Trước khi cháy kỷ lục xảy ra, rừng Amazon đã kiên cường chống trả sự xâm lấn của con người chỉ nhờ một "chiến binh tí hon"

Vũ Huế, Theo Helino 22:11 04/09/2019

Đây có thể xem là "chiến binh sinh thái" tuyệt vời của rừng Amazon. Rừng cây bị chặt hạ, loài vật này lại mò đến, tạo tiềm năng cho khu rừng vươn mình đứng dậy.

Cháy rừng tại Amazon không phải chuyện hiếm, nhưng năm 2019 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Những đám cháy rừng đang diễn ra với tốc độ và quy mô kỷ lục, khiến khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh bị biến dạng vì lửa.

Những đám cháy rừng xảy ra chủ yếu là do tác động của con người: đốt rừng làm nương rẫy, chặt phá rừng chuyển đổi đất thành nông nghiệp... Và đây không phải chuyện mới! Nó xảy ra từ cách đây hàng thập kỷ rồi.

Trước khi cháy kỷ lục xảy ra, rừng Amazon đã kiên cường chống trả sự xâm lấn của con người chỉ nhờ một chiến binh tí hon - Ảnh 1.

Khoảng rừng bị chặt hạ tại Amazon

Thường thì khi rừng bị chặt phá, các động vật hoang dã sẽ rút sâu vào phần còn nguyên sinh. Nhưng riêng ở Amazon lại có 2 chiến binh tí hon bất chấp hiểm nguy, quay lại khôi phục những gì đã mất.

Chúng là 2 loài khỉ nhỏ Tamarin đen (Saguinus niger) và Tamarin ria mép (Saguinus mystax).

Sự mất mát nghiêm trọng tại rừng mưa Amazon

Với diện tích 7 triệu km2, trong đó có 5,5 triệu km2 (550 triệu ha) là rừng mưa xanh tốt, rừng Amazon trải dài qua 9 quốc gia: Brasil, Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam và Guyana.

Bên trong Amazon là cả một hệ động thực vật phong phú không đâu bì, bao gồm 40.000 loài thực vật, 2,5 triệu côn trùng, 3000 loài cá, 1294 loài chim, 427 loài thú, 428 loài động vật lưỡng cư và 378 loài bò sát.

Trước khi cháy kỷ lục xảy ra, rừng Amazon đã kiên cường chống trả sự xâm lấn của con người chỉ nhờ một chiến binh tí hon - Ảnh 2.

Đặc biệt, mật độ cây cối trong Amazon cực lớn, ước tính sinh khối rơi vào khoảng 356 tấn/ha, sai số 47 tấn. Thế nhưng cũng chính tại nơi đây, nạn chặt phá rừng diễn ra nghiêm trọng nhất.

Trong khoảng 1991-2000, Amazon mất từ 415.000 - 587.000 km2, tốc độ chặt phá rừng trung bình chừng 19.018 km2/năm. Sang giai đoạn 2000-2005, tốc độ còn tăng lên hẳn 22.392 km2/năm.

Trước khi cháy kỷ lục xảy ra, rừng Amazon đã kiên cường chống trả sự xâm lấn của con người chỉ nhờ một chiến binh tí hon - Ảnh 3.

Chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, 39,8 triệu ha (tương đương 19% tổng diện tích rừng mưa) đã bị tàn phá. Gần 100.000 loài bị đẩy vào danh sách gặp nguy hiểm, trong đó có ¼ là nhiều khả năng bị diệt vong.

Hai "Tôn Ngộ Không" tí hon đại náo

Cứ mỗi một mét đất con người tiến chiếm là một mét đất tự nhiên bị thu hẹp. Tại Amazon, vô số sinh vật phải hứng chịu số phận "mất nhà" bởi sự mở rộng của nông nghiệp.

Thường thì sau khi rút lui, chúng cũng không quay trở lại nữa bởi môi trường đã thành ra khác, không còn thích hợp để sinh tồn và tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm. Thế nhưng riêng 2 loài khỉ Tamarin là Tamarin đen (Saguinus niger) và Tamarin ria mép (Saguinus mystax) ở vùng biên giới giữa Peru và Brazil thì lại khác.

"Chiến binh" khỉ Tamarin của rừng mưa Amazon

Trong thế giới tự nhiên của Amazon, Tamarin là những sinh vật nhỏ bé. Chúng chỉ dài từ 13-30cm (không tính đuôi) và nặng khoảng 220-900g, ăn tạp, tiêu hóa được cả trái cây lẫn côn trùng, động vật có xương sống nhỏ và trứng chim.

Thế nhưng bất chấp kích thước siêu khiêm tốn, chúng không trốn chạy mà kiên trì bám trụ, thà sống luôn trên vùng rừng bị tàn phá còn hơn bỏ mảnh đất vốn là của mình.

Dũng cảm bám trụ, tự khôi phục rừng

Trên suốt dọc biên giới giữa Brazil (đất nước chiếm hẳn 60% rừng mưa Amazon) và Peru (quốc gia giữ 13% diện tích "lá phổi của Trái đất"), vô số mảnh rừng rậm rạp bị đốn hạ, biến thành đất canh tác hoặc chăn thả gia súc.

Qua quan sát, các nhà tự nhiên phát hiện cứ nơi nào có Tamarin sinh tồn bị chặt phá, cày xới san phẳng, nơi đó lại rải rác phân khỉ.

Cảm thấy có sự lạ, họ liền tiến hành điều tra và thu được kết quả bất ngờ. Qua dữ liệu thực tế tích lũy trong 20 năm, nhà nghiên cứu Eckhard Heymann (Đức) của Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Leibniz (Leibniz Center for Primate Research) kết luận: Khỉ Tamarin còn tăng cường gieo hạt trong phạm vi rừng bị chặt phá bằng cách thải càng nhiều phân lẫn hạt thực vật của chúng.

Ngay sau khi khu rừng bị đốn hạ, người ta đã thấy đám Tamarin mon men tiến lại gần, lén lút "đi bậy". Hạt cây do chúng "gieo" chẳng bao lâu đã nảy mầm, đâm lá, sẵn sàng công cuộc khôi phục rừng.

Trong phân của Tamarin cũng bao gồm nhiều loại hạt khác nhau mà chúng "thu thập" được trong rừng nguyên sinh. Thú vị hơn cả là các loại hạt chúng "mang trồng" đang ngày càng có kích thước lớn hơn. Mặc dù chưa chắc điều này là vô tình hay hữu ý nhưng nếu thuận lợi, rừng tái sinh cũng sẽ đa dạng không kém lớp cũ.

Tất nhiên là để tự nhiên tự phục hồi cần một khoảng thời gian rất dài. Song với 2 "chiến binh" nhỏ mà can đảm này, tương lai của Amazon đã có chút sáng sủa. Phần còn lại là do con người thôi. Nhân loại sẽ dừng lại hay tiếp tục gặm nốt cái nôi của mình để rồi tự diệt?

Tham khảo: Atlas Obscura