Những câu chuyện đầy cảm hứng
Tháng 11 năm 1996, trong trận Derby vùng Merseyside giữa Liverpool và Everton, một trong những trận Derby lớn nhất thế giới, một cậu bé với dáng người mảnh khảnh và nụ cười rạng rỡ bước ra cùng đội trưởng Dave Watson của Everton, đó chính là Wayne Rooney, người sau này trở thành huyền thoại của bóng đá Anh.
Cũng như bao đứa trẻ khác của vùng Merseyside khác, bước ra sân trong một trận Derby là ước mơ và vinh dự lớn lao với Wayne Rooney. Đó có lẽ cũng là khoảnh khác đáng nhớ nhất với cậu bé đang là học viên của lò đào tạo trẻ Everton khi ấy.
Một nhân vật vĩ đại thì luôn biết cách để lại dấu ấn ngay ở lần đầu xuất hiện. Trước trận đấu, thủ môn Neville Southall của Everton ném bóng cho mascot đá một quả “lấy hên” như thường lệ, không ngờ cậu bé Rooney lại sút vồng qua đầu thủ môn rồi bay vào lưới trong sự ngỡ ngàng của các cầu thủ xung quanh. Rooney sau này kể lại: “Neville Southall không thích việc đó, anh ấy mắng tôi là ngựa non thích thể hiện”.
Từ một cậu bé đầy cá tính như thế, Rooney sau này đã vươn lên trở thành huyền thoại của bóng đá thế giới. Anh là một trong 10 cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại Ngoại Hạng Anh (vào lưới Arsenal khi 16 tuổi 360 ngày), được Manchester United chiêu mộ với mức giá 27 triệu bảng, trở thành cầu thủ “tuổi teen” đắt giá nhất Thế giới vào thời điểm đó. Tại Manchester, Rooney thực sự đã trở thành huyền thoại với 253 bàn thắng, 559 lần ra sân, 5 chức vô địch Ngoại Hạng Anh, 1 Champions League, 1 Europa League,...
Bóng đá Việt Nam cũng có một tiền đạo gắn liền với áo số 10 ở thời điểm hiện tại và từng làm Mascot khi còn là cầu thủ trẻ, đó là Nguyễn Công Phượng. Năm 14 tuổi, Công Phượng từng ra sân cùng Lee Nguyễn, một trong những tiền vệ hay nhất từng chơi bóng tại V.League. Đó là thời điểm Lee Nguyễn mới đến phố Núi với vị thế một ngôi sao lớn còn Công Phượng là học viên ưu tú của khóa 1 lò đào tạo HAGL JMG.
12 năm sau, Công Phượng và Lee Nguyễn chạm mặt nhau ở hai đầu chiến tuyến, khi HAGL tiếp đón CLB TP.HCM tại V.League 2021. Lúc này, Công Phượng đã trở thành ngôi sao bóng đá được yêu mến hàng đầu Việt Nam với nhiều thành tích lớn cùng các đội tuyển.
Không chỉ đóng vai trò Mascot, nhiều cậu bé khác cũng tham gia những “việc nhỏ” trên sân, đó là nhặt bóng. Thông thường, nhiệm vụ này sẽ được giao cho cầu thủ trẻ. Trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 giữa Việt Nam và Thái Lan, tiền vệ Đức Huy và trung vệ Đỗ Duy Mạnh cũng góp mặt với vai trò đặc biệt đó. Sau đó đúng 10 năm, cả hai đã trở thành những nhà vô địch của Đông Nam Á. Khi trận đấu kết thúc, Đức Huy khoác trên vai lá cờ đỏ sao vàng, ngồi sau biển quảng cáo để "ngắm nhìn" giấc mơ thành sự thật và nói: "10 năm trước em cũng ngồi ở chỗ này này".
Đức Huy ngồi tại vị trí nhặt bóng để nhớ về kỷ niệm AFF Cup 2008 sau khi giành chức vô địch năm 2018 (Ảnh: Huyền Phạm)
Giấc mơ được thắp sáng
Năm 2008, khi Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup, Quang Hải vẫn chỉ là một cậu nhóc sắp lên cấp 2, Công Phượng mới gia nhập lò đào tạo HAGL JMG, những cậu bé đồng chăng lứa của họ thời bấy giờ vẫn mơ về những chiếc Iphone chưa có camera trước, hay một bộ Playstation 3... Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ đó đến nay, bóng đá Việt Nam cũng vậy.
Sau cú hích tại U23 châu Á 2018, ngọn lửa với trái bóng tròn lại bùng cháy trong tim mỗi người dân Việt Nam. Các sân đấu tại V.League có thêm khán giả, một số CLB Việt Nam như Hà Nội FC, Viettel, HAGL bắt đầu nghĩ đến chuyện vươn tầm châu lục. Với người lớn, bóng đá Việt trở thành câu chuyện hấp dẫn trong bữa cơm hằng ngày hay lướt web buổi sáng. Với những đứa trẻ, chúng đã nói nhiều hơn về pha ăn mừng kiêu hãnh của Văn Thanh, cú sút phạt "cầu vồng trong tuyết" của Quang Hải, giấc mơ được sải bước trên sân cỏ cũng vì thế mà được nhen nhóm.
Bắt đầu từ việc tham gia các lớp học bóng đá, đến đóng góp một phần nhỏ trong các trận đấu như làm Mascot, trao bóng cho trọng tài hay nhặt bóng, những đứa trẻ sẽ có thêm tình yêu với thể thao, khát khao theo đuổi mục tiêu trở thành vận động viên chuyên nghiệp như Wayne Rooney, Đức Huy, Duy Mạnh...
Một số hình ảnh đẹp về Mascot trong các trận đấu
Tại SEA Games 31, những cậu bé, cô bé trên khắp Việt Nam sẽ có cơ hội được đồng hành cùng các cầu thủ từ đường hầm ra sân thông qua chương trình “Cùng Con Cưng tháp tùng tuyển thủ ra sân”. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, SEA Games 31 là lần đầu tiên thực hiện việc tuyển chọn các fan nhí công khai từ cộng đồng. Không chỉ được trải nghiệm cảm giác bước ra từ đường hầm, các bé còn cơ hội trao bóng cho trọng tài, lưu lại khoảnh khắc vô giá trong những trận đấu được cả Đông Nam Á theo dõi.
Hoạt động trẻ em ra sân cùng cầu thủ tại các trận đấu được bắt đầu từ những năm 90s, được khởi xướng bởi FIFA (Liên đoàn bóng đá Thế giới) và UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) với mục tiêu tôn vinh quyền lợi của trẻ em (“Say YES for children”). Bên cạnh đó, đây là dịp để truyền cảm hứng, ngọn lửa đến những em bé có niềm đam mê với trái bóng tròn. Ai biết được một trong những đứa trẻ trao bóng ở SEA Games 31 năm nay lại có thể trở thành nhân chứng lịch sử bóng đá Việt Nam trong 10 năm tới - 1 chu kỳ thành công có thật của bóng đá nước nhà.