Mới đây, L.T.X (SN 2003, học lớp 9 Trường THCS Hồ Tùng Mậu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) không may bị điện giật khi đang sử dụng điện thoại dẫn tới tử vong khi khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa.
Đám tang của em X. được tổ chức theo phong tục
Hình ảnh nữ sinh Lê Thị X. trước đó.
Thực tế, đây không phải sự cố đầu tiên do sạc điện thoại. Trước đó đã ghi nhận một số người bị tử vong hay nổ nát tay khi vừa sạc pin vừa tranh thủ sử dụng điện thoại.
Một vụ tử vong thương tâm do sạc pin điện thoại tương tự xảy ra trước đó tại xóm 1, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Vào ngày 20/9, ông Lê Văn Vị (49 tuổi) đi làm về gọi con dâu là chị N.T.L. (24 tuổi) mãi vẫn không thấy trả lời. Ông liền vào phòng chị L. kiểm tra thì tá hỏa phát hiện con dâu mình đang nằm bất động trên sàn nhà, phía cổ còn có một chiếc điện thoại đang sạc.
Hiện trường vụ tai nạn khiến một phụ nữ tử vong ở Nghệ An
Cơ quan công an nhận định, nạn nhân bị điện giật dẫn đến tử vong trong lúc sạc điện thoại di động. Theo người nhà nạn nhân chiếc điện thoại của chị L. đang dùng là loại iPhone 3.
Hay trường hợp của một bé trai 13 tuổi ở quận Bình Tân, TP.HCM bị tử vong do nghịch điện thoại đang sạc pin. Theo đó, trong lúc sang nhà chú chơi, cháu bé có trèo lên gác, thấy chiếc điện thoại đang được cắm pin sạc nên lấy chơi. Được một lúc, ổ cắm có khe hở khiến cháu bị giật bất tỉnh. Người nhà đã nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên nạn nhân đã tử vong ngay sau đó.
Một bệnh nhi bị dập nát bàn tay vì vừa chơi vừa sạc pin điện thoại
Tương tự, một bệnh nhi 8 tuổi ở Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La bị dập nát bàn tay vì vừa chơi vừa sạc pin cho máy thì điện thoại bất ngờ cháy kèm theo nhiều tiếng nổ khiến tay phải của cháu bị thương nặng. Khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt làm mỏm cụt cho bệnh nhi.
Mới đây nhất, vào khoảng 21h ngày 14/11, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Nga (trú tại khối Lê Lợi, phường Quang Tiến, TX. Thái Hòa, Nghệ An) đã bị thiêu rụi hoàn toàn do cục sạc điện thoại bất ngờ chập nổ phát lửa. Ngọn lửa nhanh chóng bùng lên và lan sang các vật dụng khác trong nhà.
Toàn bộ tài sản trong nhà chị Nga bị cháy.
Chuyên gia cảnh báo: "Tuyệt đối không được nghe điện thoại khi đang cắm sạc!"
Ths. Nguyễn Phúc Ngọc, giảng viên bộ môn Điện tử Viễn thông, trường Đại học Vinh khẳng định, xác suất vừa sử dụng điện thoại vừa sạc mà dẫn đến điện giật chết người là rất nhỏ, nhưng không phải không xảy ra.
Ảnh minh họa.
"Những vụ tai nạn trong lúc sạc thời gian gần đây thực chất là do dây sạc không đảm bảo chất lượng. Bộ sạc còn có một bộ phận cách li điện áp giữa đầu vào - đầu ra, bộ phận này cũng có chức năng biến đổi điện áp từ 220V xuống điện áp thấp", Ths. Ngọc nói.
Chiếc dây sạc mà em X. dùng
Thông thường sạc pin điện thoại cũng có hiệu điện thế rất nhỏ (thường là dưới 5V), nhưng khi đoản mạch dẫn đến chập điện sẽ tạo ra cường độ dòng điện rất lớn, phóng thẳng tới điện thoại dẫn đến việc người dùng bị điện giật, phát nổ điện thoại ngay trên tay.
Ths. Ngọc cho biết thêm, khi dùng dây sạc không bảo quản đúng cách dễ dẫn đến bị đứt gãy ngầm phía trong và khi cắm điện sẽ chập điện.
"Sạc lậu bây giờ khá phổ biến, nó khá rẻ so với hàng chính hãng, chỉ khoảng vài chục nghìn thôi nên nhiều người mất sạc thì mua để dùng tạm. Tuy nhiên, những bộ sạc này có bộ chuyển đổi mạch điện thô sơ, IC không rõ nguồn gốc sẽ khiến cho thiết bị điện thoại bị ảnh hưởng, dẫn đến việc an toàn người dùng sẽ bị đe dọa", Ths. Ngọc nói.
Vì vậy, Ths. Ngọc khuyến cáo cách phòng tránh sự cố tử vong khi dùng điện thoại, điều đầu tiên là không sử dụng sạc, pin kém chất lượng; Không nói chuyện điện thoại quá lâu, khi bị nóng máy, cần chờ đến khi điện thoại quay trở về bình thường rồi mới sử dụng; Tuyệt đối không gọi điện trong khi sạc; Khi thấy dây sạc có dấu hiệu hỏng, đứt cần phải kiểm tra và thay thế bằng dây sạc mới để đảm bảo an toàn.