Trưởng đoàn cứu hộ Bộ Công an kể điều tiếc nuối nhất khi làm nhiệm vụ ở Myanmar

MINH TUỆ/VTC News, Theo vtcnews.vn 19:10 09/04/2025
Chia sẻ

Hơn 1 tuần thực hiện nhiệm vụ tại Myanmar, đoàn cứu hộ Bộ Công an đưa 7 thi thể ra ngoài, trong đó hình ảnh bé trai 10 tuổi khiến các chiến sĩ day dứt, tiếc thương.

Tối 8/4, Đoàn cứu hộ của Bộ Công an về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ người dân chịu thiệt hại sau thảm hoạ động đất tại Myanmar.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07), Trưởng đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, cho biết đoàn đã độc lập đưa được 7 thi thể nạn nhân bị mắc kẹt ra khỏi hiện trường đổ nát, để bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Đồng thời, đoàn cũng phối hợp với các đội cứu hộ của Myanmar, Philippines, Indonesia, Singapore đưa được 7 thi thể nạn nhân khác ra khỏi các tòa nhà bị sập đổ.

Trưởng đoàn cứu hộ Bộ Công an kể điều tiếc nuối nhất khi làm nhiệm vụ ở Myanmar- Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Minh Khương và 25 cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an trở về sau 9 ngày làm nhiệm vụ nhân đạo tại Myanmar.

Tối 30/3, sau khi hạ cánh tại sân bay, đoàn công tác tiếp tục di chuyển thêm gần 9 tiếng để tới hiện trường. Sau khi khảo sát khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất tại khu dân cư Balathidi, thị trấn Zabu Thiri, Naypidaw, trong chiều 31/3, đoàn bắt tay vào công tác cứu nạn, chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân.

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, sau vài giờ thi thể nạn nhân đầu tiên là cháu bé 10 tuổi được lực lượng cứu hộ Bộ Công an đưa ra khỏi khu vực sụp đổ.

"Khi đưa cháu ra, cơ thể vẫn còn mềm, nạn nhân có lẽ mới mất được nửa ngày hoặc một ngày. Nếu chúng tôi đến sớm hơn, có thể đã cứu được cháu bé", Đại tá Khương chia sẻ.

Dù đầy tiếc nuối, nhưng theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, việc đưa cháu bé ra khỏi đống đổ nát khiến gia đình nạn nhân cảm phục, bởi trước đó ít nhất 3 đoàn đến khảo sát rồi rời đi mà không thể tìm thấy hoặc không tổ chức tìm kiếm. Việc tìm thấy thi thể bé trai phần nào giúp giải tỏa nỗi đau và đáp ứng mong mỏi của gia đình nạn nhân.

"Chúng tôi được người dân ghi nhận vì quyết tâm không bỏ nhiệm vụ khi phát hiện người bị nạn. Trên tinh thần đó, những ngày tiếp theo chúng tôi tiếp tục tới hiện trường khác. Những nạn nhân được đoàn Việt Nam tìm thấy đều ở các hiện trường vô cùng khó, ít nhất 2 đoàn đã đến khảo sát và rời đi bởi họ đánh giá tính chất nguy hiểm, quá trình cứu nạn quá phức tạp, nhưng đoàn Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, không bỏ cuộc", Phó Cục trưởng C07 nhấn mạnh.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, có hiện trường phải mất tới 2 ngày mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài. Chính nỗ lực bền bỉ ấy đã khiến lực lượng cứu nạn, cứu hộ Myanmar dành sự cảm phục cho đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam. Từ đó, trong các nhiệm vụ tiếp theo, khi đoàn Việt Nam đưa ra phương án cứu hộ, lực lượng bạn hoàn toàn tin tưởng và phối hợp chặt chẽ.

Hai năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra thảm hoạ động đất khiến hơn 50.000 người thiệt mạng. Khi đó, Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng đoàn công tác Bộ Công an lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ cứu nạn, cứu hộ. So sánh với lần đi hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tá Khương cho biết, lần công tác này tại Myanmar được nhận định có những đặc thù riêng, phức tạp hơn.

"Ở hiện trường Thổ Nhĩ Kỳ có khác biệt lớn so với Myanmar. Thổ Nhĩ Kỳ gần như sập đổ hoàn toàn, với sự hỗ trợ của phương tiện cơ giới, chúng tôi cào múc, khoan đục để tìm nạn nhân. Tính chất nguy hiểm không bằng hiện trường ở Myanmar.

Hiện trường ở Myanmar chỉ có tầng 1 sụp đổ, các tầng phía trên đè lên tầng 1, khoảng không giữa tầng 1 và tầng phía trên đè lên chỉ khoảng 30-50cm. Như vậy, việc cán bộ, chiến sĩ vào để khoan, đục phá cứu người gặp nạn mà không gây sập đổ thứ cấp là điều vô cùng nguy hiểm, cần phải giám sát kỹ và lên phương án tối ưu nhất có thể ", Cục phó C07 phân tích.

Một khó khăn khác Đại tá Khương chỉ ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khí hậu ở Myanmar những ngày sau động đất rất oi bức, trong khi điện và nước đều bị cắt, khiến công tác cứu nạn, cứu hộ của cán bộ, chiến sĩ càng thêm gian nan, vất vả.

Tuy vậy, các thành viên đoàn công tác Bộ Công an vẫn quyết không bỏ cuộc. Thậm chí, Đại tá Nguyễn Minh Khương không rời hiện trường dù chỉ nửa bước.

"Ở hiện trường cuối cùng, một số kỹ sư cảnh báo có nguy cơ sập, nguy cơ nguy hiểm nhưng anh em vẫn nói rằng 'cho em thực hiện thêm 30 phút nữa. Nếu không thành công thì chúng ta đánh dấu vị trí để sau khi san bằng toà nhà, người ta lấy xác ra từ đó'. Tôi đồng ý cho làm thêm 30 phút, khi có dấu hiệu mất an toàn tôi yêu cầu anh em phải ra ngay, phải đánh dấu và dừng tìm kiếm", Đại tá Nguyễn Minh Khương cho hay.

Ngoài nỗ lực của con người, theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, công tác tìm kiếm cứu nạn tại Myanmar còn có sự hỗ trợ của máy móc cơ giới và chó nghiệp vụ. Chính nhờ chó nghiệp vụ, đoàn đã xác định được vị trí chính xác nơi cháu bé 10 tuổi mắc kẹt, từ đó triển khai phương án cắt, phá phù hợp, đảm bảo an toàn trong quá trình đưa thi thể nạn nhân ra ngoài.

"Đặc biệt lần này chúng tôi mang theo thiết bị kìm bóp bê tông. Bình thường chúng tôi phải dùng đục, khoan bê tông tạo ra rung chấn, có thể gây sập thứ cấp. Thứ hai là dùng cưa cũng có thể gây ra rung chấn nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi dùng kìm bóp, khi bóp bê tông sẽ vỡ ra, ngoài bóp chúng tôi cắt rất nhẹ, vì vậy không tạo ra rung chấn, đó là những kỹ thuật, phương tiện hỗ trợ giúp chúng tôi mạnh dạn thực hiện thành công phương án giải cứu cháu bé", ông Khương chia sẻ.

Ngoài việc tìm kiếm, cứu nạn, Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng đoàn công tác Bộ Công an còn đến khu dân cư tập trung để lắp lều trại cho người dân, khám, phát thuốc cho người dân ở khu dân cư tập trung, phát quà cho những bệnh nhân bị thương nặng tại các bệnh viện dã chiến...

Trưởng đoàn cứu hộ Bộ Công an kể điều tiếc nuối nhất khi làm nhiệm vụ ở Myanmar- Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến tặng hoa chúc mừng đoàn công tác.

Tại lễ đón đoàn, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị trong việc tổ chức, chuẩn bị đoàn tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Ngay sau khi thảm họa động đất xảy ra, với tinh thần, khẩn trương, chỉ trong 2 ngày, đoàn công tác trang bị đầy đủ các trang thiết bị, quân tư trang, máy móc hỗ trợ hiện đại nhanh chóng lên đường tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar.

"Hoạt động này đã thể hiện bản lĩnh, tính trách nhiệm của người chiến sĩ công an" , theo Trung tướng Lê Văn Tuyến.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xây dựng quy trình tình huống cứu nạn cứu hộ, các tình huống khẩn cấp, chủ động huy động lực lượng, đảm bảo tinh nhuệ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày