Theo trang Kyodo News, một người đàn ông Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản thông qua chương trình tu nghiệp sinh nước ngoài đã bị buộc phải trở về nước sau khi xin nghỉ phép về cưới vợ.
Chàng trai 27 tuổi giấu tên cho biết mình làm việc tại một công ty chế biến thủy sản ở thành phố Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản suốt gần một năm nay cho đến khi nhân viên công ty hợp tác quản lý lao động Boso đến kí túc xá và bắt đầu gói ghém toàn bộ đồ đạc của anh vào ngày 6 tháng 3 vừa qua.
Chàng trai trả lời phỏng vấn của trang Kyodo News vào tháng 3 vừa qua tại thành phố Vinh, Việt Nam.
Chia sẻ với trang Kyodo News tại Vinh mới đây, anh cho biết vào lúc 5h sáng ngày hôm đó, 4 nhân viên thuộc công ty này đã đến gõ cửa trong lúc anh còn đang ngủ, và nói với anh rằng anh đã đòi hỏi qua nhiều. Họ đưa anh đến văn phòng hành chính địa phương để tiến hành các thủ tục giấy tờ và yêu cầu anh lên máy bay trở về Việt Nam.
"Lúc đó đầu óc tôi đều trống rỗng, cả người tôi thì bắt đầu run rẩy. Tôi không làm nổi bất cứ việc gì", chàng trai cho biết.
Tuy nhiên, khi vợ chưa cưới của chàng trai trẻ đệ đơn khiếu nại đến công ty quản lý lao động này, một phiên dịch viên người Việt đã nói với cô rằng xin nghỉ hưởng lương không công là hành vi "không phù hợp" với một tu nghiệp sinh.
Trước mắt, cả 2 công ty liên quan đến vụ việc đều từ chối bình luận về vụ việc do đang trong quá trình thương thảo với công đoàn Zentouitsu, tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cho tu nghiệp sinh này.
Theo luật sư Shoichi Ibusuki, người thường xuyên giải quyết liên quan đến các chương trình tu nghiệp sinh cho biết đây là một vấn đề mang tính chất hệ thống. "Những tu nghiệp sinh thường nợ một khoản lớn cho việc sang Nhật. Do đó, phía quản lý giám sát và các công ty tuyển dụng có quyền quyết định tất cả hoạt động của nhân viên, đã biến mối quan hệ mang tính chất cấp dưới thành một dạng nô lệ".
Được biết, bắt đầu từ năm 1993, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành mở cửa cho lao động nước ngoài đến làm việc với mục đích chuyển giao kỹ năng kỹ thuật cho các nước khác. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chương trình này để bóc lột người lao động.
(Theo Kyodo News)