Trung thu không rước đèn của trẻ em Làng Nủ: Bánh kẹo vẫn được đặt trên chỗ ngồi trống, nhiều bé lần đầu được ăn xúc xích

Phạm Trang, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 11:06 18/09/2024
Chia sẻ

Vào ngày Trung thu năm nay, các em học sinh tại Làng Nủ vẫn có kẹo bánh, nhưng lại thiếu vắng tiếng cười.

Trung thu 3 không: Không đèn ông sao, không tiết mục văn nghệ, không tiếng cười

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, Tết Trung thu năm nay đúng vào buổi thứ hai 130 em học sinh từ điểm trường Làng Nủ chuyển ra học ở trường chính. Thầy giáo Phạm Đức Vinh, hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh, cho hay nhà trường sắp xếp để các em sinh hoạt như học sinh bán trú.

Một số phòng chức năng như phòng truyền thống, phòng âm nhạc trở thành phòng ở cho học sinh bán trú. Hiện tại, nhà trường tổ chức nấu ăn từ nguồn thực phẩm do các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ. Ban giám hiệu tiếp tục đề xuất với cơ quan chức năng bổ sung chế độ bán trú cho các em.

Trung thu không rước đèn của trẻ em Làng Nủ: Bánh kẹo vẫn được đặt trên chỗ ngồi trống, nhiều bé lần đầu được ăn xúc xích- Ảnh 1.

Ảnh: Vietnamnet

Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng đã có mặt và ghi nhận, trong ngày Tết Trung thư năm nay, lớp 2A có 16 học sinh, nhưng giờ chỉ còn 13. Sau vụ sạt lở đất, 3 bạn vĩnh viễn không thể trở lại trường, 2 bạn thì vẫn đang nằm viện. Dù thầy cô vẫn tổ chức trung thu cho các bạn nhỏ, vẫn có bánh, kẹo nhưng không có đèn ông sao, không có tiết mục văn nghệ và vắng cả những nụ cười.

Những chỗ ngồi này, những món quà Trung thu vẫn dành tặng cho các bạn. Trên những gương mặt thơ ngây này vẫn bần thần nỗi nhớ bạn cùng lớp.

Cơn lũ dữ vừa qua đã khiến 17 học sinh Làng Nủ vĩnh viễn không thể lại trường, 4 em mất tích, 10 em vẫn đang điều trị tích cực tại bệnh viện.

Trung thu không rước đèn của trẻ em Làng Nủ: Bánh kẹo vẫn được đặt trên chỗ ngồi trống, nhiều bé lần đầu được ăn xúc xích- Ảnh 2.

Ảnh: Tuổi Trẻ Online

"Thầy cô và các em rất thương, rất nhớ các bạn. Nhưng để đảm bảo tâm lý cho các em học tập thì các thầy cô đã kê lại bàn ghế, sắp xếp lại chỗ ngồi cho các em. Chúng tôi cũng tổ chức Trung thu đơn giản để các em có thêm niềm vui, quên đi những mất mát của cơn lũ vừa qua" - thầy Vinh nói với báo Tuổi Trẻ.

Tiệc "phá cỗ" có nhiều bánh kẹo, hoa quả, có cả xúc xích. Học sinh xếp hàng lần lượt như ăn buffet. Mỗi bạn được chọn một món, ăn xong xếp hàng lại chọn món khác để nhường cho các bạn.

Học sinh của Trường tiểu học và trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh được nhận nhiều bánh kẹo từ các nhà hảo tâm. Thầy cô và các em nhường cho các bạn trường khác. Trong tiệc Trung thu, món được các em xếp hàng chọn nhiều nhất là những thanh xúc xích.

Trung thu không rước đèn của trẻ em Làng Nủ: Bánh kẹo vẫn được đặt trên chỗ ngồi trống, nhiều bé lần đầu được ăn xúc xích- Ảnh 3.

Ảnh: Vietnamnet

Hoàng Quang Vinh - học lớp 1, vừa chuyển từ điểm trường Làng Nủ ra - vẫn chưa nguôi nỗi nhớ mẹ. Vinh thích nhất ăn xúc xích. "Lần đầu tiên cháu được ăn món này" - Vinh chia sẻ.

Hậu quả cơn bão đi qua vẫn còn nặng nề

Theo báo Thanh Niên ghi nhận, cho đến thời điểm hiện tại, mọi thứ còn ngổn ngang ở Làng Nủ, điều kiện, môi trường sống chưa đảm bảo an toàn nên Ban Giám hiệu Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh xin ý kiến chính quyền và ngành GD-ĐT địa phương tổ chức đón toàn bộ học sinh thôn Làng Nủ về điểm trường chính, ăn ở tại trường, thầy cô cắt cử chăm sóc các em 24/24. Khi nào thực sự an toàn và đảm bảo thì sẽ đưa các em trở lại.

Nhà trường đã huy động và được cộng đồng hỗ trợ nhiều vật dụng, thực phẩm, gạo, chăn màn, quần áo… phục vụ việc ăn ở tại trường cho học sinh Làng Nủ. Do không phải là trường nội trú nên phòng học đến tối được trưng dụng thành phòng ngủ. Các em ngủ trên những tấm phản mới xin, trên những chiếc bàn học ghép lại…

Trung thu không rước đèn của trẻ em Làng Nủ: Bánh kẹo vẫn được đặt trên chỗ ngồi trống, nhiều bé lần đầu được ăn xúc xích- Ảnh 4.

Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử

Dù còn thiếu thốn, tạm bợ nhưng cô Hoa cho biết, nhà trường chỉ cố gắng trang bị và xin vật dụng đủ dùng chứ không nhận quá nhiều, vì nhiều trường khác cũng khó khăn và vất vả sau bão lũ.

"Điều quan trọng nhất với chúng tôi là ổn định tâm lý, động viên tinh thần của cả thầy và trò sau đau thương, mất mát vừa qua", cô Hoa chia sẻ.

Thôn Làng Nủ có 167 hộ gia đình, lũ quét gây thiệt hại nặng nề đối với 39 hộ. Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh vốn có 130 học sinh Làng Nủ, nay chỉ còn 107 em. Ngày 16.9, vượt qua đau thương, mất mát, vẫn có gần 100 học sinh ở nơi đây đến trường.

Trường vốn có điểm lẻ dành cho học sinh lớp 1 và 2 đóng tại thôn Làng Nủ nhưng nay được trưng dụng để phục vụ cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tập kết vật dụng, hàng hóa cứu trợ.

PV (t/h)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày