Disney có những nàng công chúa, Ghibli có những nữ anh hùng. Đó là "những nhân vật nữ chính mạnh mẽ - những cô gái dũng cảm, độc lập, không ngần ngại đấu tranh cho những gì họ tin tưởng bằng cả trái tim. Họ có thể cần một người bạn, hoặc một người ủng hộ, nhưng không bao giờ cần một cứu tinh. Người phụ nữ nào cũng có khả năng trở thành anh hùng ngang với bất cứ người đàn ông nào" - Theo lời chia sẻ của ông Hayao Miyazaki, một trong những người sáng lập Ghibli.
Luôn trung thành với tư tưởng đó, Ghibli đã sản xuất ra những bộ phim xuất sắc mà nhân vật chính là những người phụ nữ có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ. Bất kể độ tuổi nào, bất kể giới tính nào, bạn cũng nên xem Ghibli. Tôi tin đó là những bộ phim khắc họa hình ảnh người phụ nữ tuyệt vời nhất, không hề bị cực đoan hay tỏ ra "thượng đẳng" với đàn ông. Phải biết rằng, gần 30 năm sau khi Ghibli lặng lẽ làm phim về một nàng công chúa anh hùng (Nausicaä of the Valley of the Wind, 1984), Disney mới bắt đầu ba hoa về nữ quyền với Brave (2012).
Bài viết này sẽ chứng minh điều đó, với 5 đặc điểm nổi bật mà chúng ta tìm thấy ở các nhân vật nữ trong phim Ghibli, hầu hết là các tác phẩm của hai đạo diễn trụ cột Hayao Miyazaki và Isao Takahata.
Điểm đầu tiên mà bạn nhận thấy ở các nhân vật nữ của Ghibli là họ đều có ít nhất một nét gì đó… bất thường. Họ thường được đặt trong một bối cảnh xã hội trái ngược con người họ, như Kaguya (The Tale of the Princess Kaguya) sống nơi trần gian nhưng thật ra là người trên cung trăng, San (Princess Mononoke) nhận mình là sói và luôn có thái độ thù địch đối với loài người, Chihiro (Spirited Away) là người nhưng lại lạc vào thế giới linh hồn,... hay đời thường hơn, Taeko (Only Yesterday) bị nghi ngờ là trẻ thiểu năng vì không thể thực hiện được một phép toán đơn giản mà người bình thường nào cũng có thể làm ngon lành. Sự chệch ra khỏi mong đợi của xã hội là nét rất đặc biệt của các cô gái Ghibli, nhất là khi so sánh với các nàng công chúa Disney "thắt đáy lưng ong", nhan sắc nhân cách có mười phân thì... vẹn cả mười.
Chú ý hơn, ta sẽ nhận thấy những nhân vật nữ chính của Ghibli thường có khả năng bay lượn (Chihiro với rồng, Kiki với chổi, Naucisaa với chiếc tàu lượn,...) và thường gắn liền với những hình ảnh biểu tượng cho sự tự do như ngọn gió, bầu trời, trăng sao,... Có thể đôi khi là ngẫu nhiên, nhưng trong một số trường hợp, ý nghĩa ẩn dụ của nó rất mạnh mẽ. Nó là biểu tượng cho sự khao khát giải thoát khỏi những kìm kẹp của xã hội. Ví dụ rõ ràng nhất là nhân vật Kaguya khi cô cầu cứu những người sống trên cung trăng đưa cô bay đi, một ẩn dụ về cái chết để từ chối số phận đã được định sẵn bởi những người đàn ông xung quanh.
Không chỉ nhân vật chính, mà đến cả nhân vật quần chúng trong phim đôi khi cũng được trao cho một thái độ thách thức định kiến xã hội, được thể hiện tinh tế và đầy ẩn ý qua các câu thoại tưởng như "vô thưởng vô phạt". Ví dụ, hãy thử để ý đến một câu nói của những người phụ nữ trong lò rèn của Bà Eboshi (Princess Mononoke) khi được hỏi về tình hình cuộc sống của mình sau khi được Bà Eboshi giải cứu khỏi cuộc sống nơi nhà thổ và đưa về làm việc: "Đúng là vất vả thật, nhưng vẫn đỡ hơn trong thành phố. Chúng tôi được ăn no và đàn ông thì biết mình đứng ở đâu". Hay trong cuộc đối thoại của họ với sứ giả của tên bạo chúa Asano, khi họ từ chối đón tiếp và bị gọi là "lũ đàn bà láo xược": "Blè! Chúng tôi đã láo xược từ khi sinh ra rồi!".
Những người phụ nữ của Ghibli đã sớm "biết cãi" xã hội như thế đó!
Quả đúng là như vậy. Bên cạnh các nhân vật nữ chính trong phim Ghibli thường có một nhân vật nam, tuy nhiên họ chỉ đóng vai trò là người bạn đồng hành. Giữa nam và nữ luôn có một sự bình đẳng rõ rệt, với sự tương đương về sức mạnh. Họ bảo vệ lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau, và cuối cùng có ở bên nhau hay không thì... còn tùy. Điều này trái ngược với phim Disney thời kỳ trước, kết thúc phim lúc nào cũng phải có một cái đám cưới rình rang với sự chúc phúc của quan viên hai họ. Chúng ta thường gọi đó là "happy ending".
Thế nhưng, "happy ending" của các cô gái nhà Ghibli lại rất khác. Họ có một con đường độc lập của riêng họ, và cái đích đến của con đường ấy, cái "happy ending" ấy thường là một thành tựu nào đó mang ý nghĩa cao cả, ví dụ như Naucisaa (Nausicaä of the Valley of the Wind) bảo vệ được người dân, San (Princess Mononoke) bảo vệ được khu rừng.
Họ có một người nam đồng hành suốt quãng đường, nhưng con đường của họ với người này thường được thể hiện độc lập khi kết thúc hành trình: Trong trường hợp của Naucisaa với Asbel thì cô bay ở trên với chiếc tàu lượn của mình, còn Asbel thì cưỡi chim chạy ở dưới. Đối với San và Ashikata thì San quay về rừng, Ashikata ở lại Thị trấn Sắt và họ hứa hẹn rằng sẽ đến thăm nhau. Các cô gái Ghibli không cần "chức danh" vợ hay bạn gái của một anh hùng. Bởi họ chính là anh hùng.
Xem những bộ phim (đặc biệt là phim Hollywood) gần đây, chúng ta thường gặp những người phụ nữ mạnh mẽ sẵn sàng "đấm văng mạng" bất cứ kẻ nào dám động đến cô ta. Sức mạnh thể chất của người nữ được phóng đại, thậm chí phi thường hóa để đối lập với hình ảnh "bánh bèo" chỉ biết khóc lóc dặt dẹo thời kỳ trước. Tuy nhiên, về ý nghĩa thì hai việc này như nhau - Một cái khoác cho người phụ nữ một cái áo quá rộng, còn một cái lại khoác cho người phụ nữ một chiếc áo quá chật. Ghibli khoác cho họ một cái áo vừa.
Các nhân vật nữ của Ghibli có thể chất khá bình thường. Sự mạnh mẽ của họ đến từ khả năng đương đầu với nghịch cảnh, họ trở thành chỗ dựa cho chính mình và trong nhiều trường hợp còn là chỗ dựa cho nhân vật nam. Ví dụ điển hình là Sophie (Howl's Moving Castle) - Thường xuyên trong tình trạng rơm rớm hoặc òa khóc; thế nhưng luôn ngay lập tức lau đi nước mắt để tìm cách cứu Howl, một anh chàng tuy có sức mạnh thể chất nhưng lại yếu mềm về tinh thần.
Đó là sự tôn trọng thực tế đáng quý của Ghibli. Cả về mặt thể chất và tình cảm, phụ nữ đúng là đều yếu hơn nam giới; nhưng về mặt ý chí thì chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào" đâu.
Dễ thấy nhất là ở vị trí lãnh đạo. Trong phim Ghibli có rất nhiều nữ lãnh đạo. Đó có thể là người đứng đầu đất nước hay quân đội (Nausicaa, Kushina trong Nausicaä of the Valley of the Wind), người quản lý một khu vực sinh sống (San, Bà Eboshi trong Princess Mononoke), người chủ một cơ sở kinh doanh (Yubaba trong Spirited Away, Sophie trong Howl’s Moving Castle), hay thậm chí là người cầm đầu một băng cướp toàn đàn ông (Dola trong Laputa: Castle in the Sky).
Thế nhưng Ghibli cũng không thiếu chỗ cho những người bình thường, ví dụ như nhân vật người mẹ Lisa (Ponyo) đúng hình mẫu giỏi việc nước - đảm việc nhà, đua xe với cơn bão như anh Vin Diesel trong Fast and Furious để đưa bé Sousuke về nhà an toàn, sau đó lại còn quay lại viện dưỡng lão nơi cô làm việc để tiếp tế cho họ.
Và Ghibli cũng dành chỗ cho người phụ nữ xuất thân tầm thường, bị giới đàn ông phỉ nhổ là "bẩn thỉu", như những cô kỹ nữ trong lò rèn (Princess Mononoke) - Làm việc đến 4 ngày không ngơi nghỉ mà vẫn vui vẻ ca hát, để rồi đến khi có kẻ xâm phạm thì vẫn không mệt mỏi mà cầm súng lên chiến đấu.
Khi phân tích phim Ghibli, nhiều ý kiến cho rằng các nhân vật nữ của họ không được thể hiện là thông minh cho lắm. Tuy nhiên, với tôi, "thông minh" là một từ rất cảm tính. Có phải cứ ngồi ghế xoay gõ phím nhoay nhoáy hay khoác áo trắng tinh đi đi lại lại trong phòng thí nghiệm mới được tính là thông minh? Xuất sắc cỡ vậy chắc chỉ có Naucisaa với chiếc phòng thí nghiệm thực vật của mình.
Các nhân vật còn lại đúng là thông minh hay không thì không rõ; nhưng có một điều chắc chắn là: Họ biết tự suy nghĩ và không dựa dẫm ai về mặt đầu óc. Họ luôn đưa ra quyết định của riêng mình, dù có bị tất cả người xung quanh phản đối. Đơn cử như Sophie (Howl's Moving Castle) quyết định phá hủy tòa lâu đài vì theo đánh giá của cô, đó là cách duy nhất để giữ cho Howl sống sót qua trận chiến. Họ cũng tháo vát và biết cách xoay sở khôn khéo trong những tình huống bất lợi, điều bạn có thể dễ dàng nhận thấy khi theo dõi hành trình của cô phù thủy nhỏ Kiki (Kiki's Delivery Service). Đó đều là những biểu hiện của sự khôn ngoan, một cách rất đời thường.
Trường hợp đặc biệt nhất là Taeko (Only Yesterday) - người bị nghi ngờ là thiểu năng trí tuệ vì không thể làm được một phép toán "dễ ẹc" là phép chia phân số. Ví dụ, lấy 2/3 chia cho 1/4, thì ta chỉ cần lật lại thành 2/3 nhân với 4/1 rồi nhân tử với tử, mẫu với mẫu; ra kết quả 8/3 là xong. Thế nhưng Taeko khăng khăng 2/3 chia 1/4 cũng bằng 2/3 nhân 1/4, vì "Lấy 2/3 chia cho 1/4 tức là lấy 2/3 quả táo chia cho 4 người, như vậy mỗi người có 1/6 quả táo". Nghe lý giải này của cô bé, không ai phản bác lại được; bởi vậy Taeko mãi mãi không làm được phép chia phân số, ngay cả sau này khi lớn lên. Điều này thể hiện rất rõ khả năng suy nghĩ độc lập của cô. Dù có bị điểm kém, cô cũng nhất quyết không làm theo điều mà mọi người mặc định đúng, vì cô không có được câu trả lời tại sao nó đúng.
"Đúng là đồ đàn bà!" - Đã bao lần chúng ta nghe thấy câu nói này khi người ta muốn miệt thị một người nhạy cảm và sống thiên về cảm xúc. Dễ dàng thấy được những đặc điểm tích cực ở trên (mạnh mẽ, độc lập, biết suy nghĩ) thường được gắn cho nam giới; còn về nữ giới, định kiến xã hội dạy ta rằng: Họ ủy mị, thường hành động theo cảm tính và do đó, không vững vàng, dễ đưa ra các quyết định sai lầm.
Ghibli chứng minh điều ngược lại.
Ghibli tôn vinh sự nhạy cảm vốn được cho là thuộc tính nữ truyền thống. Sự thấu hiểu với nỗi khổ của dân chúng cũng như những con bọ khổng lồ đang điên cuồng tấn công con người đã giúp Naucisaa (Nausicaä of the Valley of the Wind) cứu được cả nhân loại đang trên bờ vực diệt vong bởi hận thù. Sự bao dung và gần gũi của Bà Eboshi (Princess Mononoke) với những cô gái điếm và người mắc bệnh phong đã giúp bà có một đội quân trung thành tuyệt đối, luôn sẵn sàng hi sinh để bảo vệ bà. Đó không phải là một "chiến lược lãnh đạo", mà nó đến từ bản năng, được thể hiện rất rõ qua câu nói của một người bệnh phong với Hoàng tử Ashikata:
"Anh không được trút hận lên Bà Eboshi. Bà ấy là người duy nhất coi chúng tôi là con người. Chúng tôi là những tên hủi. Thế giới căm ghét và sợ hãi chúng tôi, nhưng bà ấy, bà ấy đã tiếp nhận chúng tôi, rửa ráy những phần da thịt thối rữa của chúng tôi, và băng bó cho chúng tôi".
Cuối cùng thì, xem xong các phim của Ghibli, bạn sẽ hiểu rằng phụ nữ sinh ra không phải để được đàn ông cứu vớt, hay cứu vớt đàn ông. Phụ nữ là những người bạn đồng hành của đàn ông trong cuộc sống này. Đó là những người bà, người mẹ, người chị, người em, người yêu, người bạn,... của bạn. Họ tồn tại bình đẳng với bạn và bù trừ cho bạn. Nữ quyền, bản chất cũng chỉ bình dị vậy thôi.