Từ bé gái Afghanistan tuyệt vọng trốn chạy khỏi họng súng Taliban đến nữ cầu thủ "đánh bom" nổi danh trời Âu, thông thạo 7 ngôn ngữ

Thành An, Theo Nhịp Sống Việt 19:53 18/08/2021
Chia sẻ

Nadia Nadim có thể không may khi sinh ra vào thời loạn lạc nhưng cô biết vượt lên mọi nghịch cảnh để hướng về phía vinh quang.

Năm 1998, khi mới 10 tuổi, Nadia Nadim phải chứng kiến một trong những thảm kịch lớn nhất đời mình. Người cha - một vị tướng trong quân đội Afghanistan - bị phiến quân Taliban sát hại. Sống trong sợ hãi và không thể làm việc, mẹ của Nadia đành đánh cược, âm thầm bán hết mọi tài sản giá trị để trả tiền cho một tổ chức buôn người, với hy vọng chúng sẽ giúp bà và 5 cô con gái nhanh chóng trốn khỏi Afghanistan.

Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng "chuyến bay đi đến tự do" của gia đình Nadia cũng đến. Song cuộc trốn chạy luôn ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Cả nhà phải sử dụng hộ chiếu giả để lên máy bay, bị nhốt trong xe tải nhiều ngày với chút ít thức ăn và nước uống. Dẫu vậy, nỗi sợ hãi tột độ không thể đánh gục được ý chí kiên cường của 6 mẹ con.

Nhưng khi cánh cửa của chiếc xe tải mở ra, họ không thấy bầu trời nước Anh như thỏa thuận trước đó. Hóa ra, những kẻ buôn người đã đưa gia đình Nadia đến Đan Mạch.

Từ bé gái Afghanistan tuyệt vọng trốn chạy khỏi họng súng Taliban đến nữ cầu thủ đánh bom nổi danh trời Âu, thông thạo 7 ngôn ngữ - Ảnh 1.

Nadia Nadim (trái) khi còn là một bé gái sinh sống cùng gia đình ở Afghanistan (Ảnh: Instagram)

Trong cái rủi lại có cái may, dù bị đưa vào trại tị nạn, cuộc sống ở một quốc gia hiền hòa như Đan Mạch không đến nỗi nào với Nadia, mẹ và các chị em. Cô bé 10 tuổi thậm chí tìm được niềm đam mê lớn nhất đời mình tại đây.

"Tôi bắt đầu chơi bóng trong trại tị nạn khi còn nhỏ và rất yêu thích môn thể thao này. Tôi còn không mường tượng ra các cầu thủ nữ có thể đạt đến trình độ như thế nào. Tôi chỉ biết nỗ lực luyện tập chăm chỉ và tin tưởng vào năng lực của bản thân. Cứ thế, tôi tiến lên từng bước một", Nadia chia sẻ trong cuốn tự truyện Mon Histoire kể về cuộc đời mình.

Tài năng của Nadia được phát hiện. Cô bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp cho CLB Fortuna Hjorring và vinh dự được nhập quốc tịch, khoác áo ĐTQG Đan Mạch. Sự nghiệp của cô bé từng phải trốn chạy họng súng Taliban lên như diều gặp gió. Khả năng săn bàn ấn tượng khiến những người yêu mến đặt cho cô biệt danh: "Kẻ đánh bom".

Từ bé gái Afghanistan tuyệt vọng trốn chạy khỏi họng súng Taliban đến nữ cầu thủ đánh bom nổi danh trời Âu, thông thạo 7 ngôn ngữ - Ảnh 2.

Nadia trong màu áo ĐT nữ Đan Mạch (Ảnh: Getty)

Nadia chuyển sang khoác áo những CLB nữ hàng đầu châu Âu như Manchester City và PSG. Kết thúc mùa giải năm ngoái với chức vô địch nước Pháp cùng PSG, Nadia quyết định ra đi, chuyển đến Racing Louisville FC (Mỹ) để viết chương tiếp theo trong sự nghiệp của mình.

"Tôi căm ghét thất bại. Mỗi khi ra sân hay làm bất cứ việc gì, tôi đều hừng hực khí thế. Tôi như một người lính luôn phải đứng dậy và quay trở lại trận chiến, dù bất kể đối thủ là ai. Những gì đã trải qua khi còn nhỏ (trốn chạy Taliban và sống cảnh đói nghèo trong trại tị nạn) đã rèn giũa tôi trở thành con người của hiện tại. Tôi thực sự thích chiến thắng và thành công", nữ ngôi sao 33 tuổi chia sẻ.

Với một người giàu tham vọng như Nadia Nadim, chỉ niềm đam mê bóng đá thôi là chưa đủ. Mức lương của một ngôi sao bóng đá nữ vẫn thực sự rất khiêm tốn. Ý thức được điều đó, cô bắt đầu theo học ngành y khi còn thi đấu chuyên nghiệp ở Đan Mạch. Hiện Nadia đã gần đủ tiêu chuẩn để trở thành một bác sĩ phẫu thuật, chuyên về phẫu thuật tái tạo. Ngoài ra, cô còn có thể giao tiếp tốt bằng 7 ngôn ngữ khác nhau.

"Điều tôi yêu thích là luôn đặt áp lực và trách nhiệm lên vai. Nó sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên sống động hơn. Tôi biết mình có trí tuệ sáng suốt và không muốn nó trở nên lãng phí. Là một bác sĩ, tôi có thể kiếm được rất nhiều tiền", Nadia từng chia sẻ.

Nữ cầu thủ gốc Afghanistan và những thành công gặt hái được khi khoác áo PSG (Ảnh: Getty)

Rời xa quê hương Afghanistan khi còn nhỏ nhưng Nadia Nadim vẫn theo đạo Hồi. Cô không phải đeo mạng che mặt nhưng thừa nhận từng phải sống khó khăn khi là tín đồ Hồi giáo ở châu Âu. "Tôn giáo giúp tôi có niềm tin để đương đầu với mọi thứ xung quanh mình. Tôi biết, có những người sẽ nhìn tôi khi chơi bóng và nói: 'Ồ, cô ấy không thể là một người Hồi giáo'. Nhưng đó là quan niệm sai lầm".

"Đạo Hồi hay các tôn giáo khác cũng đều mong muốn hướng con người đến sự lương thiện. Thật không may khi xu hướng sợ người Hồi giáo lại lan rộng đến vậy. Tất cả chỉ bởi nhóm thiểu số những kẻ khủng bố đang làm hỏng tôn giáo của chúng tôi", nữ cầu thủ sinh năm 1988 khẳng định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày