Trước khi đốt pháo sáng, hãy nghĩ đến những cảnh sát phòng cháy chữa cháy

ĐỖ HỒNG GIANG, Theo Sport5.vn 22:02 04/10/2018
Chia sẻ

Để có một trận đấu an toàn, lực lượng an ninh và cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã phải căng thẳng làm việc từng giờ phút trên khán đài. Nhân ngày Phòng cháy chữa cháy Việt Nam (4/10), xin giới thiệu bài viết của độc giả Đỗ Hồng Giang với sự chia sẻ chân thành về công việc của những con người thầm lặng ấy.

Người hâm mộ đến sân vận động để cổ vũ cho các cầu thủ và tận hưởng không khí trên cuồng nhiệt trên khán đài. Còn cảnh sát phòng cháy chữa cháy, họ đến SVĐ để làm việc. Để đảm bảo một trận đấu diễn ra thành công, Ban tổ chức cần sự hỗ trợ từ các lực lượng chức năng như cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, công an quận, huyện và cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Nếu quan sát, bạn sẽ nhận ra, công việc của những người lính cứu hỏa thực sự không dễ dàng chút nào, ngược lại, rất căng thẳng và vất vả.

Trong một lần mình đến sân theo dõi trận đấu của đội bóng yêu thích, sau khi hết trận, cả gia đình mình nán lại sân để chụp ảnh. Và mình có cơ hội nhìn thấy cảnh các anh cảnh sát PCCC ngồi nghỉ trên những hàng ghế trống. Trước đó, họ đã phải đứng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, suốt thời gian kể từ lúc trận đấu bắt đầu có khán giả vào sân đến khi những người xem đã ra về, trả lại cho những khán đài sự vắng lặng. 

Những người lính cứu hỏa kiệm lời, chỉ lặng lẽ đứng vào đám đông, kiểm soát các sự cố, và chờ khán giả về hết, khán đài tắt đèn, họ mới di chuyển ra khu vực bên ngoài sân, coi như hoàn thành nhiệm vụ của một ngày.

Trước khi đốt pháo sáng, hãy nghĩ đến những cảnh sát phòng cháy chữa cháy - Ảnh 1.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải đứng nhiều hơn 90 phút để sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra. Ảnh: Phạm Huyền.

Mình tiến tới hỏi thăm: "Các chú chưa được về nghỉ à?"

Họ đùa lại: "Vâng, bọn em còn lâu, tại các chị đốt pháo sáng đấy".

Trong trận đấu mà mình đến xem hôm ấy, một số CĐV đã đốt pháo sáng ở khu vực khán đài D. Cháu mình ngồi bên cạnh thì sợ hãi, luôn miệng hỏi: "Lửa có lan sang bên này không cô? Con sợ cháy lắm". Mình phải trấn an cháu là không sao, cảnh sát sẽ dập ngay thôi. Vậy mà đứa trẻ non nớt vẫn lo lắng và sợ hãi mỗi khi pháo sáng cháy lên.

Một lát sau, dù cảnh sát đã vào dập lửa, khói từ trên khán đài vẫn bay xuống sân thi đấu. Khói mù mịt trên sân làm ảnh hưởng ít nhiều đến tầm nhìn của các cầu thủ.

Trước khi đốt pháo sáng, hãy nghĩ đến những cảnh sát phòng cháy chữa cháy - Ảnh 2.

Pháo sáng làm gián đoạn trận đấu, ảnh hưởng đến tinh thần của cầu thủ trên sân.

Mỗi người có một cách cổ vũ, thể hiện tình cảm với bóng đá. Nhưng mình nghĩ đốt pháo sáng là không nên. Đốt pháo sáng vừa gây nguy hiểm, bỏng da, ngạt khói cho những người xung quanh, vừa khiến đội bóng yêu thích phải chịu phạt, BTC sân cũng không tránh khỏi liên quan. Có những lần mức án phạt cho việc khán giả đốt pháo sáng lên đến 70 triệu đồng. Bỏ ngần ấy tiền chỉ để mua vui cho một vài người, như thế thật sự có đáng hay không?

Hơn nữa, pháo sáng cũng khiến công an cứu hỏa phải làm việc vất vả. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy luôn có mặt để dập lửa, giải quyết những sự cố cháy nổ cho người dân trong sinh hoạt hằng ngày. Bây giờ, họ lại có thêm nhiệm vụ dập tắt ngọn lửa của sự cuồng nhiệt, khi các CĐV đến sân xem bóng đá tìm niềm vui và thể hiện sự vui vẻ ấy bằng việc đốt pháo sáng.

Trước khi đốt pháo sáng, hãy nghĩ đến những cảnh sát phòng cháy chữa cháy - Ảnh 3.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải đến SVĐ trước khán giả để chuẩn bị cho công tác phòng chống cháy nổ, và họ cũng chỉ được nghỉ ngơi khi CĐV đã ra về với niềm vui hoặc nỗi buồn sau giờ bóng lăn. Ảnh: Phạm Huyền.

Một cảnh sát đã nói với mình bằng sự bất lực thế này: "Bọn em ra dập lửa thôi chứ có bắt được ai đâu. Cả đám đông như thế biết ai đốt mà bắt". Nghe câu trả lời ấy, mình nghĩ ngợi khá nhiều. Mình thấy thương những người lính ấy. Họ cũng là những chàng trai đến sân để làm việc như các cầu thủ, cũng "soái ca" không kém các ngôi sao sân cỏ mà chúng ta yêu mến. Nhưng họ lại ít nhận được sự quan tâm, đồng tình của các fan.

Hôm nay 4/10 là ngày của các chiến sĩ cảnh sát PCCC và cũng là ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy. Mình mong người hâm mộ bóng đá có thể chia sẻ với cảnh sát, cùng mang đến không khí vui tươi và an toàn cho các sân vận động.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày