Xót xa dòng nhìn sông Đà cạn trơ đáy
Trưa 11/6, phóng viên VTC News có mặt tại Nhà máy thủy điện Hoà Bình - công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam và là một trong những công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất 1.920MW.
Theo ghi nhận, tại khu vực hồ Hoà Bình - nơi cung cấp nguồn nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình, mực nước đang giảm dần. Xuôi dọc về phía hạ lưu cũng không mấy khả quan, mực nước giảm sâu, lộ ra những bãi cát sỏi ven bờ, tàu thuyền khó di chuyển, chỉ neo đậu tại chỗ.
Mực nước phía hạ lưu hồ Hòa Bình đang giảm sâu. Phần chân các cây cầu Hoà Bình 1, Hoà Bình 2 và Hoà Bình 3 hoàn toàn lộ thiên
Cách chân đập Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình khoảng 5km, giữa cái nắng như đổ lửa, ông Ngô Văn An (SN 1952, người dân làng Vạn Chài, phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình) đi bộ dọc lòng sông Đà nhặt từng khúc củi.
- Trên mạng người ta bảo đi bộ được giữa lòng sông Đà hoá ra là sự thật hả bác?
- Ừ. Từ đầu tháng đến nay nước về ít, nhiều đoạn sông trơ đáy, đi trên sông mà không cần dùng thuyền.
Đây là lần thứ 2 ông An được đi bộ trên lòng sông Đà, lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ XX khi ngăn dòng xây Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình
Ông An bảo: "Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay, đây là lần thứ hai tôi được đi bộ trên lòng sông Đà. Lần đầu tiên là vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi ngăn dòng để xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, người dân có thể đi bộ từ bờ bên này sang bờ bên kia. Sau khi nhà máy khánh thành (năm 1994) gia đình tôi chuyển xuống sinh sống ở làng chài, hàng chục năm qua đi, hôm nay lại được đi bộ giữa lòng sông''.
Theo lời ông An, có lẽ đây là lần mực nước sông Đà chảy qua địa phận Hoà Bình xuống thấp nhất từ sau khi nhà máy thuỷ điện đi vào hoạt động: "Mực nước sông sâu nhất hiện tại chỉ được khoảng 4-5m, tôi chưa bao giờ thấy cạn như thế cả".
Dẫn phóng viên về thăm làng Vạn Chài, nơi 50 hộ dân đang sinh sống, nuôi trồng thuỷ sản, ông An cho biết, nước sông tuy giảm nhưng hiện chưa ảnh hưởng, trừ khi nước quá cạn hoặc lên quá nhanh, quá lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến đàn cá.
"Hôm trước nghe truyền hình đưa tin, hồ Hoà Bình cũng sắp đến mực nước chết, chỉ có thể duy trì phát điện đến ngày 13/6, chúng tôi lo lắm. Vài hôm nữa hết nước, lòng sông cạn thêm, lồng cá chạm đáy bùn thì cá chết hết, không cứu nổi đâu, sẽ mất trắng", ông lo lắng.
Những ngày này, khi nước sông Đà cạn, ông An phải thường xuyên kiểm tra lồng cá
Chỉ sang nhà nổi đối diện, ông An nói: "Đây là nhà bà Hiên, một trong những người sống lâu năm nhất ở các làng nổi này, nước sông sâu cạn từ ngày xưa đến nay như thế nào thì bà ấy nắm rõ nhất".
Ông An vừa dứt lời, người phụ nữ với nét mặt khắc khổ vẫy tay chào chúng tôi. Đó là bà Nguyễn Thị Hiên (SN 1964), bà bỏ đất liền xuống sống tại làng Vạn Chài này từ năm 1978.
Lựa con cá ở trong lồng nuôi để bán cho vị khách đang chờ ở hiên nhà, bà Hiên cho biết gia đình có hai mẹ con nhưng bà hiện chỉ sống một mình, người con trai đang làm việc trên Hà Nội.
Bà An chủ yếu nuôi cá chép và cá trắm
"Ở đây chủ yếu nuôi cá chép và trắm đen. Mấy hôm rồi thiếu nước quá, nhất là sáng hôm kia (9/6) cá thiếu oxy nên nó cử nhảy, lộn hết cả lên cả mặt nước, bỏ ăn đúng 1 ngày 1 đêm. Tôi lo không ngủ được. May mà chiều qua nhà máy xả cho ít nước, giờ tạm ổn định rồi", bà Hiên nói và kéo con cá chép khoảng 5kg lên khỏi mặt nước.
Hướng ánh mắt về mấy căn nhà nổi nhưng đang nằm trơ trọi trên mặt đất, bà Hiên bảo mấy hôm rồi nước cạn nên nhà nào cũng lên bờ, hôm qua (10/6) nước về thì người dân hỗ trợ nhau kéo nhà ra sông.
"Vài căn nhà chưa kịp kéo nên giờ vẫn còn trên bờ. Nói là bờ vì không có nước chứ thật ra đó là lòng sông. Tôi sống ở đây từ năm 1978, đến nay đã gần nửa thế kỷ rồi nhưng đây là mức nước cạn nhất của sông Đà", bà Hiên thở dài.
Một vài căn nhà thuộc làng Vạn Chài vẫn nằm trên bờ vì không kéo kịp xuống khi nước về
Cũng như ông An và nhiều hộ gia đình tại làng Vạn Chài, bà Hiên lo lắng khi vài hôm nữa hồ Hoà Bình về mực nước chết, không đủ nước phát điện, đồng nghĩa với việc không có nước chảy về hạ lưu, đàn cá sẽ nổi trắng bụng.
"Giờ chúng tôi bán được bao nhiêu thì bán thôi. Mình ở đầu nguồn đã chật vật vì thiếu nước thế này rồi thì bà con dưới hạ lưu vất vả nhường nào. Mấy hôm nay nghe thời sự khắp nơi thiếu điện, thiếu nước mình thương lắm, chỉ mong vài hôm nữa mưa lớn, nước về sông hồ nhiều cho bà con đỡ vất vả", bà Hiên nghẹn giọng.
Theo báo cáo nhanh của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) ngày 10/6, trên cả nước, lưu lượng nước về hồ tăng so với ngày 9/6 nhưng vẫn thấp. Các hồ chứa khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam Bộ vượt qua mực nước chết, nhưng vẫn ở mực nước thấp, xấp xỉ mực nước chết.
Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, số nhà máy xấp xỉ mực nước chết tập trung khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.
Một số hồ xấp xỉ mực nước chết như Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp gồm Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong nguồn cung điện ở miền Bắc, thủy điện chiếm tỷ trọng lớn với 43,6%, nhưng nhiều hồ thủy điện lớn đang thiếu nước phát điện. Hiện tại chỉ còn duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 - 13/6.