Từ câu chuyện cha vợ giết chết con rể: Bi kịch của sự nín nhịn

Hoàng Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 18/05/2016
Chia sẻ

Câu chuyện người cha vợ bình thản chở xác con rể đẫm máu sau yên xe máy, vượt qua các con đường đô thị đi đến đồn công an tự thú gây rúng động cộng đồng, chủ yếu do hình ảnh đập thẳng vào cảm xúc người xem.

Những vụ án kiểu như vậy, đáng tiếc thay, không phải quá hiếm hoi

- Tháng 1/2014, Nghệ An: Suốt 12 năm, bà Trương Thị Bài (54 tuổi) bị chồng chửi bới, đánh đập. Nhiều lần mẹ con bà phải sang nhà hàng xóm xin ngủ nhờ. Nhưng chồng bà lại sang chửi hàng xóm khiến họ không dám chứa bà nữa.

Một hôm giáp Tết, ông chồng say rượu về tiếp tục chửi vợ, bắt cả nhà ngày 30 và sáng mùng một Tết cũng phải đi làm, "nếu không sẽ chém ra 8 nhát". Sau đó ông đuổi đánh vợ con khiến họ phải chạy trốn xuống nhà nuôi gà để ngủ. Việc này cứ tiếp diễn liên tục suốt trong buổi sáng hôm sau.

Từ câu chuyện cha vợ giết chết con rể: Bi kịch của sự nín nhịn - Ảnh 1.

Những giọt nước mắt của bà Bài khi đứng trước vành móng ngựa. (Nguồn: Vietnamnet)

Trong đỉnh điểm xô xát, bà Bài thấy một con dao để dưới đầu giường liền với lấy và chém nhiều nhát vào đầu ông Toàn. Bà Bài nói với con trai 11 tuổi:"Không giết được cha mi lần sau tau không yên".

Tại phiên tòa phúc thẩm, 2 con gái đã lớn của bà Bài vừa khóc vừa đề nghị xem xét giảm nhẹ tội cho mẹ vì mẹ đã "sống quá khổ sở trong thời gian dài, bị ức chế, không làm chủ được bản thân". Những người dự khán phiên tòa cũng không cầm được nước mắt khi nghe cáo trạng nhắc lại những ngày tháng thủ phạm bị nạn nhân đánh đập, hành hạ. Chính bà Bài cũng nhiều lần ngất xỉu.

Phiên tòa phúc thẩm đã giảm án cho bà Bài từ 4 năm tù về tội "Giết người" xuống 3 năm tù về tội "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" (điều 95 Bộ luật hình sự).

- Cùng bi kịch như bà Bài, tháng 10/2015, Khánh Hòa: Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy thường xuyên bị chồng chửi bới, đánh đập suốt nhiều năm. Ra ở riêng chồng lại mò đến đánh chửi và nhấn đầu bà xuống ao nước. Bà Thúy cầm dao cảnh cáo nhưng ông này vẫn thách thức và lao về phía bà đòi đánh tiếp. Bà Thúy đã đâm vào ngực chồng khiến ông này tử vong.

-2014, Quảng Nam: Trần Văn Nam (lúc ấy 33 tuổi) giết vợ. Vợ Nam đã ngoại tình 4 năm. Hai vợ chồng ly thân, thỉnh thoảng Nam về thăm con thì tình nhân của vợ thường xuyên gọi điện, nhắn tin xúc phạm, đe dọa giết. Một ngày, Nam núp dưới gầm giường trong nhà nghỉ rình vợ và tình nhân, sau đó dùng dao đâm vào người anh kia nhiều nhát khiến nạn nhân chết tại chỗ.

-2014, Thanh Hóa: ông T giết con trai để cứu cháu nội. Sau một cuộc nhậu chưa đã, bị bố gọi về, con trai ông T (23 tuổi), cãi vã, cầm thanh gỗ xông vào đánh và đấm cả cha lẫn mẹ. Sau đó hắn tuyên bố sẽ giết cả gia đình và vào phòng lôi bé trai 4 tuổi là cháu gọi bằng chú, kề dao vào cổ dọa giết. Khi hắn vung dao chém vào đầu cháu bé và cố chém bằng được thì ông T dùng thanh gỗ đập nhiều nhát vào đầu khiến hắn tử vong. Vết thương trên đầu cháu bé phải khâu 7 mũi.

Từ câu chuyện cha vợ giết chết con rể: Bi kịch của sự nín nhịn - Ảnh 2.

Vì cứu cháu nội mà ông T đã xuống tay giết chết chính đứa con trai ruột của mình. (Nguồn: Người lao động)

Khi người phụ nữ mặc nhiên chấp nhận bi kịch của mình

Theo số liệu của ngành tòa án, trong 3 năm từ 2007 đến 2009, số vụ giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là 464 vụ, chiếm 6,1% tổng số vụ giết người. Rất tiếc không có thống kê mới hơn. 464 người này rất khác nhau về trình độ học vấn, nghề nghiệp, giới tính, tính cách... nhưng đều có điểm giống nhau là gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Đó là một hành vi được giải thích rất rõ trong luật: nó chỉ tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, không tự kiềm chế được hành vi phạm tội, không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức.

Khi đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình.

Từ câu chuyện cha vợ giết chết con rể: Bi kịch của sự nín nhịn - Ảnh 3.

Theo những lời tâm sự chua chát của vợ ông Nam, trước đó bà tính đi báo công an vì con gái bị đánh quá nhiều và gia đình bà luôn trong trạng thái bị con rể dọa giết chết bất cứ lúc nào, nhưng chồng bà đã ngăn cản.

Một văn bản hướng dẫn luật của Tòa án nhân dân tối cao nói rõ: "Sự kích động mạnh phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra cho bản thân hoặc cho những người thân thích của người phạm tội như ông, bà; cha, mẹ; vợ, chồng; con; anh, chị, em ruột… nên phản ứng dẫn tới hành vi giết người. (Cụ thể như trường hợp Đại úy Ngô Văn Vinh, Hoàng Anh Duy, ông T.)

Những trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được (như trường hợp của bà Bài, bà Thúy, anh Nam).

Nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh. Ở một khía cạnh dân dã hơn, câu "tức nước vỡ bờ" là nhận xét buột ra cửa miệng đa số người đọc.

Nhìn lại chuỗi phản ứng của các thủ phạm đồng thời cũng là nạn nhân của chính người bị mình giết chết, dễ dàng nhận thấy họ hành xử rất cực đoan. Hoặc họ thụ động nín lặng, chịu đựng, hoặc ngược lại, đổ thêm dầu vào lửa, thách thức hăm dọa.

Từ câu chuyện cha vợ giết chết con rể: Bi kịch của sự nín nhịn - Ảnh 4.

Những phụ nữ học vấn thấp sống ở nông thôn thì coi đó là số phận, là quyền của người chồng hoặc "xấu chàng hổ ai". Họ mặc nhiên chấp nhận bi kịch của mình.

Người ta thường có xu hướng coi bi kịch sau cánh cửa gia đình là chuyện riêng của người khác nên bàng quan thờ ơ. Hoặc coi nhẹ nó theo kiểu "Chén trong sóng còn khua" hoặc bàng quan, thờ ơ coi đó là chuyện hoàn toàn riêng tư, không thể can thiệp.

Chính những cặp nạn nhân-thủ phạm cũng "thấm nhuần" điều đó. Những phụ nữ học vấn thấp sống ở nông thôn thì coi đó là số phận, là quyền của người chồng hoặc "xấu chàng hổ ai". Họ mặc nhiên chấp nhận bi kịch của mình. Họ không tìm tới các cơ quan sinh ra để làm bổn phận ngăn ngừa tội phạm và chăm sóc phụ nữ trẻ em, như các hội phụ nữ các cấp hay công an địa phương.

Các hội phụ nữ cũng vô cùng yếu đuối. Chẳng mấy trường hợp họ có thể đứng ra giúp nạn nhân của nạn bạo hành tố cáo người hành hung.

Trong trường hợp của những người phụ nữ bị bạo hành lâu năm, người chồng có thể đã phạm vào tội hành hạ ngược đãi (vợ, con). Hành vi này theo bộ luật Hình sự, có thể bị đi tù.

Thế nhưng vì không ý thức được quyền của mình nên họ cứ nghiến răng uất ức oán hận nín nhịn mãi, cuối cùng một ngày kia giọt nước tràn ly. Và vỡ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày