Thời gian qua, Tùng Sơn – Thúy Vi là hai cái tên hot nhất, "được" nhiều người căm ghét và ném đá dữ dội nhất trên mạng xã hội. Thậm chí hai cái tên này còn vượt xa khỏi thế giới ảo để trở thành đề tài len lỏi vào từng câu chuyện ngoài đời khi chúng ta ngồi lại với nhau. Thế nhưng nghĩ cho cùng, Tùng Sơn – Thúy Vi liệu có sai? Hay chính chúng ta mới là những người sai lầm và đang bị lợi dụng cái chẳng ai nghĩ đến – lợi dụng sự căm ghét.
Thực ra đây có phải lần đầu tiên chúng ta bị lợi dụng sự căm ghét đâu nhỉ? "Tre già thì măng mọc", cứ hết lứa này đến lứa tiếp theo thay phiên nhau tiến lên, Bà Tưng, Kenny Sang… đã chìm rồi thì giờ đến Thúy Vi, Tùng Sơn. Tôi tạm gọi họ là những "Hateman".
Khác với những người nổi tiếng ngày ngày bày ra trước mắt công chúng những điều đẹp đẽ, đáng yêu thì những "hateman" này, họ đưa ra tất cả những chi tiết mà tâm lý chúng ta dễ ghét nhất: đầu tiên là xấu – đã xấu xí còn thích gây chú ý, xấu mà lố, xấu mà có người yêu đẹp trai thì càng không thể chấp nhận được, rồi đến những câu chuyện thuần phong mỹ tục như con gái tí tuổi đã phá hoại hạnh phúc nhà người khác, con gái mà…"hớ hênh" bàn chuyện giường chiếu, khoe hàng, sống ảo, khoe của… Và thế là chúng ta bức xúc, càng phát điên lên, họ càng thành công.
1. "Ai mà lại lợi dụng sự căm ghét bao giờ" – "Bạn sai rồi!"
Janet Fitch – nhà văn ưa thích của tôi đã từng bày tỏ như này: "Thú vị không, tôi thưởng thức sự căm ghét của mình còn hơn bất cứ khi nào tôi thưởng thức tình yêu. Tình yêu thất thường. Mệt mỏi. Đòi hỏi. Tình yêu sử dụng chúng ta, nó thay đổi ý. Nhưng sự căm ghét, đó là một thứ mà bạn có thể sử dụng. Nhào nặn nó. Dùng nó. Nó cứng, nó mềm, tùy như bạn cần. Tình yêu làm bạn xấu hổ, nhưng sự căm ghét nâng niu bạn".
Thật vậy, tình yêu và sự căm ghét, cùng gọi chung là cảm xúc, cùng là những thứ phi vật chất, ấy thế mà nhiều khi mình chẳng điều khiển được tình yêu, nhưng sự căm ghét thì mình lại hoàn toàn nắm bắt. Ai mà chẳng thích mình luôn được ở thế chủ động, chủ động tạo ra "sự thỏa mãn" thì còn gì bằng.
Nếu như bạn đã từng biết đến 7 bước của sự căm ghét của John Schafer và Joe Navarro – 2 cựu nhân viên và điệp viên của FBI (nếu chưa biết thì Google đi) thì ngay từ bước đầu tiên đã là sự kết nối cộng đồng, tìm cho mình những người đồng minh để cùng ghét một ai đó hay một vấn đề nào đó. Có bạn có bè bao giờ cũng hơn nhỉ, không cô đơn và lại thấy giá trị bản thân tăng cao vì hóa ra mình đúng. Điều đó tiếp thêm bao sức mạnh để chúng ta mù quáng đi theo "chân lý" của riêng mình. Cứ nghĩ những khi cả hội cùng ngồi nói xấu một đứa mình ghét mà xem, sướng ghê gớm, thậm chí ngày hôm qua 2 đứa đang ghét nhau, hôm nay cùng ghét một đối tượng khác là có thể thành bạn thân luôn được ấy chứ.
Và những bước tiếp theo cứ nâng từng bậc từ lăng mạ bằng ngôn ngữ cho đến bạo lực, thậm chí hủy diệt đối tượng mình ghét. Đấy là còn chưa kể chúng ta rất dễ bị dẫn dắt theo tâm lý đám đông, thấy nhiều người tham gia mình cũng chẳng nỡ đứng ngoài. Và thế là chúng ta đã vô tình bước chân vào con đường bị lợi dụng mà chúng ta chẳng hề để ý, phải rồi, vì ai đời lại đi lợi dụng điều tiêu cực bao giờ, ấy thế mà chúng ta đã sai một cái sai to đùng rồi đấy.
2. Tùng Sơn, Thúy Vi nào có sai. Chúng ta quan tâm đến họ cơ mà?
Tôi có người bạn khi còn là sinh viên, sinh hoạt ở một CLB lớn trong trường, lúc còn là thành viên thì không sao, khi lên làm lãnh đạo rồi cậu ấy bắt đầu nhận được những feedback xấu xí về mình. Cậu có chia sẻ với một người anh đi trước rằng "em không muốn bị ghét", anh ấy bảo rằng "em không thể cản được việc người ta ghét em, có người ghét em chứng tỏ em bắt đầu có tiếng rồi đấy". Lúc đó tôi chưa thực sự hiểu lắm về chia sẻ của cậu bạn, nhưng rồi khi có người nói xấu cậu ta, rồi có người bênh, người nói xấu rồi người lại bênh, cậu ta thành một chủ đề và tự nhiên mình được nhiều người chú ý đến.
Tất nhiên đó chỉ là một cộng đồng nhỏ thôi còn Tùng Sơn, Thúy Vi hay những người khác đã mang tầm cỡ "xã hội" luôn rồi. Nhưng qua đó, tôi muốn nói rằng, sự ghét bỏ mới dễ làm ai đó nổi tiếng làm sao, dù thực ra, theo quan điểm của tôi, đó không phải tiếng vang mà chỉ là tiếng ồn. Tùng Sơn hay Thúy Vi, họ đang làm mọi cách để nổi tiếng, có lẽ họ biết xã hội này cần những mục tiêu để mọi người "xả nỗi căm hờn", thế nên họ tự gắn mác cho bản thân thành những người như vậy.
Nhưng nghĩ kỹ xem, thực ra chúng ta đang "xả" một cách vô duyên, họ làm những trò lố, họ sống ảo bằng việc check-in này kia, thì đâu có ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, họ chẳng cướp bát cơm, họ chẳng phá hoại gia đình chúng ta. Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi, thì họ biến mất hoàn toàn với cuộc sống của chúng ta cơ mà.
Chi Pu với biết bao nỗ lực, biết bao trăn trở với nghệ thuật để có thể gạt bỏ mác hotgirl để được công nhận là một diễn viên. Phạm Hương trải qua biết bao cuộc thi, biết bao khó khăn 5 – 6 năm trời mới có vị trí như ngày hôm nay. Và còn rất nhiều nghệ sĩ khác, đang nỗ lực một cách chân chính để được công nhận. Ấy thế mà chỉ vì sự căm ghét bị dẫn dắt đã làm cho lượng followers, lượng likes của những Hateman lại ngang ngửa, thậm chí còn hơn cả những nghệ sĩ lớn. Và hẳn rồi, với xã hội hiện giờ, nhiều likes, nhiều followers tỉ lệ thuận với nhiều tiền.
Chúng ta đã sai lại càng thêm sai nữa rồi!
3. Đừng để tiếp tục bị lợi dụng
Các bạn có thấy tâm lý bản thân chúng ta buồn cười không? Cách đây một thời gian, mình không thể ưa nổi Kenny Sang. Thế mà ngày hôm nay, khi Thúy Vi, Tùng Sơn đang chễm chệ trên "đỉnh" của sự căm ghét, thì bạn sẽ nghĩ ra ngay một vài lý do để cảm thấy Kenny Sang ngày nào hóa ra cũng không đáng ghét lắm như kiểu "Ít ra Kenny Sang còn đẹp hơn Tùng Sơn",…Và còn muôn vàn cái lý do "ít ra thì..." để bạn cảm thấy hợp lý hóa cái sự căm ghét hiện tại.
Và thế là những người đã đi qua "đỉnh cao của sự căm ghét" kia, họ nghiễm nhiên trở thành một phần của showbiz (dù không hào quang cho lắm), giờ họ không bày ra những cái đáng ghét nữa mà họ đưa ra những điều bình thường, chứ chưa nói là đẹp, thì mọi người đã ủng hộ rầm rầm, thậm chí còn tấm tắc khen. Thế là sự căm ghét của chúng ta đã được lợi dụng một cách triệt để, được sử dụng theo từng bước từng bước một.
Không biết cá nhân các bạn thế nào, chứ tôi cũng thường xuyên xem các clip của Kenny Sang, Tùng Sơn, đọc tin về Thúy Vi, nhưng trang facebook cá nhân của tôi chẳng bao giờ share gì hết, cũng không likes hay comment gì cả. Căn bản tôi nghĩ họ làm vậy vui, xem với tâm thế xả stress như một sản phẩm gây cười, như vậy là đủ.
Lời cuối cùng của tác giả bài viết, tôi nghĩ rằng, đây là những quan điểm của tôi, tôi cũng không có quyền và nghĩa vụ ngăn cản bạn ghét bỏ một ai đó. Nhưng tốt hơn thì…
Hãy ghét một cách tỉnh táo!