Trong gần nửa thập kỷ qua, nhắc đến những ông lớn smartphone là nhắc đến Apple, Samsung và các hãng Trung Quốc. Đáng tiếc rằng, cũng trong cả quãng thời gian dài ấy, smartphone Trung Quốc đã phải mang một tiếng xấu... hoàn toàn xứng đáng: Họ vẫn chịu ảnh hưởng quá lớn từ Apple và Samsung.
Đơn cử, iPhone 6 đã trở thành nguyên mẫu cho rất nhiều những bản sao từ OPPO và Vivo, Mi 8 là bản sao không biết xấu hổ của iPhone X, còn Huawei thì copy đến cả giao diện ứng dụng.
Nhắc đến smartphone Trung Quốc là nhắc đến cái bóng quá lớn của Apple. Ảnh: iPhone X và Huawei P20 Pro.
Nhưng trong lúc cảm hứng từ Apple vẫn còn quá rõ ràng, smartphone Trung Quốc đã có những bước tiến của riêng mình. 2018 là năm họ bùng nổ. 2019 là năm họ khẳng định vị thế.
Vô hình trung, sự kiện ra mắt Galaxy S8 và iPhone X đã đẩy cả thế giới smartphone vào cuộc đua đến cái đích "toàn màn hình", nơi 4 bên viền được giảm nhỏ hết mức có thể. Dẫu rằng Apple và Samsung đã dẫn trước, Vivo và OPPO lại là những người cán đích đầu tiên.
Đó là tại Hội nghị di động MWC 2018, chỉ vài tháng sau khi iPhone X ra đời. Bằng công nghệ camera thò thụt chưa từng có trên bất kỳ một dòng smartphone nào trước đó cũng như công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình, Vivo đã tạo ra chiếc smartphone "toàn màn hình" đầu tiên khi loại bỏ được tất cả các linh kiện khác khỏi mặt trước. Dẫu cho chiếc smartphone này chỉ là bản mẫu, Vivo đã nhanh chóng hoàn thiện lên mẫu NEX được ra mắt vào đúng mùa World Cup. Người anh em cùng một nhà là OPPO sau đó cũng sử dụng cùng một ý tưởng để tiến đánh lên phân khúc cao cấp qua chiếc Find X.
Thật khó tin, nhưng người Trung Quốc đã chạm tới "toàn màn hình" trước cả Apple và Samsung. Ảnh: Vivo Nex và OPPO Find X.
Đến nửa cuối của năm, Lenovo và Xiaomi cùng nhau hồi sinh khái niệm điện thoại nắp trượt, đẩy camera trước nhô ra khỏi màn hình. Bằng cách sử dụng các cơ chế cơ học, người Trung Quốc đã vượt mặt cả Apple lẫn Samsung trong cuộc đua toàn màn hình.
Ấn tượng hơn, không chỉ bằng các cơ chế chuyển động cơ học, smartphone Trung Quốc còn tiên phong trong các công nghệ "xóa sổ viền màn hình" khác. Những chiếc smartphone "giọt nước" ra mắt từ Vivo, OPPO và Honor trước tiên, và đến tháng 12 thì Huawei/Honor vén màn smartphone "đục lỗ" cùng một ngày với Galaxy A8S. Smartphone Trung Quốc từng tích cực (và mù quáng) chạy theo trào lưu tai thỏ, giờ chính họ làm cho iPhone XS có vẻ lỗi thời khi nhìn từ mặt trước.
Từng ám ảnh với tai thỏ, giờ smartphone Trung Quốc lại tích cực đẩy thiết kế này vào dĩ vãng. Ảnh: OnePlus 6T.
Trong tháng 2 vừa qua, OPPO và Huawei đã cùng nhau trở thành những tên tuổi đầu tiên sở hữu cơ chế ống kính xếp (folded lens) trên smartphone. Trên OPPO Reno, cơ chế này đã giúp cho smartphone có thể zoom quang học tới 10X. Kết hợp cùng thuật toán tương tự như Super Res Zoom của Google, Huawei thậm chí còn giúp cho P30 Pro có thể zoom tới 50X, chất lượng gần ngang với zoom quang học.
Huawei cũng thu hút rất nhiều sự chú ý khi chuyển sang dùng cảm biến RYYB. Dẫu rằng bộ lọc màu RYYB sẽ không thể thu được màu sắc chính xác như RGGB, lựa chọn độc đáo này đã giúp P30 Pro trở thành ông vua tuyệt đối của lĩnh vực chụp ảnh thiếu sáng trên smartphone. Nếu bạn thích chụp ảnh trong môi trường tối om, P30 Pro là lựa chọn tuyệt hơn cả iPhone XS lẫn Galaxy S10.
Zoom "khủng" và camera thò thụt là đặc sản của người Trung Quốc. Ảnh: OPPO Reno.
Dĩ nhiên, một lần nữa chúng ta vẫn phải nhắc về cơ chế camera có thể coi là "độc quyền" của người Trung Quốc: camera trượt. Khi OPPO Reno hoàn thiện cơ chế này cả về trải nghiệm sử dụng lẫn thiết kế, Samsung cũng đã buộc lòng phải đáp trả người Trung Quốc bằng chiếc Galaxy A80 kết hợp giữa thò thụt và xoay camera sau ra trước. Một sản phẩm cạnh tranh từ đối thủ lớn nhất chính là sự công nhận xứng đáng dành cho những gì OPPO/Vivo đã tiên phong.
Cuối cùng, dù vẫn có nhiều model mang "âm hưởng" của Apple, tất cả các hãng Trung Quốc đều đã nỗ lực đi tìm thiết kế của riêng mình. Với Reno, OPPO đã thiết lập phong cách "đường chỉ lưng" khá độc đáo. Nhìn vào chiếc smartphone này, không ai nhớ được rằng chỉ vài năm trước OPPO có cả tá điện thoại "học" theo vỏ nhôm của iPhone 6.
Về phần mình, Huawei đã trở thành tên tuổi đầu tiên khai phá cho lớp vỏ gradient, nơi ánh sáng phản chiếu qua mặt lưng nhiều lớp để ngả màu một cách đầy ấn tượng. Cũng giống như camera thò thụt, màu gradient trở thành một đặc sản gần như là của riêng người Trung Quốc khi Huawei, Honor, OPPO và Vivo liên tục ra mắt các công nghệ tương tự. Samsung sau đó cũng đã có câu trả lời bằng nhiều mẫu Galaxy A của năm 2018, nhưng iPhone XS thì chưa. Một lần nữa, smartphone Trung Quốc đã lại vượt mặt Apple.
Vỏ "khoe linh kiện" giúp Mi 8 từ bản sao trắng trợn của iPhone X trở thành một sản phẩm có chất riêng trên phiên bản EE.
Đến cả Xiaomi là kẻ copy Apple trắng trợn nhất cũng đã tìm đường xây dựng phong cách riêng cho dòng Mi cao cấp: cả Mi 8 và Mi 9 đều có phiên bản Explorer với lớp lưng giả linh kiện. Dù rằng không phải chỉ Xiaomi mới có vỏ lưng này, ít nhất thì kiểu thiết kế kì dị này cũng giúp cho 2 thế hệ Mi trở nên nổi bật trong số các mẫu smartphone đến từ các thương hiệu top 5. Chuyển sang vỏ giả linh kiện, Mi 8 đã khiến cái bóng rõ rệt của Apple trên Mi 8 "thường" trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
2019 là một cột mốc đặc biệt của làng smartphone. Nếu so sánh giữa iPhone XS, Galaxy S10 và các sản phẩm đình đám của Trung Quốc, ai ai cũng sẽ phải công nhận rằng hàng Trung Quốc độc đáo hơn hẳn. Càng ngày, các ông lớn Đại Lục như Huawei, Xiaomi và OPPO/Vivo càng tỏ rõ quyết tâm thoát khỏi cái bóng của Apple và Samsung.
Đã đến lúc smartphone Trung Quốc khoác lên mình những sắc màu tươi mới.
Đó sẽ là một hành trình rất dài, nhất là khi Apple vẫn đang độc bá phân khúc cao cấp còn Samsung vừa trở mình để giữ vững vị thế số 1 thế giới. Song, ngay cả những gì smartphone Trung Quốc đang làm được cũng là một thành tựu: Họ đã có những yếu tố mới lạ đi trước cả Apple và Samsung. Chỉ riêng quyết tâm ấy thôi đã là quá đủ để smartphone Trung Quốc có thể chuẩn bị cho những bất ngờ tiếp theo.