Từ vụ cô gái bị bỏng toàn bộ gương mặt: Vì sao bóng bay lại gây sát thương kinh hoàng đến vậy?

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 01/03/2017
Chia sẻ

Bác sĩ Thống cho biết, chỉ cần có một thay đổi nhỏ về nhiệt độ, áp suất, gặp ma sát, bị vật sắc nhọn chạm vào... khí Hydro trong bóng bay sẽ thoát ra, kết hợp với Oxy trong không khí, ở điều kiện thích hợp với áp suất đủ lớn, chúng sẽ gây ra cháy nổ.

Đó là chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn, nơi mà những ngày qua liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị bỏng do nổ bóng bay.

Theo Bác sĩ Thống, khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm, trung bình bệnh viện Xanh-Pôn tiếp nhận khoảng 10 ca bỏng do nổ bóng bay. Đây là tai nạn không mới thế nhưng vẫn còn rất ít người biết và chủ quan, nghĩ rằng chuyện bị bỏng, bị thương nặng do bóng bay - một vật trang trí có vẻ ngoài an toàn - là điều ngoài sức tưởng tượng.

Từ vụ cô gái bị bỏng toàn bộ gương mặt: Vì sao bóng bay lại gây sát thương kinh hoàng đến vậy? - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn.

"Bóng bay không chỉ là vật trang trí, nó như một quả bom nổ chậm"

Tại khoa Bỏng bệnh viện Xanh-Pôn, có ít nhất 2 trường hợp bị bỏng toàn bộ gương mặt do bóng bay và điều đáng nói, tai nạn lại xảy đến với phụ nữ - đối tượng vốn rất coi trọng vấn đề nhan sắc.

Trước đó, cộng đồng mạng từng xôn xao vì câu chuyện của Linh (SN 1995, nữ sinh ĐH Thăng Long) bị bỏng toàn bộ gương mặt, vùng cổ và hai cánh tay do 55 quả bóng bay cô cầm trên tay cùng lúc phát nổ.

Từ vụ cô gái bị bỏng toàn bộ gương mặt: Vì sao bóng bay lại gây sát thương kinh hoàng đến vậy? - Ảnh 2.

Hiện tại Linh đã được tháo băng, sức khỏe tiến triển tốt.

Từ vụ cô gái bị bỏng toàn bộ gương mặt: Vì sao bóng bay lại gây sát thương kinh hoàng đến vậy? - Ảnh 3.

Cánh tay Linh sau 2 tuần điều trị.

Hiện tại, Linh vẫn đang điều trị tại bệnh viện Xanh-Pôn, sức khỏe và da mặt của cô hồi phục nhanh chóng và gần như không có khả năng để lại sẹo. Tuy nhiên, nhớ lại những chuyện đã xảy ra, Linh vẫn chưa hết ám ảnh.

"Khi ở đây có một chị nhập viện, bị bỏng toàn bộ mặt giống mình, nhìn chị ấy, mình như soi gương, thấy hình ảnh của chính mình những ngày đầu nhập viện, sợ hãi đến nỗi cầm khăn giấy đưa cho chị ấy mà tay còn run, làm rớt mất".

Trường hợp mà Linh nhắc đến là chị Nguyễn Thị M (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong bữa tiệc thượng thọ 70 tuổi của bác gái, chị M cầm một chùm bóng bay 20 quả (mỗi quả lồng thêm một trái bóng nhỏ bên trong). Chùm bóng này được bọc trong một chiếc túi nilon cỡ lớn và khi chị M vừa tháo túi nilon ra khỏi chùm bóng, 20 trái bóng cùng lúc phát nổ khiến gương mặt chị M bị bỏng nặng, tóc cháy sém và nhiều người đứng cạnh cũng bị thương nhẹ. Hiện tại sức khỏe chị M vẫn khá yếu và phải chịu đau rát khủng khiếp ở vùng mặt, tay và cổ.

Từ vụ cô gái bị bỏng toàn bộ gương mặt: Vì sao bóng bay lại gây sát thương kinh hoàng đến vậy? - Ảnh 4.

Toàn bộ vùng mặt của chị M bị bỏng nặng.

Nhớ lại chuyện đã xảy ra, chị M vẫn không thể tin đó lại là sự thật bởi từ trước đến nay, chị chưa từng nghĩ bóng bay lại có khả năng gây sát thương lớn đến vậy. Linh cũng tâm sự, khi cầm 55 quả bóng trên tay, cô hoàn toàn vô tư và không mảy may suy nghĩ việc có thể vì chúng mà bị thương.

Nhưng không ngờ, chùm bóng bay Linh cầm trên tay lại nổ giống như bom, gây ra tiếng vang lớn khiến cả khu phố cũng giật mình. "Một lát sau mình nhìn lên trần nhà thì thấy đen kịt, lưng áo đồng nghiệp cháy sém còn mặt mình thì rát khủng khiếp, như bị ai cào cấu, xé toạc ra", Linh kể lại.

Lúc đầu Linh cũng nghĩ trường hợp của mình là hy hữu. "Nhưng khi vào đây rồi thì mình thấy thực tế rất nhiều người bị giống mình. Bóng bay không phải vật trang trí, chúng thực sự là những quả bom chờ nổ, rất nguy hiểm, cần phải tránh xa".

Vì sao bóng bay lại gây sát thương?

Giải thích vì sao bóng bay bơm khí Hydro lại có khả năng gây sát thương, bác sĩ Thống cho biết, bản thân mỗi trái bóng khi được bơm đầy khí Hydro, chúng sẽ có áp lực lớn và rất dễ gây nổ. Chỉ cần có một thay đổi nhỏ về nhiệt độ, áp suất, gặp ma sát, bị vật sắc nhọn chạm vào... khí Hydro trong bóng sẽ thoát ra, kết hợp với Oxy trong không khí, ở điều kiện thích hợp với áp suất đủ lớn, chúng sẽ gây ra cháy nổ. Khi một trái bóng nổ, chúng tạo nên áp lực và khiến toàn bộ chùm bóng nổ cùng lúc, có khả năng gây sát thương lớn.

Bác sĩ Thống phân tích, bóng bay thực chất rất dễ nổ. Chẳng hạn như trường hợp của Linh, khi cô cầm bóng di chuyển từ phòng kín, có điều hòa nóng sang khu vực hành lang có điều hòa lạnh, chùm bóng lại va chạm với cửa ra vào nên dễ dàng bị nổ. Hoặc trong trường hợp của chị M, khi bóng bay được bọc kín trong túi nilon, chúng đã ổn định ở mức áp suất đó và khi gỡ túi ra, áp lực thay đổi nên cả chùm bóng cũng lập tức nổ tung.

"Nguy hiểm nhất là khi cho trẻ nhỏ cầm chơi, chúng thường có thói quen đè, ép bóng, có thể dùng móng tay sắc nhọ chạm vào và nguy cơ nổ càng cao".

Bác sĩ Thống chia sẻ, không phải trường hợp nào bóng bay nổ cũng gây cháy, bỏng. Tuy nhiên, do chúng ta thường "chơi" loại bóng này theo chùm, khi một quả nổ là tất cả nổ theo, bóng bay lại thường để trong phòng kín, ô tô... nên khả năng cháy nổ rất cao.

Từ vụ cô gái bị bỏng toàn bộ gương mặt: Vì sao bóng bay lại gây sát thương kinh hoàng đến vậy? - Ảnh 5.

BS Thống chia sẻ, mỗi năm, trung bình chỉ riêng khoa Bỏng bệnh viện Xanh-Pôn đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bị bỏng vì nổ bóng bay.

Mức độ bị thương do nổ bóng bay nặng hay nhẹ còn tùy vào từng trường hợp. Nếu không may gặp tai nạn, theo BS Thống, điều đầu tiên cần làm là hết sức bình tĩnh, lập tức làm lạnh vết thương, ngâm nước từ 15-30 phút, sau đó dùng gạc sạch, băng nhẹ vết thương và lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu.

"Về bản chất, bỏng do nổ bóng bay cũng như các loại bỏng khác, khả năng hồi phục, mức độ nặng nhẹ còn tùy thuộc tính chất vụ tai nạn, cơ địa của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, bỏng do nổ bóng bay nguy hiểm hơn ở chỗ mọi người thường cầm bóng trên tay nên vùng bị thương thường là mặt, mắt và vùng cổ, những vùng da hở, không có quần áo che phủ và khá nhạy cảm", BS Thống chia sẻ.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày