Thông tin đau lòng về trường hợp cháu bé học sinh mầm non tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh tại trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (trụ sở tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình) khiến nhiều người bàng hoàng. Vụ việc xảy ra tại Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2.
Cháu bé T.G.H (sinh năm 2019, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư) bị bỏ quên trên xe từ sáng ngày 29/5. Đến chiều, phụ huynh đến đón nhưng không thấy con đâu, lúc này mới tá hoả cùng các cô giáo và nhà trường đi tìm. Tại thời điểm phát hiện cháu bé, mọi người đã đập cửa xe ô tô đưa đón, đưa cháu đi viện cấp cứu lúc hơn 18h cùng ngày nhưng cháu không qua khỏi.
Chiếc xe đưa đón học sinh của trường - Nơi cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên từ sáng đến tối mới được phát hiện
Đây không phải là vụ việc đau lòng duy nhất xảy ra. Trước đó, cái chết của bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe của trường Gateway cũng đã từng khiến nhiều người xót xa. Vụ việc xảy ra vào ngày 6/8/2019 tại trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, có cơ sở tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sáng cùng ngày, gia đình đã đưa cháu bé Lê Hoàng Long ra ô tô đưa đón học sinh để đến trường. Đến 16h45, gia đình nhận được cuộc gọi của cô giáo phụ trách đón cháu bé thông báo cháu bé đã tử vong.
Sau vụ việc Gateway, đến tháng 9/2019, thêm một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học ở Bắc Ninh, nhưng rất may cháu bé được cứu sống. Cháu bé kể trên là Nguyễn Tấn L. (SN 2016 ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) được phát hiện bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của cơ sở mầm non tư thục Đồ-Rê-Mí (ở thôn Đoài, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du).
Ngày 13/9 cháu được xe đưa đón của trường đón lúc 6h30 sáng. Thời điểm trẻ được đưa vào lớp thì cháu ngồi ở hàng ghế cuối và không được đưa vào lớp. Sau đó lái xe hé cửa kính cạnh ghế lái khoảng 10cm và đi làm việc khác. Lúc 15h30, ông Tỵ ra đánh xe chuẩn bị đưa các cháu về nhà thì phát hiện có 1 chiếc quần bò của cháu L. ở ngay trước sàn cửa tự động nên trèo lên xe kiểm tra, phát hiện cháu L. nằm ngửa ở sàn để chân của hàng ghế thứ 3 từ trên xuống.
Khi gia đình gặp, cháu rối loạn tri giác, không tiếp xúc được, sốt, nhập viện tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng lơ mơ về tri giác, có đầy đủ yếu tố kết luận là sốc nhiệt, rối loạn chức năng thận, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân... Sau thời gian điều trị, cháu được cấp cứu ổn định chức năng và được chuyển lên Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh để tiếp tục điều trị tích cực.
Không chỉ một mà đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra, để lại hậu quả lớn do sự tắc trách của người lớn. Là bậc cha mẹ, bạn cũng cần hướng dẫn con những kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, cầu cứu mọi người nếu không may rơi vào tình cảnh trên.
Dưới đây là 6 điều cha mẹ nên hướng dẫn trẻ trong trường hợp bị bỏ quên trên xe ô tô.
1. Dạy trẻ cố gắng giữ bình tĩnh
Đây là điều đầu tiên trẻ cần được hướng dẫn bởi la hét, khóc lóc sẽ gây mất sức, có thể nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê
2. Dạy trẻ bấm còi xe
Người lớn cần hướng dẫn trẻ nếu thấy ô tô đã đóng cửa kín thì trẻ cần biết vị trí còi xe ô tô ở vô lăng để báo hiệu cho người ở bên ngoài. Dù xe đã tắt máy thì còi xe cũng vẫn kêu và người bên ngoài sẽ phát hiện, ứng cứu.
Ảnh: Nguồn Internet
3. Dạy trẻ mở cửa sổ của xe
Dù xe đã đóng kín, tài xế khoá cửa xe thì người bên trong xe hoàn toàn có thể mở được cửa sổ của xe để kêu cứu.
4. Dạy trẻ đứng ở phần kính trước vô lăng để cầu cứu người bên ngoài
Nhiều xe sẽ dán đề can tối màu ở cửa sổ xung quanh để hạn chế ánh nắng. Nhưng cửa kính phía trước vô lăng sẽ luôn là kính trong để tài xế nhìn rõ đường. Do đó, trẻ có thể tới phần kính đó để báo hiệu cho người bên ngoài ứng cứu. Trẻ cũng nên dùng đổ vật tác động vào phần kính này nhằm tạo ra tiếng động, thu hút người bên ngoài.
5. Dạy trẻ bật đèn khẩn cấp (Đèn Hazard)
Tương tự còi, đèn Hazard được thiết kế có nguồn điện riêng để luôn sẵn sàng hoạt động. Người lớn cần chỉ cho trẻ nút bật đèn này có hình tam giác, dễ quan sát trên buồng lái. Trẻ cần bấm đèn và còi đồng thời để gây sự chú ý.
6. Dạy trẻ dùng búa thoát hiểm
Trên xe chở học sinh hầu hết đều có búa thoát hiểm. Trong trường hợp khẩn cấp, bất đắc dĩ, trẻ có thể dùng búa để đập vỡ cửa sổ, thoát ra bên ngoài. Búa có thiết kế gồm đầu nhọn, tập trung lực, do đó trẻ hoàn toàn có thể đập vỡ kính, không cần tốn nhiều sức lực.
Tổng hợp