Ngày 18/12 quả thực là một ngày đau buồn đối với cộng đồng fan của K-pop và làng giải trí châu Á nói chung. Đó là ngày mà Jonghyun - nam ca sĩ, nhạc sĩ tài năng của SHINee đã vĩnh viễn ra đi.
Trong lá thư tuyệt mệnh của mình, Jonghyun thừa nhận mình mắc trầm cảm nặng, dẫn đến hành vi tự tử. Nhưng lục lại một sự nghiệp có thể nói là thành công của nam thần tượng, không ai muốn tin rằng anh tuyệt vọng đến mức có thể tự tử được.
Jonghyun, thành viên tài năng của nhóm nhạc idol SHINee đã tự tử vì trầm cảm
Trầm cảm là một căn bệnh của sự nghịch lý. Theo thống kê đưa ra từ Forbes, tỉ lệ bị mắc trầm cảm chung trong xã hội là 20%, nhưng ở các CEO thành đạt phải cao hơn gấp đôi - tức 40%. Trẻ em sinh ra trong gia đình giàu có, thượng lưu dễ mắc trầm cảm hơn trẻ em nghèo hoặc có thu nhập thấp. Trầm cảm cũng phổ biến hơn ở các quốc gia phát triển giàu có, thay vì các nước đang phát triển còn nghèo.
Nêu vậy để thấy, trầm cảm có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi độ tuổi, mọi nền văn hóa, và mọi nền tảng kinh tế. Chẳng ai miễn nhiễm với nó, kể cả những người tưởng như đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể trong cuộc sống.
Xu hướng chung của xã hội thường khó lòng cảm thông với những vấn đề tâm lý mà một người thành đạt có thể gặp phải. Như trường hợp của Jonghuyn, người ta khóc thương khi anh tự tử, nhưng có mấy ai hiểu được nguyên nhân nào đã khiến anh rơi vào hoàn cảnh đó đâu?
Sự cạnh tranh quá gay gắt
Deborah Serani, bác sĩ tâm lý nổi tiếng của Hoa Kỳ từng chia sẻ như sau: "Bệnh nhân của tôi có rất nhiều người thành đạt, và đối với tôi chẳng có lý do gì khiến họ miễn nhiễm với trầm cảm cả."
"Khi bạn đến từ một đất nước quá xịn, sự cạnh tranh là cực kỳ lớn, cũng như cảm giác thất bại sẽ luôn xâm chiếm tâm trí của họ."
Với trường hợp của Jonghyun, áp lực với anh chắc chắn không hề nhỏ. Trong một nền giải trí khốc liệt nhất thế giới, sóng sau xô sóng trước, SHINee cũng như nhiều thế hệ idol thứ 2 đã dần lụi tàn. Bản thân Jonghyun, dù rất cố gắng, nhưng để giữ được độ hot của tên tuổi không phải là chuyện đơn giản.
Dù rất nỗ lực, nhưng nhiều người vẫn cho rằng Jonghyun gặp khó khăn để giữ được độ hot tên tuổi.
Áp lực từ thế hệ kế cận, áp lực từ công ty chủ quản, áp lực từ chính bản thân... Áp lực dồn nén là con đường ngắn nhất dẫn đến trầm cảm, khoa học đã chứng minh từ rất lâu rồi.
Không còn thời gian để quan tâm đến những việc nhỏ nhặt
Để đạt được đến thành công là cả một sự nỗ lực không ngừng. Nhưng điểm chung giữa những người thành công là họ thường xuyên rất bận, đến mức chẳng thể tập trung vào những điều cơ bản trong cuộc sống. Và thứ còn lại với họ ở trên đỉnh cao lại là cảm giác của sự cô đơn.
"Người bình thường có nhiều mối lo, nhưng chúng ta thậm chí có thể tận hưởng điều đó. Bạn nói xấu người này người kia, ca cẩm mọi chuyện với bạn bè. Nhưng khi vượt hẳn lên, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Mọi thứ dần mất đi sự kết nối vốn có, kể cả những thứ đơn giản nhất." - Serani cho biết.
"Những bữa cơm gia đình dần trở nên xa xỉ, những cuộc trò chuyện với bạn bè dần ngắn lại và không còn nữa."
"Đó đều là những thứ tô màu cho cuộc sống của bạn; nhưng những người quá thành công, họ có thể phải làm việc 24/7, chẳng có thời gian cho chúng."
Cảm giác xa lạ với chính bản thân mình
Khi trở nên quá thành công và giàu có, nhiều người dường như cảm thấy xa lạ với chính bản thân mình. Một bệnh nhân từng nói với Serani rằng: "Càng có nhiều tiền, tôi càng thấy bản thân không giống như trước nữa."
Những mối quan hệ mới, những cuộc chơi của người có tiền, có thể tạo ra một thứ áp lực không tên. Và khi tất cả qua đi, mọi thứ để lại là cảm giác trống rỗng.
Áp lực khủng khiếp từ ngành nghề đang làm
Theo bác sĩ tâm lý Greg Dillon từ New York, bản chất của ngành nghề cũng mang đến nguy cơ trầm cảm khác nhau. "Tôi thấy rất nhiều anh chàng từ các công ty lớn, họ trượt dài khi mọi chuyện xấu đi. Họ thực sự trượt dài."
Những người thành công trong nhiều năm sẽ thấu hiểu điều này - Dillon cho biết. Ngay cả khi các con số thống kê khả quan, nhưng mục tiêu thực sự họ đang hướng đến chưa chắc đã là như vậy. Giá trị của mỗi người, và cả mục tiêu của họ cũng thay đổi qua thời gian. Khi không đạt được kỳ vọng, cảm giác buồn bực, thất vọng sẽ ập đến.
Bạn nghĩ thế nào là thành công?
Caroline Myss - tác giả đã 5 lần đạt danh hiệu bestseller của NY Times cho rằng khái niệm thành công của chúng ta hiện tại giống như một ảo tượng dựa trên quan điểm của người khác.
Chúng ta nhìn vào cuộc sống của một người, lấy tiền bạc, gia đình, vẻ hào nhoáng bên ngoài và cho rằng họ thành công. Tương tự, ta cũng dựa trên những gì người khác đạt được để đánh giá về bản thân mình.
Nhưng thành công đâu phải như vậy? Thành công thực chất là những gì chúng ta cảm nhận được, và nó nên hoàn toàn độc lập với mọi thế lực bên ngoài. Bạn hài lòng với cuộc sống của mình - ấy là một thành công tuyệt vời rồi.
Thế nên mới có chuyện, chúng ta cảm nhận một người đã thành công, nhưng bản thân họ không phải là người thành công. Cảm giác trống rỗng, thất vọng ngày qua ngày khiến họ ức chế, và rồi khi sự dồn nén lên đến đỉnh điểm, tất cả vỡ tung và gây nên thảm kịch.
"Tôi chán ghét bản thân mình, tôi cố gắng bấu víu những ký ức rời rạc và hét lên để mong có thể níu kéo tất cả lại, nhưng rốt cuộc chẳng có lời hồi đáp nào.
Nếu như không còn cách nào thoát khỏi cảnh ngột ngạt này, thì tốt nhất nên kết thúc.
Tôi đã chất vấn bản thân rằng ai là người chịu trách nhiệm cho tôi. Hoá ra chỉ có mình tôi. Tôi hoàn toàn cô độc."
Jonghuyn - 2017