Tưởng chỉ là khoảnh khắc đẹp giữa thiên nhiên, ai ngờ bức ảnh này lại ẩn chứa thực tại đáng buồn

Phong Lam, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 14:21 10/04/2025
Chia sẻ

Bức ảnh gấu trắng trong ngôi nhà bỏ hoang trên đảo Nga hé lộ những gì?

Vào tháng 9 năm 2021, nhiếp ảnh gia động vật hoang dã người Nga Dmitry Kokh cùng nhóm của mình đang trong hành trình khám phá bán đảo Chukotka - một vùng đất hoang sơ và hẻo lánh ở vùng viễn đông bắc của Nga. Mục tiêu của họ là đến đảo Wrangel - nơi nổi tiếng là điểm tụ họp của những con gấu trắng. Tuy nhiên, thời tiết bất ngờ chuyển xấu.

“Chúng tôi gặp một cơn bão lớn, gió và sóng rất mạnh. Vì tàu khá nhỏ nên cả nhóm phải tìm nơi trú ẩn để tránh bão,” Kokh kể lại. Họ dạt vào gần bờ đá của đảo Kolyuchin - một hòn đảo nhỏ không có người sinh sống, nơi từng có một trạm khí tượng từ thời Liên Xô, nay đã bị bỏ hoang. Và tại đây, họ đã phát hiện ra điều ngoài mong đợi.

“Chúng tôi thấy có chuyển động trên đảo, liền lấy ống nhòm ra quan sát và phát hiện rất nhiều con gấu trắng đang lang thang quanh đó, có lẽ khoảng 15 đến 20 con. Cả nhóm cực kỳ bất ngờ vì không ai nghĩ sẽ bắt gặp gấu trắng ở tận phương nam như vậy. Vào thời điểm này trong năm, lẽ ra chúng phải đang ở trên băng biển hoặc trên đảo Wrangel rồi”, Kokh nói.

Trạm khí tượng trên đảo Kolyuchin đã bị bỏ hoang từ đầu những năm 1990. Vì quá nguy hiểm nên họ không thể lên đảo để chụp ảnh. Thay vào đó, Kokh điều khiển một chiếc drone, từ từ đưa nó tiếp cận để đàn gấu làm quen. Khi đang quan sát, anh bất ngờ nhận ra một chi tiết đặc biệt: có những con gấu đang ở bên trong các ngôi nhà bỏ hoang.

Tưởng chỉ là khoảnh khắc đẹp giữa thiên nhiên, ai ngờ bức ảnh này lại ẩn chứa thực tại đáng buồn- Ảnh 1.

Dmitry Kokh đã ghi lại khoảnh khắc những con gấu trắng thò đầu nhìn ra từ cửa sổ của trạm khí tượng bỏ hoang trên đảo Kolyuchin, Nga

Bức ảnh có tên House of Bears (Ngôi nhà của gấu) đã mang về cho Kokh giải thưởng danh giá Wildlife Photographer of the Year (Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã của năm), do Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London trao tặng. “Đó là bức ảnh đẹp nhất tôi từng chụp, và tôi nghĩ mình sẽ không thể lặp lại được lần nào nữa”, anh nói.

Gấu trắng và cuộc khủng hoảng sinh tồn giữa lòng biến đổi khí hậu

Tom Smith, giáo sư ngành khoa học động vật hoang dã tại Đại học Brigham Young (Utah), người đã có hàng chục năm nghiên cứu thực địa về các loài gấu - bao gồm cả gấu trắng - cho biết việc gấu trắng vào các công trình bỏ hoang không phải là điều hiếm gặp. “Chúng là loài vật rất tò mò, vì vậy chúng thường xuất hiện trong các cấu trúc nhân tạo, hoặc trèo lên ô tô, ống dẫn”, ông giải thích.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về một xu hướng đáng lo ngại hơn đang diễn ra khắp Bắc Cực: khi băng biển tan chảy do biến đổi khí hậu, gấu trắng ngày càng có xu hướng tiến gần hơn tới các thị trấn hay làng mạc có người sinh sống để tìm thức ăn từ các bãi rác lộ thiên. “Chúng bị cuốn hút một cách định mệnh tới nơi ở của con người,” Smith nói, và điều này dễ dẫn đến xung đột giữa người và gấu.

Theo Smith, vấn đề xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, nhiều ngôi làng ở vùng sâu vùng xa phía bắc vẫn còn dùng các bãi rác lộ thiên ngay sát khu dân cư. Việc xây dựng bãi rác kín hay sử dụng thùng rác chống gấu thì rất tốn kém, điều mà trước đây họ chưa từng phải làm như vậy.

“Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây tại các vùng phía bắc đã tạo ra những nền kinh tế ‘vứt bỏ’, điều chưa từng tồn tại tại đó. Những cộng đồng này vốn không có thói quen thải bỏ nhiều rác, nên khái niệm phải bảo vệ rác thải khỏi gấu là điều hoàn toàn mới mẻ đối với họ”, ông nói.

Tưởng chỉ là khoảnh khắc đẹp giữa thiên nhiên, ai ngờ bức ảnh này lại ẩn chứa thực tại đáng buồn- Ảnh 2.

Gấu trắng ngày càng kéo về gần nơi con người sinh sống để kiếm ăn

Khi thức ăn khan hiếm, gấu trắng buộc phải chọn bãi rác

Thứ hai, Smith cho biết gấu trắng ngày càng ở trên đất liền nhiều hơn do băng biển - môi trường sống tự nhiên của chúng - đang tan dần vì biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu tại miền bắc Alaska cũng chỉ ra rằng gấu đang chuyển nơi làm tổ từ băng ra đất liền để tránh nguy cơ tổ bị sập do băng trở nên không ổn định. Khi không còn băng biển, gấu không thể đi săn loại thức ăn ưa thích là hải cẩu - vốn giàu mỡ và năng lượng - nên buộc phải tìm kiếm thức ăn khác trên đất liền, từ con mồi nhỏ cho đến rác thải.

“Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có ngày càng nhiều gấu kéo vào đất liền hơn, chúng bị đói và tìm đến những bãi rác lộ thiên”, Smith cảnh báo. Những bãi rác này thường nằm gần các khu dân cư, vì vậy “xung đột giữa người và gấu sẽ tiếp tục gia tăng.”

Ông nhấn mạnh rằng các vụ gấu trắng tấn công con người là cực kỳ hiếm. Theo một nghiên cứu, trong hơn một thế kỷ - từ năm 1870 đến 2014 - chỉ ghi nhận 73 vụ gấu trắng hoang dã tấn công người, xảy ra tại 5 quốc gia có loài gấu này sinh sống: Canada, Greenland, Na Uy, Nga và Hoa Kỳ. Trong số đó, 20 vụ gây tử vong và 63 vụ gây thương tích.

Smith khẳng định con người không nằm trong “thực đơn” tự nhiên của gấu, khác với các loài thú săn mồi như hổ hay sư tử vốn coi con người là con mồi tiềm năng. “Nhiều người tin sai rằng gấu trắng là loài duy nhất chuyên rình rập và giết người, đó là một hiểu lầm phổ biến trên toàn cầu”, ông nói.

Một nghiên cứu công bố năm 2022 cảnh báo rằng thức ăn từ con người, đặc biệt là rác thải, đang trở thành mối đe dọa mới đối với gấu trắng. Báo cáo cho biết lượng thức ăn do con người "vô tình cung cấp", đặc biệt từ các bãi rác, đang ngày càng gia tăng. Hậu quả là nhiều cộng đồng ở Bắc Cực đã chứng kiến những đợt tràn vào bất ngờ của hàng chục con gấu trắng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi được lựa chọn giữa băng biển và bãi rác trên đất liền, gấu trắng vẫn ưu tiên chọn băng biển, điều này cho thấy việc tìm đến bãi rác là giải pháp bất đắc dĩ.

Ví dụ, vào năm 2019, tại làng Ryrkaypiy ở vùng Chukotka của Nga, có tới 60 con gấu trắng tụ tập quanh một bãi rác chỉ cách làng vài trăm mét. Theo nghiên cứu, đàn gấu sau đó còn vào hẳn trong làng, khiến người dân hoảng sợ, buộc chính quyền phải hủy các sự kiện cộng đồng và yêu cầu trẻ em ở trong nhà. Tuy nhiên, khi băng biển bắt đầu hình thành và dày lên, đàn gấu đã rời đi, quay trở lại biển.

Ở Arviat - một cộng đồng người Inuit tại Nunavut, Canada - số lượng gấu trắng tìm đến bãi rác lộ thiên địa phương đã tăng đều mỗi năm, kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào những năm 1960.

Tưởng chỉ là khoảnh khắc đẹp giữa thiên nhiên, ai ngờ bức ảnh này lại ẩn chứa thực tại đáng buồn- Ảnh 3.

Dmitry Kokh phát hiện ra những con gấu trắng khi đang lênh đênh trên biển quanh bán đảo Chukotka, vùng viễn đông bắc của nước Nga

Theo Smith, việc gấu trắng dành nhiều thời gian hơn trên đất liền có thể đe dọa đến khả năng tồn tại lâu dài của loài này, vì chế độ ăn từ biển mới thực sự phù hợp với nhu cầu sinh học của chúng. Đặc biệt, lượng chất béo cao trong con mồi ưa thích là hải cẩu, đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của gấu trắng.

Để săn được hải cẩu, gấu cần có băng biển, chúng sẽ rình mồi ngay trên mặt băng hoặc chờ hải cẩu trồi lên qua các lỗ thở trên băng. Tuy nhiên, trong 50 năm qua, khi băng biển dần thu hẹp, số lượng gấu trắng cũng suy giảm đáng kể, theo các nghiên cứu gần đây.

“Gấu trắng sử dụng chất béo từ hải cẩu cho mọi hoạt động sống: phát triển, duy trì cơ thể, sinh sản và giữ ấm,” Smith giải thích. “Chúng chỉ cần một con hải cẩu và ít nước là đủ sống. Đây là loài động vật rất đặc biệt.” Ông gọi khả năng này là “kỳ tích chuyển hóa” vì gấu trắng có thể sống hoàn toàn bằng chế độ ăn giàu chất béo từ hải cẩu mà không gặp bất kỳ thiếu hụt dinh dưỡng nào.

Tuy nhiên, khi không thể tiếp cận hải cẩu và buộc phải chuyển sang con mồi ít chất béo hơn trên đất liền - như chim Bắc Cực, trứng chim hoặc rác thải - sức khỏe và khả năng sinh sản của gấu trắng sẽ suy giảm. Các nghiên cứu cho thấy, gấu sống trên đất liền có thể giảm khoảng 1kg trọng lượng mỗi ngày.

“Một phần vấn đề của biến đổi khí hậu là tốc độ thay đổi diễn ra quá nhanh”, Smith cảnh báo. Gấu trắng là loài có đặc điểm tiến hóa chuyên biệt để sống dựa vào nguồn thực phẩm từ biển, nên không có đủ thời gian để thích nghi trở lại với cuộc sống hoàn toàn trên đất liền. “Chúng tôi lo ngại rằng loài này sẽ không thể thích nghi với chế độ ăn thực vật trên cạn như trước kia. Nếu phải sống mãi trên đất liền, gấu trắng có thể tuyệt chủng”.

Trong khi thực tế xung đột giữa người và gấu trắng ngày càng nghiêm trọng, phản ứng của công chúng trước loạt ảnh của Kokh cho thấy con người trên khắp thế giới vẫn mê mẩn hình ảnh loài vật này.

Trong loạt ảnh chụp tại trạm khí tượng bỏ hoang, có một bức đặc biệt ghi lại cảnh những con gấu đứng giữa một bãi đất lác đác những thùng phuy gỉ sét, một hình ảnh vừa kỳ lạ, vừa ám ảnh về mối liên hệ giữa thiên nhiên hoang dã và dấu vết của con người.

Nguồn: BBC

Tưởng chỉ là khoảnh khắc đẹp giữa thiên nhiên, ai ngờ bức ảnh này lại ẩn chứa thực tại đáng buồn- Ảnh 4.

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày