Kì thi THPT Quốc gia 2018 đã trải qua 3 ngày thi căng thẳng. Ở mỗi điểm thi, không chỉ các thí sinh mà cả phụ huynh đều như "ngồi trên đống lửa". Con ở phía trong căng thẳng, áp lực một phần thì cha mẹ ngồi ngoài cũng bồn chồn, lo lắng không kém. Có bà mẹ bật khóc vì đợi mãi không thấy con ra, có ông bố hốt hoảng vì sợ con đi thi trễ. Thế mới nói, nỗi lòng cha mẹ đối với con cái là không gì sánh bằng.
Đúng là, muốn hiểu lòng cha mẹ cứ đến cổng trường những ngày thi. Dù trời nắng hay mưa, dù mồ hôi ướt đẫm, bậc làm cha làm mẹ nào cũng muốn là hậu phương vững chắc cho các con.
Những khoảnh khắc xúc động nhất trong mùa thi THPT Quốc Gia 2018.
Thế nhưng không phải lúc nào cũng chỉ có những gương mặt căng thẳng, lo lắng của phụ huynh, mà bên cạnh đó, còn có những ông bố bà mẹ lạc quan và đáng yêu hết sức. Có những người cha, người mẹ nán lại bên ngoài cổng trường chỉ để con biết: "Dù kết quả thế nào thì bố mẹ vẫn ở đây, đừng sợ".
Tại điểm thi trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), có một bà mẹ 50 tuổi vẫn đều đặn mỗi ngày theo con đi thi. Cô Ngô Tuyết Lan (SN 1968) than thở rằng, "Ở nhà đâu có yên tâm được nên phải đến trường chờ con ra. Mà khi gặp con, cô cũng chẳng biết hỏi gì, hay nói gì, chỉ biết nhìn sắc mặt con để sẻ chia".
4 buổi thi liên tiếp tại trường THPT Phan Đình Phùng, chưa buổi nào các bạn sinh viên tình nguyện lại không thấy bóng dáng cô Lan. Mỗi khi tiếng trống thông báo giờ làm bài vang lên, cô Lan cùng với chiếc xe đạp cà tàng của mình lại xuất hiện. Cô mang theo một chiếc ghế nhựa, dựng xe đạp ngay cạnh cây cổ thụ rồi ngồi xuống đợi con.
Em Bách - con trai cô Lan thi khối A các môn tự nhiên. Mỗi ngày đi thi em đều được bố chở đi bằng xe máy. Nhưng cô Lan cứ không yên tâm. Thành thử mỗi lần 2 cha con rời nhà, cô cũng dắt xe đạp đi theo sau.
Cô Ngô Tuyết Lan (SN 1968) - người mẹ dõi theo con từng ngày thi.
Cô mang theo ghế nhựa để ngồi đợi con ngoài cổng trường.
Ngày thi 26/6, em Bách xin bố mẹ tự đi xe tới trường. Lần này, bố em phóng xe máy theo sau, cô Lan lại tiếp tục theo sau 2 cha con. Bị chồng phát hiện, hỏi đi đâu, cô Lan chống cháy: "Ơ, tôi đi chơi!". Nhiều người biết chuyện đều bật cười, đùa rằng cả nhà em Bách cùng đi thi Đại học.
"Cô không yên tâm. Bố thường chở em đến xong rồi về. Còn cô thì xem trước lịch thi, cô đến chờ khi nào phát đề xong cô mới thở phào nhẹ nhõm. Cô cứ ngồi sẵn đây thôi, nhỡ em quên gì, cần gì cô còn xoay xở kịp. Em nó còn trẻ con lắm!" - cô Lan tâm sự.
Những hôm đi thi các môn 120 phút, cô Lan sẽ tranh thủ đạp xe đi chơi lung tung rồi cuối giờ về gốc cây ngồi chờ con. Hôm thi Ngoại ngữ 60 phút, cô không đi chơi, cô đợi luôn. "Em Bách thi Toán không được như ý muốn vì khó quá. Mà lúc em ra, các bạn sinh viên đứng đông mà cô lại bé bé nên không nhìn thấy con đâu. Cô đạp xe về nhà thì em nó về tới nơi rồi".
Mấy ngày thi, cô Lan là "nhân vật" quen mặt với các bạn sinh viên tình nguyện.
Cũng như bao bà mẹ khác, cô Lan dành hết tâm trí cho những giờ thi căng thẳng của con. Cô bảo không mệt nhọc gì khi ngồi đợi con dưới trời nắng hay mưa, cô chấp hết! Không biết em Bách có mất ngủ không chứ, riêng cô Lan mất ngủ nhiều bởi lo cho con là chính. "Mình nhắc con sợ nó bảo mình nói nhiều nên thành ra cô tinh ý, cô chỉ âm thầm quan sát con từ xa. Nhỡ may con có việc gì cô còn xử lý được".
Cô Lan làm nghề kế toán. Mấy hôm con trai đi thi, cô xin nghỉ ở nhà chăm con. Bản thân em Bách lo cho mẹ nên không muốn cô Lan đưa đi thi, em bảo mình tự đi được. Nhưng cô sốt ruột lắm, ở nhà sao yên được nên lại lặng lẽ dắt xe đạp tới điểm trường. "Nếu biết cô ngồi đợi như này em nó cũng không thích đâu. Nó bảo buồn cười. Nhưng cô vẫn cứ bỏ xe đạp một bên và ngồi đợi. Tấm lòng cha mẹ mà, luôn dành hết cho con mình thôi".
Cô Lan với chiếc xe đạp cà tàng của mình.
- "Con, con ngồi xuống đây nghỉ mệt đi, còn lâu mấy đứa nhỏ mới thi ra".
- "Đúng rồi đó ngồi xuống đây, nè ăn trái vải cho mát đi con, chị ơi mở hộp trái cây ra có xoài với ổi trong đó cho mấy đứa nhỏ nó ăn".
3 mẹ "mở tiệc ngọt" trong khi chờ con ngoài cổng trường.
Nếu đây không phải là cổng trường trong mùa thi thì chắc chúng tôi sẽ nghĩ 3 vị phụ huynh này đang đi picnic cuối tuần quá! Dưới bóng râm vỉa hè trường Trưng Vương, 3 cô trải bạt, bày biện nào là đồ ăn thức uống rồi rôm rả trò chuyện, còn mời những phụ huynh khác ngồi xuống ăn cùng.
- "3 đứa tụi cô chơi thân với nhau từ nhỏ, rồi con của 3 cô cũng là bạn học từ cấp 1 nên chúng nó thân nhau từ đó tới giờ. Lớn hơn thì tuỳ cấp mà 2 đứa nhà này, nhà kia lại học chung với nhau", cô Mai Phương cười, chia sẻ, "Con cô nay thi bên điểm trường Trần Đại Nghĩa, mà cô ham vui cô chạy qua chơi chung với 2 bà này đó!".
- "Thấy tụi cô "chuyên nghiệp" dữ không con! Đưa con đi thi mà cũng chuẩn bị kĩ lắm đó. Có kinh nghiệm mấy đứa trước rồi".
- "Chờ con thi nhưng tâm trạng của bọn cô nhẹ nhàng lắm, phấn khởi lắm, phải vui vẻ như này thì con mình mới không thấy áp lực".
Khi nghe chuông báo hết giờ làm bài, 3 người mẹ nhanh chóng thu dọn đồ ăn thức uống, chuẩn bị đón con về.
Sáng ngày 25/6 - ngày thi đầu tiên của kì thi THPT Quốc gia 2018, mặc dù thời gian làm bài môn Ngữ văn kéo dài 2 tiếng đồng hồ nhưng các phụ huynh vẫn chấp nhận đứng đợi ngoài cổng trường.
Khoảng hơn 9h sáng, thời tiết ở Sài Gòn khá nắng và oi bức. Nhiều phụ huynh đợi con ngoài cổng trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) toát mồ hôi. Tiếng quạt tay lạch tạch vì quá nóng. Hầu hết những bà mẹ đều hoá "ninja", bất chấp nắng nóng vẫn đứng chờ con, lo lắng cho con. Mỗi giây phút trôi qua là những giọt mồ hôi của cha mẹ lại rơi xuống.
"Nắng mưa cũng phải chịu thôi, tất cả là vì con mà. Chỉ mong con hiểu được bên ngoài cổng trường có cha mẹ chờ, dõi theo thì con sẽ có động lực để cố gắng hoàn thành bài thi thật tốt", cô Trần Thi Phương (quận Tân Bình) đang đứng đợi con chia sẻ.
Người mẹ hồi hộp nhìn vào cổng trường xem con ra phòng thi chưa.
Nhiều phụ huynh đứng trước cổng trường đợi con gần cả 1 tiếng. Một số người khá mệt mỏi vì nắng nóng, phải đứng dựa vào cổng trường để đợi con.
Bất kể thời tiết, các mẹ vẫn muốn đứng đợi để đón con từ cổng trường.
Trong suốt mấy ngày thi tốt nghiệp THPT, chú Đặng Văn Kiểm chạy đôn chạy đáo lo lắng cho con trai. Em Hanh (SN 1997) là thí sinh đặc biệt được phép nghỉ trưa ngay tại phòng thi của điểm trường THCS Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chú Kiểm cũng được vào phòng để chăm sóc con trai. Những lúc buộc phải ra ngoài cổng trường, chú lo lắm bởi con bị bại liệt nửa người bên phải, cả bàn tay phải cũng không hoạt động được.
Chú Kiểm không biết chỉ với bàn tay trái liệu Hanh có làm bài tốt không, thời gian có gấp gáp quá không. Chỉ đến khi hai cha con gặp lại nhau, nhìn con, chú mới dám thở phào nhẹ nhõm.
Hanh học khối tự nhiên nên với em, môn Toán không phải là trở ngại quá lớn. Sau kì thi này, Hanh muốn học thêm về máy tính để vun đắp cho ước mơ trở thành lập trình viên. "Trước tiên em muốn làm ra một phần mềm diệt virus. Sau đó khi em học cao hơn, em sẽ có thể sáng tạo những sản phẩm hỗ trợ những bạn trẻ khuyết tật, có cùng hoàn cảnh như em" - Mắt Hanh lại sáng lên mỗi khi em nói về ước mơ của mình.
Em Đặng Văn Hanh - thí sinh đặc biệt tại điểm trường THCS Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Em bị liệt nửa người bẩm sinh.
Cha em - chú Đặng Văn Kiểm vẫn luôn là đôi chân của em suốt 12 năm đến trường.
12 năm đến trường, Hanh là niềm tự hào của gia đình và đặc biệt là với chú Kiểm. Trước khi góp đủ tiền mua cho con trai chiếc xe lăn, ít ai biết chú chính là "đôi chân" thứ 2 của Hanh. Ngày nắng hay ngày mưa, 2 cha con lại cùng nhau đi học. Mười mấy năm trời trên chiếc xe đạp cà tàng, Hanh ngồi phía sau dùng bàn tay trái bám thật chặt lấy vạt áo của cha. Đến trường, cha lại cõng con lên tận lớp học. Cứ như thế đằng đẵng 12 năm...
Những lúc bất mãn với cuộc sống, những lúc buồn và muốn bỏ cuộc, thì bố là người quan trọng nhất đối với Hanh. "Bố vực em đứng lên, bố dạy em nhiều điều. Em nợ bố nhiều lắm" - Hanh tâm sự.
Không cần ai trợ giúp, chú Kiểm muốn mình luôn là người đỡ con lên xe.
Bàn tay trái của Hanh luôn nắm chặt lấy vạt áo của cha.
Vẫn là chú Kiểm, mười mấy năm rồi, tự mình đỡ đần người con trai không may mắn của mình. Trên chiếc xe máy nhỏ dọc con đường về nhà, người đàn ông với gương mặt khắc khổ quàng chiếc khăn ngang cổ, đứa con trai ngồi phía sau. Bàn tay trái Hanh, vẫn luôn nắm chặt lấy vạt áo của cha.