Ảnh: Baidu
Lưỡng Hà Khẩu có nghĩa là “cửa của hai dòng sông”. Đây cũng chính là tên một siêu đập thuỷ điện tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, mới đi vào hoạt động năm 2022. Công trình dọc theo trung và hạ lưu con sông Nhã Lung đánh dấu một bước ngoặt về phát triển thuỷ điện của Trung Quốc tại vùng núi cao. Việc hoàn thành siêu đập Lưỡng Hà Khẩu trước thời gian dự kiến cũng được xem như một cột mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng thuỷ điện thế giới.
Hoạt động thi công siêu đập thuỷ điện Lưỡng Hà Khẩu bắt đầu từ tháng 10/2014 và được dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Nhưng tổ máy cuối cùng của của siêu thuỷ điện Lưỡng Hà khẩu đã chính thức được đưa vào sử dụng hồi tháng 3/2022.
Ảnh: Baidu
Sông Nhã Lung bắt nguồn từ chân núi phía nam của dãy Nhan Khách Lạp Ba, thuộc Cao nguyên Thanh Tạng. Con sông chảy qua châu tự trị dân tộc Tạng Garze, châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn và địa cấp thị Phàn Chi Hoa thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Dòng chính của sông Nhã Lung có tổng chiều dài 1.571 km và độ sụt tự nhiên là 3.830 m.
Theo thông tin từ nhà thiết kế dự án là Công ty Kỹ thuật Thành Đô, trực thuộc tập đoàn quốc doanh Power China, nhà máy thuỷ điện Lưỡng Hà Khẩu nằm ở độ cao trung bình 3.000 m so với mức nước biển. Đây là công trình thuỷ điện cao nhất của Trung Quốc và cao thứ hai thế giới.
Toàn cảnh nhà máy thuỷ điện Lưỡng Hà Khẩu. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chính vì ở trên cao, hàm lượng oxy chỉ bằng 69% so với vùng đồng bằng. Nhiệt độ vào mùa đông là gần -16 độ C. Vị trí và điều kiện môi trường đặt ra nhiều thách thức đối với việc xây dựng siêu đập. Phương án xây dựng, thiết bị kỹ thuật lẫn nhân lực thi công đều cần được tính toán cẩn thận.
Vì là công trình đập đất đá khổng lồ, Lưỡng Hà Khẩu cần tổng cộng 43 triệu m3 vật chất để lấp đầy.
Ảnh: Zhao Long
Ảnh: Liu Kun
Công trình bao gồm hơn chục đường dốc cao tối đa 684 m, tức cao hơn 50 m so với Tháp Thượng Hải (toà nhà cao nhất Trung Quốc). Để ổn định đường dốc, khoảng 16.000 dây cáp neo được sử dụng trong quá trình xây dựng. Trọng lượng của mỗi cáp neo là khoảng 1 tấn. Khu nhà máy thì có tổng diện tích là 8.004 m2.
Ảnh: Baidu
Lưỡng Hà Khẩu cũng có “siêu hồ chứa” với tổng dung tích đạt 10,8 tỷ m3, tương đương lượng nước của 25 triệu người sử dụng trong một năm. Đập của trạm thuỷ điện Lưỡng Hà Khẩu cao 295 m và là đập đất đá cao thứ ba thế giới. Công trình cũng có tháp lấy nước cao nhất thế giới là 115 m.
Ảnh: Tân Hoa Xã
Tốc độ xả lũ của trạm thuỷ điện Lưỡng Hà Khẩu nhanh thứ hai thế giới. Lưu lượng tối đa của một cửa xả đạt 4.076 m3/s, tương đương với lực tác động của 160 xe tải loại 25 tấn va chạm với nhau ở tốc độ 200 km/h.
Siêu thuỷ điện Lưỡng Hà Khẩu có thể tạo ra 11 tỷ kWh điện mỗi năm. Sau khi hoàn thành, trạm thuỷ điện này có thể giúp giảm tiêu thụ 13,3 triệu tấn than và giảm phát thải 21,3 triệu tấn CO2/năm, tương đương với việc khai thác 4 mỏ than, sản lượng 4 triệu tấn/năm.
Dự án có vốn đầu tư được phê duyệt là 66,5 tỷ nhân dân tệ (10,5 tỷ USD hay gần 250 nghìn tỷ đồng). Siêu thuỷ điện Lưỡng Hà Khẩu đi vào hoạt động sẽ giúp cân bằng tình trạng sản xuất điện ở tỉnh Tứ Xuyên. Một nhiệm vụ khác của siêu đập thuỷ điện khổng lồ này là tích trữ nước, kiểm soát khu vực trung - hạ lưu sông Dương Tử. Đồng thời, công trình giúp thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của Vành đai Kinh tế Sông Trường Giang và Vòng tròn Kinh tế Thành Đô - Trùng Khánh.
Nguồn: Global Times, Tân Hoa Xã, NSEnergyBusiness