Liên quan đến tiến độ sản xuất, cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử; các tiện ích được tích hợp trong thẻ và tương lai của gần 80 triệu thẻ CCCD được sử dụng như thế nào, ngày 14/10 phóng viên có cuộc trao đổi với Trung tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.
- Xin Trung tướng cho biết, sau 10 tháng triển khai dự án sản xuất cấp thẻ CCCD, đến nay Bộ Công an đã đạt được những kết quả như thế nào?
Trung tướng Tô Văn Huệ: Chiến dịch sản xuất, cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử diễn ra trong đúng bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên toàn lực lượng Công an đã cố gắng khắc phục khó khăn để phục vụ nhân dân, và tính đến ngày 13/10/2021, trên toàn quốc đã thu nhận được khoảng 59 triệu hồ sơ làm thẻ, đã sản xuất và trả cho công dân khoảng 47 triệu thẻ CCCD.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục sản xuất để bảo đảm đến hết năm 2021 hoàn thành cấp khoảng 76 triệu thẻ cho toàn bộ công dân trong độ tuổi cấp CCCD ở Việt Nam.
- Hiện nay có người vẫn chưa nhận được thẻ sau nửa năm hoàn thiện hồ sơ, vậy xin Cục trưởng cho biết nguyên nhân của việc này?
Trung tướng Tô Văn Huệ: Do tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới nên ảnh hưởng đến việc sản xuất, nhập khẩu linh kiện chip điện tử. Vì vậy, có thời điểm việc nhập khẩu chip điện tử từ nước ngoài về Việt Nam để phục vụ sản xuất thẻ CCCD cũng bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ in và trả thẻ cho công dân.
Bên cạnh đó, trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp CCCD, một số thông tin của công dân bị sai lệch cần phải kiểm tra, xác minh để bảo đảm chính xác.
Hiện nay, thẻ CCCD mặc dù đã in và chuyển về các địa phương nhưng vẫn chưa trả được cho công dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong trường hợp khi công dân chưa nhận được thẻ, thắc mắc liên quan đến vấn đề thẻ, có thể liên hệ, phản ánh thông tin tới Cục Cảnh sát QLHC về TTXH qua địa chỉ mail: dancuquocgia@mps.gov.vn và Facebook Fanpage: Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (facebook.com/ttdldc). Khi nhận được thông tin chúng tôi sẽ sàng lọc, xác minh và có phản hồi sớm nhất.
Ngoài ra, theo quy định trong Thông tư số 59/2021/TT-BCA của Bộ Công an, nếu người dân có nhu cầu xác định thông tin cá nhân mà chưa được cấp phát thẻ CCCD thì vẫn có thể đề nghị Công an cấp xã, nơi đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mã số định danh này sẽ là căn cứ để giao dịch và làm các thủ tục hành chính.
- Câu chuyện về tiện ích và tương lai của thẻ CCCD và định danh cá nhân thời gian qua được bàn tới nhiều, vậy xin Cục trưởng cho biết, hiện nay Cục đang triển khai những công việc gì để tích hợp các tiện ích vào thẻ, phục vụ người dân?
Mô phỏng thẻ Căn cước công dân gắn chip tích hợp các loại giấy tờ tùy thân
Trung tướng Tô Văn Huệ: Hiện tại, Bộ Công an đang xây dựng, hoàn thiện giải pháp bổ sung các tiện ích số trên thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử. Trước mắt, chúng tôi đã bổ sung các tiện ích như xác thực thông tin tiêm chủng; xác thực giấy đi đường cho các shipper; tích hợp thông tin công dân nhận trợ cấp chính sách; tích hợp thông tin đăng ký xe theo chức năng quản lý của Bộ Công an; tích hợp thông tin lái xe luồng xanh…
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tích hợp thông tin bằng lái xe; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tích hợp thông tin bBảo hiểm xã hội và rất nhiều các tiện ích khác. Kể cả việc tích hợp thông tin trong Hộ chiếu, giấy tờ đi lại quốc tế (nếu ký thỏa thuận Hợp tác quốc tế) vì thẻ CCCD có mã MRZ (Machine - readable zone) - Mã hàng không dân dụng quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO…
Công dân chỉ cần một loại giấy tờ duy nhất là Thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử có thể thay thế rất nhiều loại giấy tờ khác.
- Tức là chỉ cần thẻ Căn cước công dân gắn chip, công dân có thể đi sang châu Âu, Mỹ mà không cần mang theo hộ chiếu và nhiều giấy tờ khác?
Trung tướng Tô Văn Huệ: Đúng vậy, có thể khẳng định thẻ Căn cước công dân và mã QR có thể sẵn sàng tích hợp theo tiêu chuẩn châu Âu; ảnh chụp hiện nay đã tích hợp trên chip cũng đạt chuẩn ICAO (tổ chức hàng không dân dụng quốc tế). Chip trên thẻ được mã hóa và có tiêu chuẩn bảo mật cao.
Điều này sẽ thực hiện được khi Việt Nam và các nước có các thỏa thuận về việc sử dụng Căn cước công dân thay cho hộ chiếu; đồng thời, phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế.
- Được biết Bộ Công an đang xây dựng quy định về định danh điện tử, định danh quốc gia để làm tiền đề cho công dân số, điều này đồng nghĩa người dân ra đường chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh mà không cần bất cứ một loại giấy tờ gì?
Thẻ căn cước công dân có thể tích hợp được nhiều loại giấy tờ khác như thẻ xanh Covid, bảo hiểm, bằng lái xe...
Trung tướng Tô Văn Huệ: Chính xác. Đây là mục tiêu của Chính phủ số, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân tốt nhất và đáp ứng được với xu thế phát triển của thế giới. Bản chất của định danh điện tử là việc chuyển từ thẻ vật lý (thẻ nhựa CCCD) sang điện tử được số hóa và định danh cho từng cá nhân.
Tuy nhiên câu chuyện có được định danh hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu và sự thỏa thuận của người dân với các cơ quan chức năng. Ví dụ bạn không muốn cầm theo thẻ căn cước trên người và thay vào đó là tích hợp các thông tin vào một app trên điện thoại thì bạn phải thỏa thuận và đồng ý với cơ quan định danh như công an, ngân hàng, bảo hiểm và bạn phải buộc cam kết là tự bảo vệ nó, bảo vệ điện thoại của mình và chỉ một mình bạn dùng được với sự bảo mật cao…
- Ông có thể giải thích rõ hơn về tiện ích của định danh quốc gia và định danh cá nhân?
Trung tướng Tô Văn Huệ: Định danh điện tử được chia thành định danh quốc gia và định danh dân sự.
Với định danh quốc gia, thì tương lai công dân có thể tham gia tất cả các giao dịch trên nền tảng số mà không cần phải mang nhiều giấy tờ khác nhau.
Còn định danh dân sự là sự thỏa thuận riêng giữa công dân với đơn vị cung cấp dịch vụ nếu có nhu cầu và các đơn vị cung cấp dịch vụ là đơn vị dân sự như ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm xe, dịch vụ Intetnet…
Hiện nay mỗi công dân còn phải mang theo nhiều loại thẻ khác nhau trên người
- Vậy tương lai khi định danh rồi, người dân khi sử dụng các dịch vụ tiện ích có phải mất phí?
Trung tướng Tô Văn Huệ: Tương lai khi sử dụng dịch vụ số này người dân sẽ không mất tiền, còn doanh nghiệp sẽ phải đóng phí cho nhà nước để khai thác các dịch vụ định danh dựa trên nguyên tắc và quy định của Chính phủ.
Hiện nay, Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, Bộ Công an đang nghiên cứu xây dựng Thông tư về danh mục các dịch vụ được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trao đổi này!