Kiệt sức với công việc, bế tắc trong cuộc sống, trách nhiệm gia đình, sức khỏe suy giảm và dần dần không thể làm được điều mình muốn, dường như mọi áp lực đều dồn lên vai những người độ tuổi này và xuất hiện cái được gọi là "khủng hoảng tuổi trung niên."
Tuy nhiên, có người sẽ bị những vấn đề đó đeo bám cả đời, còn có người lại tràn đầy năng lượng mà vượt qua chúng. Kết quả đó xuất phát từ cách mà mỗi người lựa chọn để đương đầu với những khủng hoảng này.
Trong khoảng thời gian công việc gặp phải khó khăn, nhiều người như người ngồi trên đống lửa. Họ bồn chồn, lo lắng nhưng vẫn vùi đầu trong bàn làm việc, không dám dừng dù chỉ một giây, bởi họ cho rằng bận rộn mới giúp bản thân trốn thoát khỏi những âu lo, sự trống rỗng vô tận.
Nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu một con vật nhỏ bị bịt mắt và nhốt vào lồng, nó sẽ làm gì? Vì không nhìn thấy gì nên theo bản năng nó sẽ quằn quại, điên cuồng và cố gắng thoát ra khỏi lồng. Kết quả nó vẫn không thể thoát ra được mà còn tự làm tổn thương mình.
Vì vậy, khi đối đầu với thử thách, việc bạn cần làm trước tiên là phải bình tĩnh. Việc chỉ chăm chăm nhìn vào vấn đề hiện tại chưa chắc đã là một giải pháp hay. Thay vào đó, bạn nên "dọn dẹp" lại tâm trí, công việc, sau đó cẩn thận xem xét, nhìn nhận lại khó khăn đang gặp phải, về những gì bạn đã và đang làm để có thể đưa ra một quyết định sáng suốt hơn.
Những ý tưởng, sáng kiến hay có thể dễ dàng tìm đến hơn khi đầu óc, tâm trí bạn đang ở trong trạng thái thoải mái nhất.
Sống trong giới hạn của bản thân thường giúp chúng ta cảm thấy an toàn, thoải mái. Tuy nhiên, thế giới ngoài kia rất rộng lớn và mỗi người chỉ sống có một lần. Nếu bạn cứ quanh quẩn trong "vùng an toàn" thì không thể nào khám phá, không thể nào có được những trải nghiệm mới, không biết được mình có thể tiến xa đến đâu, làm được những gì. Vượt qua giới hạn là cách để mỗi người khám phá thế giới cũng như khám phá chính mình. Vì vậy, đừng bao giờ tự giới hạn bản thân!
Rich Karlgaard, nhà xuất bản tạp chí Forbes, người phụ trách xuất bản nhiều bảng xếp hạng, nghiên cứu khác nhau, nên ông có cơ sở để đưa ra nhận định rằng tuổi trung niên thực sự là một lợi thế lớn.
Những phát hiện của khoa học nói rằng não bộ con người phát triển một cách cân bằng ở từng giai đoạn, và sự cân bằng này kéo dài suốt cuộc đời con người. Và ở độ tuổi trung niên, khi sự hiểu biết về xã hội đạt đến đỉnh cao, cùng với khả năng diễn đạt ngôn ngữ và những trải nghiệm phong phú mà tuổi tác mang lại sẽ là một lợi thế cạnh tranh mà bạn cần tìm cách để có thể khai thác, tận dụng hết.
Quá trình trưởng thành, khám phá bản thân, cuộc sống là cả một hành trình dài, và bạn cần không ngừng trau dồi, học hỏi những điều mới để có thể thích ứng được với những thay đổi, biến động của môi trường.
Một công cụ tiện lợi, nhanh chóng mà không hề đắt đỏ giúp bạn tiếp cận kiến thức mới chính là sách vở. Các nhà khoa học đã tốn không ít thời gian, công sức để cho ra những nghiên cứu, chứng minh giúp ích cho nhân loại. Những tác giả kể lại câu chuyện, kinh nghiệm sống quý giá của mình trên những trang sách. Việc chúng ta nên làm chính là tìm cách để tiếp cận, tận dụng những thành quả đó, bạn hoàn toàn có thể tìm ra câu trả lời cho vấn đề của mình qua những trang sách.
Tóm lại, "khủng hoảng" không đáng sợ, điều đáng sợ là khoảnh khắc bạn từ bỏ chính mình. Hy vọng rằng mỗi chúng ta có thể an toàn vượt qua những thời điểm khủng hoảng trong cuộc đời để trở thành một phiên bản tốt hơn.