Mọi hành động bạn làm trong cuộc sống hàng ngày đều có thể được ngụy trang, gắng gượng bao bọc lấy tính cách thật bên trong. Nhưng cách cư xử khi ăn uống về cơ bản là không thể giấu giếm được.
Chẳng phải đơn giản là ăn cho no bụng sao? Sao lại cầu kỳ đến thế? Ăn uống tưởng chừng như chỉ là quá trình lấp đầy dạ dày nhưng thực chất nó lại bộc lộ “bộ mặt thật” của mỗi người.
Bạn có những phép xã giao nào khi ngồi vào bàn ăn, những thói quen nào khi ăn uống, những sở thích nào trước và sau bữa ăn... Tất cả những điều này đều liên quan đến tính cách, trái tim, quan điểm sống và khí chất của một người.
1. Cách cư xử trước bữa ăn
Đi ăn cùng người khác là thời điểm tốt nhất để nhìn ra bản chất thực sự của họ.
Khi gọi đồ ăn, nếu luôn la mắng người phục vụ và có hành động trịnh thượng, bạn có thể đánh giá người này kiêu ngạo, “bắt nạt kẻ yếu, sợ kẻ mạnh”.
Bảo người phục vụ đến dọn bàn thì lại tỏ ra thái độ chê trách, chán ghét, bạn có thể đánh giá người này có tâm lý phân biệt đối xử “chê nghèo, yêu giàu”.
Trước khi gọi món, việc đối phương có hỏi ý kiến bạn hay không và bạn thích ăn gì đều phản ánh sự tôn trọng mà họ dành cho bạn. Không hỏi bạn ăn gì có nghĩa là không tôn trọng bạn. Hỏi bạn ăn gì và để bạn gọi món trước cho thấy đối phương ít nhiều cũng có sự tôn trọng với bạn.
Nhiều người sẽ nói, đây chẳng phải là việc nhỏ nhặt hàng ngày thôi sao?
Có câu: “Nghe họ nói, nhìn họ làm”. Tính cách của một người được thể hiện qua những hành động nhỏ. Nếu không nhìn thấu những điều nhỏ nhặt đấy, chúng ta sẽ dễ dàng bị sự ngụy trang của người khác đánh lừa.
2. Không biết nhường nhịn trong bữa ăn
Khi chúng ta ăn cùng nhau, bạn nên nhường tôi, và tôi cũng nên nhường bạn, đây là sự “lễ phép” mà một người nên có trong cuộc sống.
Trẻ con không có khái niệm “lịch sự”, khi thấy món gì ngon là ăn ngay và không chừa lại cho người khác. Tất nhiên, trẻ em xứng đáng được tha thứ.
Nhưng nếu một người trưởng thành cư xử như vậy, không hề tỏ ra khiêm tốn khi ăn, luôn ăn hết món mình thích mà không để lại cho người khác thì có vẻ hơi “không biết cách đối nhân xử thế”.
Mục đích của việc ăn uống là để no bụng, tại sao phải nhường nhịn? Khi bạn ăn cùng người khác, thứ bạn ăn không phải là đồ ăn, mà là “sự kết nối giữa con người với nhau”.
Nguyên tắc đầu tiên trong các mối quan hệ là “đối xử lịch sự”. Để người khác ăn trước, lịch sự với người khác trước, sau đó điều chỉnh bước tiếp theo để hòa hợp dựa trên phản ứng của họ.
Đương nhiên, lịch sự và nhường nhịn cũng phải có qua có lại. Cán cân giá trị cân bằng thì mối quan hệ mới bền lâu.
3. Ăn uống thô tục
Tư thế ăn uống nào là tốt nhất? Từ tốn và giữ sạch sẽ. Tốc độ giải quyết xong một món ăn có thể nhanh, nhưng quá trình và hành xử không nên thô lỗ, dung tục.
Luôn ngấu nghiến đồ ăn quá nhanh chứng tỏ người này có tính cách nóng nảy, muốn làm mọi việc nhanh chóng và không có tính kiên nhẫn.
Việc bạn có đói hay không không liên quan gì đến việc ngấu nghiến thức ăn. Bản chất của việc ngấu nghiến thức ăn là người này thiếu kiên nhẫn và không biết cách ăn chậm lại. Những người như vậy làm việc rất hiệu quả nhưng cũng dễ mắc sai lầm.
Thói quen ăn uống ngấu nghiến và nhanh suy cho cùng cũng là cách ăn của mỗi người. Nhưng khi ngồi chung một bàn với người khác, câu chuyện ở đây đã khác hẳn. Điều này cũng đúng với việc vung vãi khi ăn.
Một số người ăn uống rất có trật tự, luôn giữ sạch sẽ phần bàn và chén bát trước mặt mình, chứng tỏ người này yêu thích sự sạch sẽ và chú ý đến sự gọn gàng.
Song một số người thường làm đổ tháo khi ăn, để lại một đống bừa bộn trước mặt. Người sau không quan tâm nhiều đến vệ sinh và không chú ý nhiều đến sự gọn gàng. Tất nhiên, những tính cách khác nhau đều có những điểm tốt và xấu riêng, không thể quơ đũa cả nắm.
4. Cách cư xử sau bữa ăn
Sau khi ăn uống no nê, mọi người có mặt sẽ phải đối mặt với một câu hỏi: Ai là người chủ động thanh toán hóa đơn?
Theo thói quen của người hiện đại, chia đều là sự lựa chọn phổ biến, hoặc có người trả trước, người khác trả lại tiền sau.
Cách này có lẽ là phương pháp tối ưu nhất để không làm mất lòng nhau, duy trì mối quan hệ lâu dài. Bởi vì ai cũng thích những người bạn có “ý thức về giới hạn và chừng mực”.
Song ngoài kia vẫn có không ít người đi ngược lại nguyên tắc này.
Những người chỉ muốn hưởng lợi từ người khác mà không biết cho đi thường không đáng tin, không nên kết thâm giao.
Chỉ cần một chi tiết nhỏ trên bàn ăn cũng đủ hiểu tính cách của người này như thế nào. Đó cũng chính là lý do mà người ta thường nói rằng: “Muốn biết có hợp nhau hay không, hãy cùng họ đi ăn”.