyển 2 môn như những năm trước. Sở GD&ĐT vẫn quy định, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 7 nguyện vọng, trong đó có 2 nguyện vọng vào các trường công lập, các nguyện vọng còn lại là trường chuyên, trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Tuy nhiên, như mọi năm, trừ một số trường ngoài công lập có tiếng và trường chuyên, thì khi có đủ điểm tuyển sinh vào các trường công lập, thí sinh sẽ ưu tiên lựa chọn đăng ký học trường công. Do đó, những năm trước, xảy ra chuyện, có trường học sinh đã đăng ký vào trường tư, trường sẽ không trả lại phí giữ chỗ để “giữ chân” học sinh. Cũng có trường học sinh rút hồ sơ quá nhiều dẫn đến “vỡ trận” tuyển sinh mà không thể có phương án nào dự phòng vì việc chọn trường là quyền của thí sinh.

Hà Nội cũng quy định rõ về thời gian tuyển sinh cho tất cả các trường. Năm 2018 về trước, thời gian tuyển sinh được ấn định trong vòng 3 ngày, trừ một số trường THPT công lập tuyển chưa đủ sẽ được phép điều chỉnh điểm chuẩn để tuyển bổ sung. Năm nay, Sở quy định các trường có 2 giai đoạn tuyển sinh, đợt 1 kéo dài 3 ngày từ 20 đến 22/6.

Trong 3 ngày này, học sinh xác nhận nhập học vào hệ thống phần mềm tuyển sinh của các trường. Thời điểm này, học sinh chưa cần phải nộp hồ sơ nhưng việc xác nhận nhập học là điều bắt buộc. Nếu thí sinh không đăng ký nhập học sau đó sẽ không được nộp hồ sơ trực tiếp. Kết thúc 3 ngày, Sở sẽ khóa hệ thống phần mềm này để thống kê, rà soát số lượng học sinh thừa thiếu so với chỉ tiêu.

Sau đó, từ ngày 1-15/7, các trường được phép tuyển bổ sung và nộp hồ sơ nhập học trực tiếp cho các học sinh đã đăng ký ở đợt 1. Các trường công lập còn thiếu chỉ tiêu, giai đoạn này Sở cũng sẽ xem xét để điều chỉnh điểm chuẩn tuyển bổ sung.

TPHCM: Một nửa thí sinh có điểm Toán và Anh dưới trung bình

Chiều qua 12/6, theo số liệu từ phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT TPHCM, trong ba môn thi vào lớp 10 thì môn Văn có số lượng bài thi dưới 5 điểm chiếm tỷ lệ thấp nhất, hai môn còn lại là Toán và Tiếng Anh có tỷ lệ bài thi dưới điểm 5 chiếm hơn 50%.

Cụ thể, đối với các môn thường, môn Văn tổng số bài chấm 79.594 bài, điểm dưới 5 chiếm tỷ lệ 5,31 %, điểm lớn hơn 5 là 94,6%, điểm từ 8 trở lên là 10,9 %.

Đối với môn Toán, tổng số bài chấm 79.572 bài, điểm nhỏ hơn 5 chiếm 49,62%, điểm lớn hơn 5 chiếm 50,38%, điểm từ 8 trở lên chiếm 7,67%. Môn tiếng Anh tổng số bài chấm là 79.234 bài, điểm dưới 5 chiếm 58,4%, điểm bài chấm trên 5 là 41,6% và điểm bài lớn hơn 8 là 9,7 %.

Sở GD&ĐT TPHCM dự kiến ngày 13/6 sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, ngày 10/7 công bố điểm chuẩn vào lớp 10 thường.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày